Hà Nội sớm đưa giáo dục về trạng thái "bình thường mới"
Từ ngày 8/2/2022, học sinh THPT ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 và học sinh tiểu học tại 18 huyện ngoại thành Hà Nội bắt đầu đi học trực tiếp trở lại. Ghi nhận sau 1 tuần cho thấy, về cơ bản, việc dạy - học đang dần đi vào nền nếp và sẵn sàng thích nghi với các diễn biến của dịch.
Kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến
Theo cô giáo Phùng Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Bích Hòa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, tuần qua, học sinh từ khối 1 đến khối 5 của trường đều đã đi học trở lại. Hiện, khối lớp 1 có 207 học sinh không có trường hợp nào F0. Các khối lớp trên có 6 học sinh F0. Với các trường hợp này, trường đã phân công giáo viên dạy riêng cho các em theo hình thức trực tuyến hoặc gửi video clip hướng dẫn học sinh tự học.
Trong tuần đầu tiên đi học, do học sinh mới trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, ngoài việc tiếp tục dạy bài mới theo đúng nội dung chương trình, trường đã dành thêm thời gian củng cố kiến thức cũ và hướng dẫn học sinh làm quen với học trực tiếp, phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường.
Vì vậy, học sinh đã có thời gian để thích nghi và không bị áp lực. Tới đây, nếu xuất hiện thêm các ca F0 trong trường học, trường sẽ phối hợp với Trạm y tế để khoanh vùng, cách ly F0, F1 tại nhà. Các học sinh khác vẫn sẽ tiếp tục học tập bình thường sau khi lớp học đã được khử khuẩn.
Tại huyện Thạch Thất, theo thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Phú B, xã Bình Phú, về cơ bản, cha mẹ học sinh của trường đều đồng tình và hợp tác với nhà trường khi con trở lại học trực tiếp.
Hàng ngày, lực lượng công an sẽ phối hợp phân luồng giao thông, tránh ùn tắc khi học sinh đến trường và tan học. Trước khi vào trường, học sinh đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Toàn trường hiện có 4 học sinh F0, 7 học sinh F1.
Theo quy định, các học sinh này sẽ không đến trường học trực tiếp. Trường đã bố trí tại mỗi khối lớp một phòng học, vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến để các học sinh F0, F1 học tại nhà. Vì vậy về cơ bản, tính từ ngày 10/2 đến nay, hoạt động dạy học của nhà trường diễn ra ổn định.
Về chương trình học, theo thầy Nguyễn Văn Tường, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, nhà trường sẽ chú trọng giảng dạy kiến thức cốt lõi, trọng tâm cho học sinh trước. Với khối kiến thức tăng cường trường sẽ có định hướng sau để không gây áp lực, quá tải đối với học sinh như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Tại huyện Thanh Trì, theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, đến nay, qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 23/23 trường tiểu học, 17/17 trường THCS trên địa bàn đều đã đáp ứng đủ 16 tiêu chí trường học an toàn theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. Các trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống của dịch, đặc biệt là khi trong lớp có trường hợp F0.
Thời gian qua, học sinh lớp 1, 6 trên địa bàn đã được học trực tuyến, các trường đều đảm bảo tiến độ chương trình, chất lượng dạy học. Tuy nhiên, trong thời gian đầu học sinh trở lại trường học trực tiếp, Phòng đã chỉ đạo các trường có kế hoạch dạy học phù hợp, như vừa học bài mới, vừa ôn tập, bổ sung kiến thức cũ cho học sinh.
Đặc biệt, các trường sẽ chú ý tới học sinh yếu, để có kiến thức phụ đạo cho các em. Trường cũng sẽ quan tâm theo dõi tâm lý của các em khi ở trường. Với học sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6, trong tuần đầu, giáo viên chủ nhiệm dành thời gian để giới thiệu về trường, tạo không khí cho các con làm quen bạn bè, thầy cô.
Học sinh trường THCS thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm trong ngày đầu tiên tới trường học trực tiếp. Ảnh N.H
Khắc phục khó khăn trong giai đoạn “giao thời”
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường.
Cô giáo Phùng Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Bích Hòa cho biết, đối với huyện ngoại thành, học sinh đa phần không ăn bán trú tại trường nên quy định không tổ chức bán trú ở trường để phòng, chống dịch không gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của các gia đình. Những ngày qua, cha mẹ học sinh của trường đều ủng hộ chủ trương để con em đi học trở lại và còn rất phối hợp trong rà soát các yếu tố dịch tễ của con em, hạn chế nguy cơ dịch lây lan trong trường học.
Tương tự, theo thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Phú B, học sinh của trường đa phần cư trú gần trường, phụ huynh các em chủ yếu làm nông nghiệp nên có điều kiện đưa đón con em vào buổi trưa.
Tuy nhiên, với các trường trong khu vực nội thành, việc học sinh chỉ học 1 buổi/ngày sẽ khó khăn với nhiều cán bộ công chức trong việc đưa đón con em. Hiện nay, học sinh tiểu học ở các quận nội thành vẫn chưa tới trường học trực tiếp, nhưng, nhiều cha mẹ học sinh đã “sớm lo” khi con không được ăn trưa, bán trú tại trường.
Anh Nguyễn Tuấn Thành, có con đang học tại trường tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết: “Hiện nay, con gái lớn đã đi học THPT, con nhỏ tự ở nhà học trực tuyến. Nếu tới đây cháu thứ hai chỉ đến trường học 1 buổi trong khi tôi làm tại quận Hoàn Kiếm thì sẽ khó quay về vào buổi trưa để đón con”.
Theo thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, những ngày qua, tỷ lệ học sinh đi học của trường ở cấp THPT đạt mức 95-96%. Số 4% còn lại ở vùng dịch cấp độ 3 và một số là F0, F1. Để đảm bảo việc học ở trường được an toàn, trường đã chia các lớp thành hai ca học sáng và chiều.
Trong đó, khối THPT học 6 buổi trực tiếp tại trường, 3 buổi học trực tuyến vào buổi chiều. Khối THCS học 5 buổi trực tuyến vào buổi chiều. Do học sinh chỉ học 1 buổi/ngày, không ăn trưa, bán trú, trường tổ chức đưa đón học sinh bằng xe buýt với số lượt xe chạy phải tăng lên gấp đôi với 4 lượt đón/trả/ngày.
(Trước đây học sinh học cả ngày tại trường, số lượt di chuyển của xe buýt chỉ 2 buổi /ngày). Đây cũng là một khó khăn nhưng trường đã cố gắng khắc phục. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ vất vả hơn trong việc dạy vừa trực tuyến, vừa trực tiếp cũng như sắp xếp thời khóa biểu học giữa các lớp.
Theo thầy Đàm Tiến Nam, hiện nay, về cơ bản, học sinh đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong trường học cũng thấp hơn trước. Trong giai đoạn đầu học sinh trở lại trường, sẽ có nhiều phát sinh, nhưng cả nhà trường, thầy cô giáo và gia đình đều cố gắng khắc phục.
HOÀNG LAN