60% doanh nghiệp do nữ làm chủ khó khăn khi đầu tư chuyển đổi số

Bài và ảnh: Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tại hội thảo “Quản trị tài chính, gia tăng nguồn vốn và chuyển đổi số cho phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 4/11, các đại biểu đã nhận định, các doanh nghiệp khi chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng sẽ gặt hái được nhiều lợi ích. Hiện nay, từ Trung ương đến Thành phố đã có nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

60% doanh nghiệp do nữ làm chủ khó khăn khi đầu tư chuyển đổi số - ảnh 1
Các đại biểu tham gia hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Phụ nữ Thủ đô chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%. Gần 5 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 3.279 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ trên 130.700 phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín chấp với tổng số vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng năm 2022 có 799 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, đã tổ chức 1.352 cuộc hội thảo, tọa đàm, truyền thông, tập huấn trực tiếp, trực tuyến hỗ trợ trên 20.000 nữ doanh nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 43/QH; Nghị định 80/CP; tiếp cận các nguồn lực về vốn, tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số, thương mại điện tử; phối hợp tổ chức 7 khóa đào tạo CEO chuyên nghiệp, 82 khóa đào tạo kỹ năng quản lý, chuyển đổi phương thức kinh doanh cho 122.000 hộ kinh doanh do nữ làm chủ, 22 doanh nghiệp được hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số; 234 chủ thể được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp do nữ làm chủ, đặc biệt là phụ nữ mới khởi nghiệp vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận các chương trình còn nhiều khó khăn, chị em chưa nắm chắc về cơ chế chính sách, các nguồn vốn và thủ tục để được tiếp cận còn lúng túng, đặc biệt còn thiếu kỹ năng, hạn chế trong quản lý tài chính, nguồn vốn, tiếp cận nền tảng công nghệ và quản lý, sử dụng các công cụ chuyển đổi số.

Trình bày tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Hoàn,Trưởng phòng tư vấn Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng; tạo cơ hội cho doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, nhờ có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ tối ưu chi phí vận hành, nhân sự trong khi lại tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất… Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, có tới hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% doanh nghiệp gặp khó trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. 

Theo bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cũng đã đặt ra một số mục tiêu như: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa Thủ đô được nâng cao nhận thức chuyển đổi số; 90.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhận hỗ trợ; 100% doanh nghiệp trên địa bàn TP sử dụng chữ kỹ số, hóa đơn điện tử; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố.

Cũng theo bà Trang, để có thể thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô, Thành phố đã xác định nhiều nhiệm vụ giải pháp như phải xây dựng được các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là việc tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số. Hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo mức độ chuyển đổi số cũng như tăng cường; thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số của Thành phố.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cũng đã hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó đã làm rõ một số nội dung như đối tượng được vay vốn; điều kiện vay vốn; mức cho vay; thời hạn cho vay; lãi suất cho vay… Bà Hảo cũng lưu ý về các “bẫy” cho vay tín dụng đen để các chị em phụ nữ đang khởi nghiệp phòng tránh cũng như những lỗi trong quản trị nguồn vốn, nhất là nguồn vốn không hiệu quả dẫn tới bị thua lỗ trong kinh doanh, rơi vào nợ xấu...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

(PNTĐ) - Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu, kết nối, hội nhập và phát triển giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ quốc tế, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 25-28/1/2024, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đã tới hai xã đồng hành thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên là Leng Su Sìn và Sín Thầu, thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, đồn biên phòng Leng Su Sìn, Sín Thầu, ĐBP A Pa Chải, và thăm Hội LHPN tỉnh Điện Biên, Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé và 2 xã đồng hành.