Hỗ trợ doanh nghiệp nữ phát triển thương hiệu thời 4.0

Bài và ảnh: Ngọc Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việc kinh doanh online đã quen thuộc trong thời đại 4.0. Sự kết hợp dịch vụ tại cửa hàng và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử sẽ giúp thúc đẩy doanh số sản phẩm bán ra, mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nữ phát triển thương hiệu thời 4.0 - ảnh 1
Giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại phiên chợ trong khuôn khổ chương trình đào tạo và tư vấn bán hàng online do Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức

Sau hai năm đương đầu với đại dịch Covid-19, đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó đã có nhiều doanh nghiệp đã biết chuyển đổi từ mô hình kinh doanh offline sang online, tìm hiểu các kênh marketting online để tiếp cận sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhằm hỗ trợ hội viên bán hàng online, mới đây, Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HAWASME) đã tổ chức lớp đào tạo và tư vấn bán hàng hiệu quả trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT).

 Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội HAWASME chia sẻ: “Từ năm 2014, Hội đã có một sàn giao dịch thương mại điện tử với 200 doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia nhưng mới chỉ dừng lại ở quảng bá các sản phẩm. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, sàn này sẽ không chỉ quảng bá sản phẩm mà có thể nâng cấp để bán sản phẩm trên các sàn TMĐT khác”. 

Bà Vũ Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Gốm xanh Việt Nam tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Từ ngày thành lập Công ty, nhất là trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua, Công ty chủ yếu sử dụng mạng xã hội để bán hàng, doanh số đạt bình quân 2-3 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như chúng tôi còn nhiều hạn chế trong việc quản lý website, quảng bá và bán sản phẩm trực tuyến. Vì vậy, khi được tham gia lớp đào tạo, chúng tôi được giảng viên tư vấn, hướng dẫn về nguyên tắc hoạt động TMĐT, các nền tảng trực tuyến; những phương thức sáng tạo nội dung, tự thiết kế banner, catalogue điện tử; viết nội dung quảng cáo trên mạng xã hội, facebook, website và các nền tảng TMĐT; cách thức xây dựng nội dung có thương hiệu và lên kịch bản nội dung chuyên sâu, tối ưu hóa nội dung đa kênh. Nhìn chung, kiến thức được học rất thực tế và dễ áp dụng. Tôi hy vọng sẽ áp dụng kiến thức đã học vào hoạt động của Công ty để tạo sự kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”. 

Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Trong khu vực kinh tế tư nhân hiện nay có trên 880 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nhân nữ chiếm 24-25%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá rất cao Dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ 36 triệu USD trong 5 năm. Dự án được kỳ vọng sẽ là nguồn lực hỗ trợ quý báu, kịp thời giúp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển khu vực kinh tế tư nhân để các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp ngày càng phát triển bền vững. 

Nhận định về hiệu quả của việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng: “Việc phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước đã góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sở Công thương Hà Nội tin rằng với sự hỗ trợ của Cơ quan USAID, những nội dung đào tạo và tư vấn nâng cao hiệu quả bán hàng trên các kênh thương mại điện tử sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”. 

Bà Mai Thị Thùy kỳ vọng sau lớp đào tạo sẽ có 90% doanh nghiệp áp dụng kiến thức được học vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình và có 100% doanh nghiệp tham gia phiên chợ bán được hàng; 25% doanh nghiệp tìm được đối tác để kết nối giao thương lâu dài với các tỉnh, thành và Hà Nội.

Hoạt động đào tạo và tư vấn bán hàng hiệu quả trên các kênh TMĐT cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ do Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động bán hàng online, sáng tạo nội dung maketting giúp truyền thông hiệu quả, tăng hiển thị của doanh nghiệp trên các nền tảng TMĐT.
 Đánh giá về hoạt động của Hội HAWASME, bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ: “HAWASME là một trong những hội không chỉ kết nối các chị em phụ nữ để hỗ trợ về tinh thần mà còn là đơn vị đi đầu trong xúc tiến thương mại. Thương mại điện tử là một phần của kinh tế số và thương mại điện tử sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm ra toàn thế giới một cách đầy trí tuệ, hiệu quả. Chương trình đào tạo và tư vấn mà Hội tổ chức sẽ là động lực để chị em phụ nữ tích cực tham gia vào việc quảng bá, đưa các sản phẩm ra toàn quốc, toàn cầu”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.