Hỗ trợ nữ doanh nhân thích ứng với thương mại điện tử

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thương mại điện tử là một trong những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hỗ trợ các nữ doanh nghiệp nâng tầm nhận thức, phát huy tốt hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong thời đại 4.0.

Hỗ trợ nữ doanh nhân thích ứng với thương mại điện tử - ảnh 1
Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử cho phụ nữ khởi nghiệp” dành cho các nữ chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Chị Tần Thị Shu, sinh năm 1986, người dân tộc Mông ở Sa Pa (Lào Cai) đã thành công khi sử dụng thương mại điện tử vào kinh doanh, phát triển du lịch, trở thành cô gái người Việt trẻ tuổi được tạp chí Forbes năm 2016 vinh danh trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Chị Shu thành lập Sapa O Châu nhằm giúp du khách có thể liên hệ trực tiếp với các hướng dẫn viên bản địa, không phải đặt tour thông qua các công ty du lịch lớn. Nhờ vào lợi thế sử dụng các kênh trên mạng xã hội, công ty Sapa O Châu đã nhanh chóng được biết đến là công ty du lịch quốc tế được cấp phép, hoạt động phi lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 người dân tộc thiểu số…

Bà Phạm Thị Bảy, Giám đốc công ty bất động sản Bắc Nam Từ Liêm đã có hơn 10 năm sử dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Theo bà Bảy, khi mới thành lập, công ty hoạt động theo phương thức truyền thống. Nhân viên tiếp cận khách hàng thủ công nên khá vất vả mà hiệu quả chưa cao. Biết đến việc sử dụng công nghệ trong kinh doanh, bà Bảy chạy sale trên các trang điện tử google, chotot, facebook, zalo, youtube… Nhờ đó, khách hàng biết đến công ty nhiều hơn, có khách ở các tỉnh thành khác, các nhân viên cũng nhàn hơn trong tiếp thị sản phẩm. 

Đây là hai trong số những doanh nghiệp do nữ làm chủ khởi nghiệp kinh doanh thành công nhờ vào việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử cho phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 8/7, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đánh giá, phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi gia đình và cộng đồng. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%. 

Bà Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh: Hơn 4 năm qua, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối, giúp đỡ hàng nghìn nữ chủ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp và trực tuyến. Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhằm tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức nhiều Hội thảo hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho phụ nữ khởi nghiệp. 

Chuyên gia Nguyễn Văn Chính, Giám đốc công ty Cổ phần iCheck, giảng viên học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, những yếu tố giúp cho thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu, tỷ lệ sử dụng internet cao với khoảng 67,72% dân số sử dụng internet. Động lực mua sắm online thường là thuận lợi cho khách hàng, đa dạng hóa lựa chọn thương liệu, các hình ảnh rõ ràng, đầy đủ, có sự đánh giá trực tiếp từ các khách hàng đã mua sản phẩm. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Ditigal 4.0 cho rằng, trong thời đại ngày nay, khi công nghệ đang ngày càng phát triển và trở thành “món ăn” không thể thiếu của mọi người, thì đây là cơ hội “kiếm tiền” của các chủ doanh nghiệp. Do đó, bất cứ ai, bán những sản phẩm gì cũng có thể tự tin ứng dụng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình trên mạng xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết, tầm quan trọng cùng những lợi ích thiết thực của thương mại điện tử đối với ngành nghề nói chung và các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh hiện nay đòi hỏi cần nhiều thay đổi về tư duy để các doanh nghiệp thích ứng và phát triển phù hợp với thời đại số. Trong bối cảnh Covid-19, Hội LHPN Hà Nội đã đề ra những chủ trương hỗ trợ, trang bị những kiến thức cần thiết giúp chị em phụ nữ Việt nhanh chóng nắm bắt xu hướng thời đại, kịp thời phục vụ cho những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. “Thói quen tiêu dùng sẽ dần dần thay đổi thay thế chợ truyền thống bằng mua sắm online. Do đó, các chị em cần lựa chọn sàn thương mại điện tử hợp pháp, không có dấu hiệu lừa đảo, kêu gọi bán hàng đa đấp để đồng hành, đồng thời, học hỏi kỹ năng bán hàng qua mạng để phát triển thị trường” - bà Hảo cho biết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

(PNTĐ) - Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu, kết nối, hội nhập và phát triển giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ quốc tế, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 25-28/1/2024, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đã tới hai xã đồng hành thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên là Leng Su Sìn và Sín Thầu, thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, đồn biên phòng Leng Su Sìn, Sín Thầu, ĐBP A Pa Chải, và thăm Hội LHPN tỉnh Điện Biên, Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé và 2 xã đồng hành.