Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội sáng tạo, tâm huyết

Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng cán bộ Hội trong tình hình mới

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ Hội các cấp. Theo đó, đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ đã không ngừng học tập, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tâm huyết và có khát vọng cống hiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong tình hình mới.

Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng cán bộ Hội trong tình hình mới - ảnh 1
Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở của huyện Gia Lâm tham gia hội thi “Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”

Cán bộ Hội vượt khó để cống hiến 
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô về thực trạng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ Hội trên địa bàn quận Ba Đình, bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận - cho biết: “Hiện nay, tổng số hội viên trên địa bàn toàn quận gần 30.000 hội viên. Bộ máy hoạt động của tổ chức Hội tại quận hiện nay có 2 cấp: Quận và phường với 19 cơ sở Hội, Quận Hội có 5 cán bộ, công chức. Cấp phường có 14 chủ tịch là cán bộ chuyên trách cùng 174 chi hội, 534 tổ phụ nữ do Hội Phụ nữ các cơ sở trực tiếp quản lý. Số lượng cán bộ Hội độ tuổi trên 55 chiếm tỷ lệ khá cao, phần lớn cán bộ Hội có trình độ THPT, tuy nhiên cán bộ tại Chi, tổ đa phần chưa được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Hội. Một số cán bộ Hội còn thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các phong trào thi đua của Hội của địa phương, chất lượng cán bộ chưa đồng đều… Thực trạng này là khó khăn lớn đối với việc tổ chức và điều hành hoạt động  Hội”.  

Tại quận Tây Hồ, bà Bùi Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ cho biết: “Thực hiện Đề án 06 và Đề án số 21-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội về kiện toàn, sắp sếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội thời gian qua, quận Hội đã hướng dẫn các phường thực hiện kiện toàn, chia tách, sáp nhập các chi hội theo sự chỉ đạo của Đảng ủy phường và tham mưu kịp thời với cấp ủy bố trí, sắp xếp chi hội trưởng dôi dư do sáp nhập tham gia các tổ chức, hội đoàn thể khác. Theo đó, trước khi thực hiện đề án tổng số chi hội là 92, sau thực  hiện đề án tổng số là 110 chi hội phụ nữ cơ sở kiện toàn chi, tổ theo địa bàn dân cư; đồng thời xây dựng các mô hình, loại hình tập hợp phụ nữ theo nhu cầu, lứa tuối… Nhưng trên thực tế, chế độ hỗ trợ cho chi hội trưởng chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là Chỉ thị số 21, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội. Bên cạnh việc chú trọng tập huấn kỹ năng tuyên truyền, lý luận chính trị, Hội LHPN Hà Nội đã lựa chọn những chuyên đề cụ thể phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, đi sâu vào nghiệp vụ tổ chức sinh hoạt Hội, những điểm mới của Điều lệ Hội và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII… Trong thời gian tới, cán bộ Hội chuyên trách các cấp thực hiện “3 cùng” với chi hội “cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo”, Thành Hội tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2019-2025 (Đề án 1893).

Hội LHPN phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm với gần 700 hội viên phụ nữ. Hội viên phần lớn là cán bộ công chức đã nghỉ hưu và chị em phụ nữ kinh doanh buôn bán nhỏ. Bà Trần Thị Bích Vân, Chi hội trưởng phụ nữ số 4, phường Hàng Bông cho biết: Sau khi thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội, Chi hội phụ nữ số 4 đã thực hiện sáp nhập từ 2 chi hội (số 4 và số 5). Thực tế cho thấy, việc sát nhập tổ dân phố cũng gây khó khăn hơn tới cán bộ Hội, bởi lẽ địa bàn rộng, hội viên đông hơn mà cán bộ Hội lại giảm, trong khi chế độ phụ cấp thì không tăng. Hiện nay các chi hội trưởng được hưởng chế độ phụ cấp là 250.000 đồng/tháng từ nguồn ngân sách theo phân cấp. 

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp và sự phối hợp của Ban Công tác mặt trận và các chi hội trong tổ dân phố, đội ngũ cán bộ Hội quận Hoàn Kiếm thời gian qua vượt khó, tận tâm, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo hoạt động Hội thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, từ đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Hội
Hiện nay, tại một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, một số cán bộ Hội là Chủ tịch Phụ nữ cơ sở còn trẻ, có kiến thức, song kinh nghiệm chưa nhiều để có thể thực hiện hiệu quả công tác vận động phụ nữ. Trong khi đó, nhiều chi hội trưởng tuy có kinh nghiệm và uy tín nhưng nhiều tuổi, hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của Hội. Đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở có nhiều biến động.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, theo bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, Quận Hội đã thông qua đề án “Xây dựng chiến lược phát triển năng lực phụ nữ Ba Đình giai đoạn 2021-2026”, trong đó tập trung các giải pháp chủ yếu như: Đội ngũ cán bộ chi, tổ tích cực đăng ký “Cán bộ hội cơ sở giỏi” hàng năm; đưa ra khung tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ thực chất, theo đúng vị trí, trách nhiệm, nhiệm vụ có sự nhạy bén kịp thời đáp ứng tình hình mới; xây dựng, bồi dưỡng đào tạo nguồn kế cận. Theo đó, khi xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cần có cơ cấu hợp lý về độ tuổi, đặc biệt với cán bộ chuyên trách. Mạnh dạn áp dụng thực hiện luân chuyển chủ tịch phụ nữ các phường trong cùng một địa bàn cấp quận, huyện hoặc chủ tịch phụ nữ các quận…

Vai trò của cán bộ Hội cơ sở trong công tác tập hợp, vận động phụ nữ rất quan trọng và không thể thiếu. Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ Bùi Thị Ngọc Thúy, hàng năm, Hội Phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường, chi hội trưởng, tổ trưởng… trong đó ưu tiên vấn đề “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể để triển khai các phong trào, nhiệm vụ của tổ chức Hội đến chi hội phải rõ ràng, tập trung những nội dung sát với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Quận Hội tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội. 

Tại huyện Gia Lâm, thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, các chuyến tham quan giáo dục truyền thống tại các địa phương để đội ngũ cán bộ Hội cơ sở có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Nguyễn Thanh Hương cho biết: “Năm 2022, với mục đích tạo diễn đàn để cán bộ, hội viên phụ nữ giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết gắn với các hoạt động Hội. Đồng thời, cổ vũ, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ tự học tập, nâng cao năng lực, trình độ, tích cực tham gia công tác Hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Huyện Hội tổ chức Hội thi “Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” từ đó, chị em vừa có thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyên về các phong trào thi đua, 2 khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các cuộc vận động của nhiệm kỳ mới từ cấp Trung ương Hội đến cấp TP, huyện và cơ sở”.

Tại huyện Thạch Thất, Chủ tịch Hội LHPN huyện Khuất Thị Khuyên cho biết: Huyện có 23 tổ chức Hội LHPN xã, thị trấn, 122 chi hội thôn, tổ dân phố, tổng số hội viên phụ nữ hiện nay là gần 52.000 hội viên. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng với việc mỗi cán bộ hội viên phụ nữ tiếp tục học tập, rèn luyện thường xuyên nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ Hội ở các địa phương, đơn vị đảm bảo có đủ tiêu chuẩn trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Hội LHPN các cấp tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy xây dựng và thực hiện các chủ chương, chính sách của TƯ, TP về công tác cán bộ nữ. Chủ động giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy, chính quyền.

Bà Nguyễn Kim Quý, Trưởng ban Tổ chức Kiểm tra - Hội LHPN Hà Nội cho biết: Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ cho 579 Chủ tịch Hội LHPN xã, phường, thị trấn năm 2023 các chuyên đề: Tình hình kinh tế xã hội trong nước và Thủ đô năm 2023, vận dụng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội; kỹ năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề của hội viên, phụ nữ; kỹ năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương... Các chuyên đề do Hội LHPN Hà Nội tổ chức trong tháng 4 và 5/2023 đã nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở để xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.