Phân loại, xử lý rác tại nguồn góp phần xây dựng nông thôn mới

THU HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động và mô hình sáng tạo phù hợp, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ.

Phân loại, xử lý rác tại nguồn góp phần xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Phụ nữ huyện Đông Anh tham gia xử lý rác hữu cơ tại nguồn Ảnh: HPN

Để tiếp tục thúc đẩy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, năm 2022, Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng và được UBND Thành phố phê duyệt thực hiện đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” với nhiều hoạt động và mô hình cụ thể góp phần thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Tại tọa đàm “Vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường và ra mắt mô hình điểm phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn huyện Gia Lâm” tổ chức ngày 9/11, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: “Trong nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ. Nổi bật là các cấp Hội Phụ nữ toàn Thành phố đã sáng tạo, đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức; xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “sạch đồng ruộng”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần”, “Thùng rác thân thiện”, gần đây là các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch””…

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ việc thực hiện các mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ, bà Lê Thị Huế, Trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết, thôn Nghĩa Vũ có 257 hộ gia đình với 974 nhân khẩu. Khối lượng chất thải phát sinh 1000 kg/ngày. Trước đây, người dân có thói quen xả rác lẫn lộn, một số hộ gia đình diện tích nhà chật hẹp, không có chỗ để xử lý rác hoặc có tâm lý “ngại” phân loại rác. Tuy nhiên, thôn đã tuyên truyền, vận động người dân dùng phương pháp ủ phân hữu cơ tại nhà. Từ kết quả 3 xã thí điểm thành công trong năm 2021, đến nay huyện Đông Anh có 24 xã, thị trấn triển khai phân loại và ủ phân hữu cơ. Với cách làm này đã giảm 30-50% lượng rác/hộ, tần suất đổ rác giảm, chỉ cần đổ rác 2-3 ngày/lần thay vì hàng ngày như trước đây. Các hộ gia đình đã có thói quen phân loại và xử lý rác hữu cơ. 100% người tham gia có phản hồi tích cực và nhận thấy hiệu quả giảm rác, giảm phân bón phải mua khi trồng cây xanh.

Tại huyện Sóc Sơn, nhiều mô hình xử lý rác thải cũng đã được triển khai hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22, ngày 22/8/2018 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn”, thực hiện chương trình công tác Hội, đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình, khởi nghiệp từ rác”, huyện đã lựa chọn xã Đông Xuân (thôn Yêm là đơn vị làm điểm) và xã Phú Cường là 2 đơn vị làm thí điểm xây dựng, triển khai kế hoạch liên tịch thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng chế  phẩm IMO4. 

Bà Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Từ tháng 4/2021, rác thải hữu cơ sau khi được xử lý qua chế phẩm IMO4 các hộ gia đình dùng tưới cây, làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoặc làm thức ăn chăn nuôi (gà, vịt, lợn) tùy theo điều kiện của từng gia đình. Đến nay xã đã có 10/10 thôn trên địa bàn xã đã và đang triển khai thực hiện, khoảng 700 hộ dân được hướng dẫn trực tiếp và biết cách thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà; đồng thời biết cách sử dụng chế phẩm IMO4 vào mục đích gia đình mình (chăn nuôi, làm thức ăn chăn nuôi, khử mùi hôi thối chuồng trại, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ...)

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, kiến nghị Thành phố nghiên cứu, xây dựng phương thức, phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ (từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải); tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường (như sản phẩm túi đựng, hộp đựng thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa góp phần bảo vệ môi trường). 

Trong các dự án nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông đề nghị TP nghiên cứu quan tâm có xác định các vị trí, diện tích trồng hoa, cây xanh... Qua đó, góp phần vào việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiến tới xây dựng Hà Nội xanh, phát triển bền vững. Nhân dịp này, các đại biểu đã dự lễ ra mắt mô hình điểm “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.