Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Bài và ảnh Thanh Nhung - Quỳnh Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Góp phần vào chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phụ nữ đã và đang tiên phong trong phong trào thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Không những làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều mô hình hay, việc làm sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội còn lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được lãnh đạo các cấp chính quyền đánh giá cao.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cấp Hội Phụ nữ thời gian qua đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn. Đồng thời gắn trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn. 

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 1
Các chị em phụ nữ chi hội 14 phường Khương Mai phân loại, thu gom rác thải nhựa tại các hộ gia đình

Tuyên truyền thay đổi ý thức của hội viên
Trong gia đình, phụ nữ chính là người thường xuyên sử dụng, tiếp cận và trực tiếp giải quyết các vấn đề về rác thải sinh hoạt hàng ngày. Chị Cấn Thị Hoa, hội viên phụ nữ Chi hội thôn Đoàn Kết, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất cho biết: Trong thời gian đầu, nghe về việc phân loại rác quả thực tôi rất mù mờ không hiểu phân loại như thế nào cho đúng. Thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ hay rác tái chế không phải ai cũng biết cách phân biệt được. Việc để các loại rác này tại gia đình vẫn còn lộn xộn. Hầu hết các loại rác sinh hoạt gia đình từ giấy, thực phẩm, chai lọ… đều được cho chung vào một túi chứ không tách riêng ra bao giờ. Nhưng ngay sau khi được chị em cán bộ Hội trong chi hội tới tuyên truyền vận động, hướng dẫn việc phân loại rác thải tại nguồn rất cặn kẽ, cụ thể, tôi đã hiểu rõ hơn việc thu gom, phân loại các loại rác thải của gia đình mình. Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, các thành viên trong gia đình tôi đã hình thành và duy trì thói quen phân loại rác này. 

Để hình thành thói quen cho các hộ gia đình, mới đây ngay tại “Sân chơi nở hoa” của khu dân cư số 14, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Chi hội PN còn lắp đặt một thùng phân loại rác tái chế, khi người dân vui chơi có thể thả các lon bia, chai nước, sữa… vào thùng để tổ thu gom mang đi bán. Tất cả số tiền thu gom từ phế liệu được Chi hội sử dụng làm từ thiện, đóng góp vào các công trình có ích cho xã hội, đỡ đầu trẻ mồ côi trên địa bàn…

Theo chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất, cách đây khoảng 4 năm, để giúp người dân thay đổi thói quen, Hội PN đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Trong đó, Hội PN xã Dị Nậu là một trong những đơn vị làm điểm đã lập tức triển khai đến các chi hội và cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân địa phương. Trong thời gian đầu triển khai mô hình trên tại địa bàn Dị Nậu gặp nhiều khó khăn trong phân loại rác thải. Một trong những nguyên nhân chính là người dân chưa có thói quen với việc phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, hoặc “để dành” rác tài nguyên mà thường bỏ tất cả các loại rác thải sinh hoạt vào cùng một thùng đựng rác. Với quyết tâm thay đổi thói quen này của người dân, Hội PN đã tổ chức các buổi tuyên truyền đến 100% cán bộ, hội viên phụ nữ, tặng thùng đựng rác cho một số hộ gia đình hội viên tham gia mô hình. Cán bộ Hội và hội viên nòng cốt đã tích cực đến tại các gia đình tuyên truyền, vận động khuyến khích các gia đình hội viên tham gia mô hình. Đến nay, Hội đã triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn cho hàng nghìn hội viên phụ nữ. 

Tại huyện Thanh Oai, là một đảng viên, bà Nguyễn Thị Lập (thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương) luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Khi được Hội PN tuyên truyền về tác hại của túi nilon, bà thường dùng làn đi chợ, còn rác thải trong sinh hoạt như thực phẩm thừa, các loại vỏ hoa quả, rau củ cho vào thùng nhựa ủ làm nguyên liệu bón cây. Đồ chai, lọ nhựa, túi nilon, vỏ củ quả phân loại riêng. Khi nhân viên vệ sinh đến thì bà giao cho họ các túi riêng đó. 

Gia đình bà Lập là một trong 40 hộ dân của thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương được Hội LHPN huyện Thanh Oai chọn làm điểm cho mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ” tại hộ gia đình. Để giúp các gia đình hiểu hơn về lợi ích của việc phân loại rác, cán bộ Hội đã đến tận hộ gia đình hướng dẫn hội viên và nhân dân biết cách phân loại rác. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ có 1 thùng đựng rác phân hủy và 1 thùng đựng rác không phân hủy để thu gom và tiện cho việc xử lý và tập kết rác cho đơn vị thu gom. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Hội, chị em hội viên và các gia đình đã nhiệt tình hưởng ứng. 

Theo chị Hà Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Dương, bản chất mô hình này rất hay, nhưng chính sự tự nguyện, đồng lòng của người dân đã góp phần đưa mô hình vào cuộc sống một cách thiết thực.

Biến thói quen thành việc làm cụ thể 
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, ngoài việc phát tờ rơi, khẩu hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, zalo, facebook… giúp nâng cao ý thức về thu gom, phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình. Hội PN phường Khương Mai, quận Thanh Xuân còn tích cực hướng dẫn cụ thể phân loại rác tại gia đình, bao gồm rác vô cơ, rác hữu cơ. Triển khai các thùng rác phân loại tại nguồn ở khu vực dân cư để người dân có ý thức hơn trong việc thu, gom, phân loại rác. 

Ba năm nay, người dân ở khu dân cư 14, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân đã quen với hình ảnh bà Nguyễn Thị Tân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 14 và các chị em phụ nữ tay xách, tay bê những túi nilon, vỏ chai nhựa tái chế đã thu gom để bán lại lấy tiền gây quỹ ủng hộ giúp đỡ cho người nghèo… không những thế, hàng ngày, bà Tân đến từng hộ gia đình vận động người dân phân loại các vỏ chai nhựa, túi nilon, giấy, bìa caton đã qua sử dụng để bà và các chị em trong tổ thu gom đến nhận. 

Ngay khi được giao nhiệm vụ làm nòng cốt thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ” tại hộ gia đình và được cử đi học hỏi từ thực tế và qua các chuyên gia, Hội Phụ nữ các cấp huyện Thanh Oai đã ngay lập tức bắt tay vào việc. Chị Hà Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội PN xã Hồng Dương chia sẻ: Hội PN đã lựa chọn thôn Tảo Dương làm điểm là bởi địa phương từ lâu có tiếng đồng lòng, cán bộ và nhân dân nhiệt tình trong các phong trào. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Người dân, mặc dù có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhưng vẫn chưa hiểu hết được hiệu quả của việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Chính vì vậy, với 40 hộ dân Hội PN triển khai cấp thùng, men ủ vi sinh và bắt đầu đi vào làm điểm mô hình từ ngày 6/7/2022. 

Chị Huyền nhớ lại, thời điểm ban đầu, mỗi ngày, Ban Thường vụ Hội LHPN xã đều chia nhau đi kiểm tra từng hộ, xem gia đình đã phân loại rác đúng chưa. “Chuyện chị em không ngần ngại thò tay vào thùng rác phân loại lại cho đúng chỗ thì không đếm nổi bao nhiêu lần. Bởi có những gia đình theo thói quen vẫn đổ lẫn lộn các loại rác thải vào một thùng. “Mưa dầm thấm lâu”, ý thức người dân ngày một được cải thiện, chúng tôi giãn bớt kiểm tra, chỉ đi 1-2 lần/ tuần”- chị Huyền cho biết.

 Một tháng làm điểm, cảnh quan môi trường thôn Tảo Dương đổi thay rõ rệt. Người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe, địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Theo chị Huyền, phần lớn công lao chính là của các cán bộ phụ nữ nòng cốt, cũng là những bà nội tướng trong gia đình, gương mẫu đi đầu, hăng hái thực hiện để làm gương cho con cháu.

Khi tình cờ xem tivi, bắt gặp mô hình thu gom phế liệu tại tỉnh khác, bà Trần Thị Thái Hòa, Chi hội trưởng phụ nữ khu dân cư số 6, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân đã quyết tâm thực hiện ngay trên địa bàn khu dân cư của mình. Bà bàn với các cán bộ chi bộ, tổ dân phố và được mọi người rất ủng hộ. Song lo nhất việc lắt nhắt, tốn công, người dân khó thực hiện tại nhà. Cuối cùng, cả khu dân cư vẫn quyết định thử sức nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường. Công việc này của bà Hòa và các chị em phụ nữ trên địa bàn khu dân cư số 6 thực hiện đã sang năm thứ 3 và khá hiệu quả, được đông đảo người dân hưởng ứng. Bà Hòa nêu gương đi đầu, tự phân loại rác tại nhà, sau đó cập nhật cách phân loại rác đến từng hộ gia đình, hội viên. Dần dà, nhiều người tích cực tham gia, lượng rác thải tập kết lớn, bà đề xuất lấy nhà văn hóa khu dân cư làm nơi tập kết điểm thu gom phế liệu. 

Bà Lê Thị Tố Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phương Liệt cho biết, phong trào thu gom rác thải phế liệu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo chị em phụ nữ. Ở nhiều chi hội, sau khi thu gom phế liệu và phân loại rác thải nhựa tại nhà, các chị em khó khăn có thể đến các điểm thu gom cố định, các gia đình hội viên có rác thải nhựa để thu về, bán đi, tạo ngân quỹ cho cuộc sống gia đình mình.
(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã sáng tạo, đổi mới, thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, triển khai thực hiện hoạt động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 1/1/2025.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội kỷ niệm 38 năm ngày thành lập

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội kỷ niệm 38 năm ngày thành lập

(PNTĐ) - Sáng ngày 19/11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức gặp mặt cán bộ, giáo viên đang tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề tại Trung tâm nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 38 năm ngày thành lập.
Nâng cao vai trò phụ nữ trong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp

Nâng cao vai trò phụ nữ trong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp

(PNTĐ) - Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc ứng dụng chuyến đối số vào sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn, tư vấn kết nối chuyên gia hỗ trợ phụ nữ và nữ doanh nhân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử...