Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Hồng Nhung - Thanh Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Áp dụng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn của các cấp Hội Phụ nữ thực hiện trong thời gian qua đã và đang góp phần giảm thiểu từ 50-70% lượng rác thải ra bãi chôn lấp. Mô hình này không những góp phần làm đẹp cảnh quan, không gian sống xanh-sạch-đẹp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà còn biến rác thành nguồn tài nguyên có giá trị.

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 1
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên Lê Thị Chương (bên trái trực tiếp đến từng hộ gia đình hướng dẫn chị em phân loại rác, ủ men vi sinh để làm phân bón cho cây.

Nhân rộng mô hình “Sạch đồng ruộng”
Xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì là địa phương có vùng bãi, trồng rau và làm trang trại cây ăn quả và người dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các hộ dân vứt bừa bãi ra các đồng ruộng, chưa có sự thu gom, dẫn đến vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây độc hại. Từ năm 2016, Hội PN xã đã đề xuất mô hình thu gom các dụng cụ chứa thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường. “Ban đầu, việc thu gom gặp nhiều khó khăn, vì họ lo sợ độc hại nên không ai nhận. Nhưng hiểu ý nghĩa của việc thu gom rác ngay tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường, các chị em phụ nữ là người tiên phong nhận nhiệm vụ này suốt nhiều năm qua” - chị Đinh Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phúc cho biết. 

Để đảm bảo an toàn trong quá trình thu gom, chị em mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay và bao chân cẩn thận, được chia thành từng nhóm nòng cốt từ 12-15 người đi thu gom rác thải là vỏ bao bì các loại này. Trên các cánh đồng ở xã Vạn Phúc có 156 thùng chứa bao bì, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật được đặt tại các đầu ruộng để người dân chủ động bỏ rác vào đúng nơi quy định. Các chị còn đến từng hộ dân tuyên truyền người dân bỏ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép trong quá trình sản xuất rau, cây trồng… Nhờ đó, người dân bắt đầu có ý thức hơn trong sản xuất nông sản và giữ vệ sinh đồng ruộng. 

Bà Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì cho biết: Từ khi thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng”, người dân không còn vứt vỏ bao bì bừa bãi, môi trường đồng ruộng cũng sạch sẽ, trong lành hơn, không còn hiện tượng bốc mùi thuốc bảo vệ thực vật khi đi ngang qua những cánh đồng nữa. Số rác thải độc hại này đều được ký kết với một công ty môi trường vận chuyển đi tiêu hủy. Hiện, có 3 xã đang thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng” rất hiệu quả là xã Vạn Phúc, Duyên Hà và Yên Mỹ, đây là các xã vùng bãi, trồng nhiều rau màu.

Tương tự, tại huyện Gia Lâm, song song với việc vận động người dân tham gia thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng”, Hội PN còn tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần thu gom hàng chục kg rác thải, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn vệ sinh đồng ruộng. Và để tiếp tục xử lý rác thải nông nghiệp góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: ”Năm 2022, UBND huyện và Hội LHPN đã ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn” trên địa bàn 5 xã, trong đó 3 xã Phù Đổng, Cổ Bi và Dương Xá áp dụng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình, 2 xã Đặng Xá và Văn Đức áp dụng mô hình xử lý rác thải nông nghiệp góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường, đáp ứng các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng thời giảm tải áp lực trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chung trên địa bàn Thành phố, tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân.

Hiệu quả sử dụng phân hữu cơ bằng men vi sinh
Từ mấy tháng nay, gia đình chị Tạ Thị Mơ, ở thôn Liệt Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai đã không còn phải mua phân bón hóa học để tưới rau, bởi chị đã có thể tự ủ phân hữu cơ tại nhà. Nhà chị Mơ có 2 mảnh vườn rộng khoảng 100m2, chủ yếu trồng rau cho gia đình và bán ở chợ. Từ tháng 5/2022, chị Mơ đăng ký tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn do Hội Phụ nữ xã thực hiện điểm. Chị Mơ cho biết, việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp chị trong việc không sử dụng hóa chất trong trồng rau, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm lượng rác thải ra ngoài cộng đồng. Lượng rau chị mang đi bán cũng thường được mọi người mua nhiều, nhanh hơn vì ai cũng biết đó là rau sạch. 
Là một xã thực hiện thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn hiệu quả tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, từ tháng 5/2022, Hội LHPN xã Ngọc Liệp đã tuyên truyền, vận động 53 hộ đầu tiên tham gia thực hiện mô hình. Các chị chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rau, hướng dẫn họ thu gom, phân loại rác hữu cơ tại nhà, và cách ủ men để làm phân hữu cơ. Theo chị Kiều Thị Quý, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Liệp, đến nay, đã có 60 hộ tham gia vào mô hình. Mô hình giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, mua phân bón, giảm lượng rác thải ra môi trường. 

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quốc Oai, ngay từ đầu năm 2022, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng mô hình điểm tiến hành rà soát, khảo sát và lựa chọn các hộ tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, đồng thời chuẩn bị vật tư cần thiết triển khai mô hình. Cuối tháng 3/2022, Hội LHPN xã Nghĩa Hương đã hoàn thành việc thành lập và tổ chức ra mắt mô hình, sau đó nhân rộng ở các xã: Ngọc Liệp, Tân Hòa, Đại Thành, Cộng Hòa, Tuyết Nghĩa, Phượng Cách, Thạch Thán, Ngọc Mỹ, đến nay, đã có 9 xã triển khai mô hình. 

Trong quá trình triển khai, Hội Phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, hộ trợ từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hỗ trợ 300 hộp men vi sinh; 60 nắp hố ủ và tập huấn kỹ thuật phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón cho các hộ tham gia mô hình. Các cơ sở hội cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí từ xã và các nguồn kinh phí của Hội, đã hỗ trợ mỗi hộ tham gia mô hình lần đầu 1 thùng ủ rác, 1 thùng chứa rác hữu cơ và 1 hộp men 1kg do Hội xin công thức và tự ủ men. Mỗi ngày một hộ gia đình xử lý trung bình từ 1kg đến 2kg rác hữu cơ. Với 397 hộ thực hiện mỗi ngày giảm được khoảng 600kg rác hữu cơ xả thải trực tiếp ra môi trường.  

Tại quận Long Biên, tháng 6 vừa qua, khi Hội LHPN phường Việt Hưng ra mắt mô hình “Xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình”, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 2 Lê Thị Chương cứ hễ rảnh rỗi là vừa làm vừa trực tiếp đến từng hộ gia đình hướng dẫn chị em phân loại rác, ủ men vi sinh để làm phân bón cho cây. Bà động viên mỗi gia đình mà nòng cốt là các chị, các mẹ thay vì bỏ phí thì hãy “bớt chút thời gian” gom các loại vỏ hoa quả, phần cuống rau già, héo, bã chè, cà phê… hết vào một thùng, ủ với men vi sinh, sau một thời gian có thể biến thành phân bón cho cây trồng tại nhà. Chủ tịch Hội LHPN phường Việt Hưng thừa nhận, nhờ có những cán bộ Hội nòng cốt như bà Chương, mô hình mới được các gia đình đón nhận, thu về những kết quả tích cực giúp giảm đáng kể lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, bớt đi gánh nặng cho công nhân vệ sinh

Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023” được Hội LHPN huyện Sóc Sơn triển khai tới 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Hội Phụ nữ đã lựa chọn và tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên được chọn làm điểm tại xã Đông Xuân và xã Phú Cường về cách phân loại rác thải sinh hoạt và tạo chế phẩm sinh học IMO để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng nguyên liệu đơn giản, dễ tìm; phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về cách phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Từ mô hình điểm, Hội Phụ nữ đã tiếp tục nhân rộng tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn hướng tới mục tiêu đến năm 2023, các xã, thị trấn, mỗi đơn vị đăng ký và xây dựng được 1 thôn làm điểm, 1 trường làm điểm, 1 hợp tác xã hoặc 1 trang trại làm điểm và nhân rộng trên địa bàn. 

  (Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.