Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Bài và ảnh: Thanh - Nhung - Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bằng sự khéo léo, tận dụng nguồn rác thải tái chế, cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô đã tạo ra những sân chơi tái chế an toàn thân thiện, những chậu hoa, cây xanh không những góp phần làm sạch, đẹp không gian sống mà còn hạn chế rác thải ra môi trường.

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 1
Chị em phụ nữ đã tận dụng những chai , lọ nhựa để tạo thành những chậu hoa, cây xanh góp phần làm đẹp và bảo vệ môi trường sống

Sân chơi nhỏ, ý nghĩa lớn
Ở Chi hội số 14, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân có một góc sân tam giác ở ngõ 104 Lê Trọng Tấn, trước đây khu vực này là nơi tập kết vật liệu xây dựng rồi trở thành tụ điểm rác gây mất vệ sinh. Với nhu cầu được sống trong môi trường trong lành của người dân, Hội LHPN phường Khương Mai xây dựng kế hoạch “Sân chơi nở hoa”. Bà Nguyễn Thị Tân, Chi hội trưởng phụ nữ đã cùng các chị em trong Chi hội 14 tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình để rác đúng nơi quy định; vận động các gia đình cùng Hội LHPN phường bố trí người xây gờ đổ đất và trồng hoa ngay sau đó, khi trồng hoa giấy, hoa mười giờ, hoa sống đời, hoa dừa cạn... lá xanh, sắc hoa rực rỡ đã tạo nên không gian sống xanh, sạch, đẹp… Điều đặc biệt hơn là các chị em phụ nữ tái chế lốp ôtô cũ thành những chậu hoa rực rỡ và thành đồ chơi ngoài trời cho thiếu nhi như: Đu quay, bập bênh, ống luồn… biến các chai, lọ nhựa có thể tích 1,5l cắt tỉa, sơn màu để tạo thành những bông hoa và đèn lồng nhiều màu sắc. Qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của chị em phụ nữ những lốp xe, chai lọ nhựa tưởng chừng như trở thành đồ phế thải đã được tỏa sáng, trở nên duyên dáng và hữu ích.

Tại quận Bắc Từ Liêm, Hội Phụ nữ phường Liên Mạc vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tham gia thu gom rác thải nhựa, rác tái chế để xây dựng mô hình “Sân chơi tái chế cho trẻ em”.  Bà Nguyễn Thị Hồng Huyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, Hội Phụ nữ đã lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình tại sân vui chơi Vườn Hồng Tổ dân phố Hoàng Liên 2. “Tổ dân phố Hoàng Liên 2 có gần 1.000 dân, có 2 sân chơi. Mặc dù đã được lắp đặt dụng cụ vui chơi nhưng hiện nay đa phần các dụng cụ vui chơi đều đã lắp đặt khá lâu và đã hư hỏng, cần được thay mới. Do đó, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Green Hub và Tổ chức Lăn bánh ước mơ khảo sát vị trí lắp đặt từng dụng cụ, lên maket các dụng cụ vui chơi, dự trù kinh phí sao cho phù hợp nhất với tình hình địa phương.

 Sau hơn 2 tháng thực hiện, mô hình “Sân chơi tái chế cho trẻ em” đã hoàn thành gồm: Cầu bập bênh 4 chiều, tường lốp, cầu lốp treo thăng bằng, bập bênh, bàn ghế lốp, liên hoàn vận động 6 mặt. Vật liệu sử dụng để làm sân vui chơi đều được tận dụng từ những phế liệu bỏ đi như lốp xe ô tô, những tấm ván… và được tái chế sạch sẽ, tạo hình, sơn màu, trang trí hình vẽ bắt mắt, tạo sự hấp dẫn với thiếu nhi. Đặc biệt là các dụng cụ vui chơi đều đảm bảo an toàn đối với trẻ em. Xung quanh sân chơi được trang trí bằng các chậu hoa được tái chế từ bếp than tổ ong, hộp chai nhựa đã qua sử dụng, qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ tạo thành những hình thù với màu sắc đẹp mắt. Tổng kinh phí thực hiện gần 40 triệu đồng với 150 ngày công lao động là của các cán bộ, hội viên phụ nữ phường. 

Công trình “Sân chơi tái chế” tại Tổ dân phố Hoàng Liên 2 là mô hình thứ 3 của Phụ nữ Bắc Từ Liêm được thực hiện bằng vật liệu tận dụng từ lốp ôtô cũ tái sử dụng bền chắc, có tuổi thọ cao, được trang trí, phối cảnh sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Công trình sẽ là điểm giao lưu, vui chơi, sinh hoạt văn hóa - thể thao bổ ích, lành mạnh và an toàn của các trẻ em và các cháu thiếu nhi trong khu dân cư tổ dân phố.

Với sáng kiến biến những đồ tái chế thành dụng cụ trên sân chơi an toàn và thân thiện do Hội Phụ nữ tổ 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã triển khai mô hình “Góc sân chơi tái chế”. Theo đó, nhiều người dân khi biết đến hoạt động ý nghĩa này đã nhiệt tình ủng hộ, người góp sức, người góp thêm vật liệu như đinh vít, sắt thép… để hoàn thiện sân chơi tái chế với những chiếc xích đu đa dạng màu sắc, những chiếc bập bênh xinh xắn, tận dụng vỏ chai đã qua sử dụng để làm chậu hoa. 

Bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng cho biết, năm 2020, mô hình này đã giành giải Nhất trong “Ngày hội Sáng tạo với rác thải nhựa” do UBND phường, Hội LHPN và đoàn thanh niên phối hợp tổ chức. Đến nay, chi hội của bà Chương tiếp tục phối hợp với nhiều đoàn thể tại các quận, huyện lân cận, duy trì, thành lập thêm nhiều CLB “Sống xanh” để lan tỏa thông điệp ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường. 

Những mô hình, ý tưởng sáng tạo vì môi trường của chị em đã được lãnh đạo các cấp đánh giá cao và coi đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong nỗ lực tái chế các nguồn rác thải qua sử dụng thành những đồ vật hữu ích cho cuộc sống.  

Các mô hình “xanh hóa” từ rác thải tái chế
Để vừa bảo vệ môi trường, giải được bài toán kinh tế, các chị em Hội Phụ nữ xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây đã nghĩ ra ý tưởng sử dụng những thùng sơn đã qua sử dụng, đang bỏ không để làm thành thùng rác công cộng cho nhân dân. Nghĩ là làm, tháng 5/2022, chị em mỗi người một tay lau chùi, rửa sạch các thùng sơn, rồi đánh nhám bề mặt và trang trí xung quanh thùng bằng những hình ảnh tuyên truyền thân thuộc về bảo vệ môi trường. Kết quả, 100 thùng sơn tưởng phải bỏ đi, hoặc bán rẻ cho người buôn đồng nát thì nay “khoác” lên mình tấm áo mới, nhận nhiệm vụ mới với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường chung cho người dân Sơn Đông.

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 2
Sân chơi tái chế tổ dân phố Hoàng Liên 2, Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Mai Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Đông nhớ lại, khi chia sẻ ý tưởng với các chị em, Hội LHPN xã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, mỗi người mỗi việc, nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng. “Người thì tuyên truyền vận động, người thì thu gom thùng, người có hoa tay thì nhận nhiệm vụ trang trí, 100% chi hội đều tham gia. Cách làm này thật sự rất hiệu quả và tiết kiệm, lại nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình đến tất cả 11 chi hội, phấn đấu mỗi hộ gia đình hội viên có 2 thùng để phân loại rác tại nguồn - chị Tuyết cho hay.

Không khó để nhận diện thương hiệu bảo vệ môi trường của chị em phụ nữ. Thời gian qua, những góc phố, sân chơi tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy… được trang trí, điểm tô bằng rác tái chế đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân ở các khu dân cư, và hễ nhắc đến sẽ đoán ngay đó là thành quả “xanh hóa” của cán bộ Hội. Người dân đã quen với góc xanh, ngõ hoa nhằm làm sạch, giữ đẹp môi trường của phụ nữ nơi đây. Tại những địa điểm công cộng, những tuyến đường phụ nữ tự quản xanh, sạch là những giàn hoa đủ sắc màu được thiết kế đẹp mắt từ đồ tái chế. Chị em đã khéo léo cắt tỉa những hộp, thùng, lọ nhựa thành chậu trồng hoa đủ sắc màu để treo, móc thành những giàn hoa nhiều tầng.

Tại huyện Thanh Trì, Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh phát triển mô hình “Tái chế vật liệu” tại xã Tân Triều bằng việc tham gia trồng gần 150 cây xanh trong vỏ chai, hộp nhựa được lấy từ hoạt động đổi rác thải, đồng thời tổ chức trưng bày tại điểm sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư. Việc làm trên của các bà, các chị không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan, mà còn nâng cao ý thức của người dân về việc xây dựng lối sống “xanh” trong cộng đồng. Tương tự với “Mô hình trồng cây bằng chai nhựa, can nhựa vỏ bia, vỏ nước ngọt và các loại nguyên liệu từ rác thải khác”. Mô hình này đã được Hội LHPN các cấp Hội trong huyện và được các tỉnh nhân rộng trên cả nước... 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ khuyết tật huyện Thanh Trì chia sẻ về cách tái chế các nguyên liệu rác thải nhựa, vỏ bia, vỏ nước ngọt, can nhựa và các nguyên liệu khác… Dụng cụ chỉ cần dao, kéo, bút dạ, khoan, súng bắn keo hoặc loại keo khác phù hợp có thể gắn kết nguyên liệu, sau đó lên ý tưởng để tạo thành sản phậm thân thiện, gần gũi với môi trường và được trang trí sinh động bắt mắt. Các sản phẩm được tái chế có thể để trồng cây cảnh, trồng hoa, làm lọ để cắm hoa, để trang trí cho ngôi nhà, nơi làm việc thêm sinh động bắt mắt, có thể làm thành đồ chơi, làm thành các vận dụng như ly, cốc, ấm chén để bày trang trí, làm thành chổi quét mạng nhện, quét giường, cũng có thể sử dụng để quét nhà, quét sân…

Theo bà Thanh Hiên, việc tái chế rác thải thành sản phẩm thân thiện sẽ giúp môi trường xanh sạch đẹp hơn, tiết kiệm được tiền để mua các sản phẩm sành sứ hoặc các sản phẩm mới tương tự… Không muốn dừng ở sản phẩm trong gia đình, chị em phụ nữ khuyết tật luôn luôn ấp ủ mơ ước sản phẩm của mình có thể đến được với người tiêu dùng trong tương lai để chị em có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống của bản thân bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội…
(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.