Sáng mãi tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"
PNTĐ-Sáng 28/3, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Ban Thi đua, khen thưởng thành phố tổ chức chương trình giao lưu “Sáng mãi truyền thống Ba đảm đang”.
Tới dự chương trình giao lưu có Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội qua các thời kỳ...
Diễn văn khai mạc do bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trình bày đã khẳng định, để khơi dậy phong trào thi đua yêu nước của quần chúng phụ nữ, ngày 22/3/1965, Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước thực hiện phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” chống Mỹ cứu nước, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi thành phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với bao niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 20.
![]() |
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (thứ nhất bên phải) tặng hoa các tập thể, cá nhân tại chương trình giao lưu. Ảnh: Quốc Bảo |
![]() |
Ông Phùng Minh Sơn, Trưởng ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội tặng hoa các điển hình tiên tiến tham gia giao lưu. |
![]() |
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nhận lẵng hoa chúc mừng của Phó Bí thư thường trực Thành ủy HN Ngô Thị Thanh Hằng. |
![]() |
Các cấp hội phụ nữ biểu diễn chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm phong trào “Ba Đảm đang” |
Phát biểu tại Chương trình giao lưu, bà Tạ Thị Ái Liên, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tây (cũ) cho biết, hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) đã đảm đang sản xuất, công tác cũng như công việc gia đình, đồng thời khuyến khích, động viên 35 vạn thanh niên là chồng con lên đường nhập ngũ chiến đấu tiêu diệt kẻ thù (trong đó có hàng vạn nữ thanh niên) và trên 3.000 nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến, đi thanh niên xung phong để phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Ở hậu phương, gần 7 vạn phụ nữ đã hăng hái tham gia dân quân du kích, tự vệ để cùng với bộ đội phòng không bảo vệ vùng trời của quê hương, Tổ quốc.
Nhiều người có mặt trong chương trình giao lưu đã xúc động không cầm được nước mắt khi nghe bà Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP Hà Nội (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội) kể lại những năm tháng bà cùng với đồng đội không quản hy sinh gian khổ mở các tuyến đường để các đoàn xe của ta ra mặt trận. Bà Vịn được kết nạp vào Đảng khi 21 tuổi và làm Bí thư Chi đoàn, Phó Ban đại biểu phụ nữ khối 49 Vĩnh Tuy, khu Hai Bà Trưng. Năm 1965, cùng một lúc bà Vịn nhận được giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài và giấy báo gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước của Thủ đô. Mặc dù khi đó hoàn cảnh gia đình bà rất đỗi khó khăn: anh trai duy nhất hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ vừa mất… nhưng bà đã được cha động viên “con hãy đi đánh Mỹ, còn học đại học thì sau này về học”, nên bà cùng anh chị em trong Đại đội 816 khu Hai Bà Trưng hăng hái lên đường vào các tuyến lửa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để mở đường, san lấp các hố bom để các chuyến xe của ta ra mặt trận.
Đội TNXP chống Mỹ cứu nước Thủ đô chỉ trong vòng 4 năm (1965-1969) đã tham gia xây dựng 4 tuyến đường chiến lược với tổng chiều dài 55km, chốt giữ 15 trọng điểm thường xuyên bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt, rà phá hàng vạn quả bom… Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lộc (nhà 46, phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng) đã gan dạ cùng đồng đội phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại và anh đã anh dũng hy sinh, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh còn nói với đồng đội: “Cho tôi hôn cờ Đảng”.
Cũng tại chương trình giao lưu, chị Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông cho biết, phát huy truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, nhiều năm qua, Hội LHPN quận Hà Đông đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Thành phố, Hội LHPN cấp trên phát động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đảm đang trong học tập, lao động, trong xây dựng gia đình hạnh phúc; đảm đang trong công tác hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa…
Quốc Bảo