Xây dựng phát triển tổ chức Hội cơ sở vững mạnh

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp” trong nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã đổi mới, linh hoạt xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo và những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nền tảng trực tuyến, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại… trong tuyên truyền, giáo dục và thực hiện các phong trào Hội. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xây dựng phát triển tổ chức Hội cơ sở vững mạnh - ảnh 1
Hội LHPN xã Minh Quang, huyện Ba Vì tham gia hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến năm 2022 

Sáng tạo và linh hoạt
Ba Vì là huyện bán sơn địa, thuộc phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm TP gần 60km, dân số trên 30 vạn người, có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. Chị Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì cho biết: Huyện có có 7 xã miền núi, 13 xã đồi gò, 11 xã vùng bãi ven sông Hồng. Từ xã xa nhất đến trung tâm huyện gần 50km, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những xã miền núi. Thời gian qua, Huyện Hội xác định việc đổi mới cách thức tổ chức hoạt động Hội, tuyên truyền, vận động phụ nữ trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cốt lõi để tăng cường kết nối, tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ trong tình hình mới. Toàn huyện có 33 cơ sở Hội, 213 chi hội, 641 tổ phụ nữ. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội”, Hội PN đã đổi mới hoạt động truyền thông, trọng tâm là truyền thông mang tính tương tác, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, truyền thông trên mạng xã hội. Đến nay các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đã lập 736 trang fanpage, nhóm zalo, facebook (581 nhóm zalo, 124 nhóm facebook, 7 fanpage, 24 nhóm messenger) để chuyển tải các thông tin tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, quảng bá các hoạt động của Hội. 

“Hiện nay, hội viên phụ nữ chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, cập nhật trang facebook “Hội LHPN huyện Ba Vì” là có thể dễ dàng cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Trang facebook “Hội LHPN huyện Ba Vì” còn đăng tải, tổ chức bình chọn nhiều cuộc thi trực tuyến như: Cuộc thi Clip bài hát tuyên truyền chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; cuộc thi Tìm hiểu quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động”… Đặc biệt, trong quý I, II/2022, Hội PN đã hưởng ứng và phát động hội thi dân vũ thể thao trực tuyến với chủ đề “Vũ điệu khỏe, đẹp” trong hệ thống Hội. Nhiều video clip được chia sẻ, tạo khí thế vui tươi sôi nổi trong các cấp Hội.

Theo chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Hội sẽ đảm bảo liên lạc Hội PN các cấp một cách nhanh chóng, chính xác. Cán bộ Hội có thể tìm thông tin, tư liệu trong và ngoài huyện để phục vụ hoạt động Hội. Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, nếu sử dụng hiệu quả mạng xã hội, kèm những hình ảnh sinh động để minh họa, chắc chắn tuyên truyền hiệu quả hơn. Đặc biệt, với những mô hình hay, gương điển hình thì hiệu ứng hình ảnh sẽ rất dễ thuyết phục. Thời gian qua, Huyện Hội đã triển khai tập huấn, hỗ trợ cho 100% cơ sở Hội về sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; thiết lập cuộc họp, hội thảo trực tuyến qua ứng dụng Google Meet; Zoom; tổ chức các tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ phụ nữ cơ sở… Hội LHPN huyện còn xây dựng một số sản phẩm truyền thông để hỗ trợ, giới thiệu quảng bá như: Chuyên mục “Cuối tuần có hẹn với Gia Lâm”, giới thiệu về tiềm năng du lịch, các trải nghiệm du lịch cuối tuần thú vị tại các làng nghề, khu sinh thái có chị em phụ nữ tham gia thành lập và quản lý trên địa bàn huyện. Chuyên mục được phát trên các trang mạng xã hội do tổ chức Hội PN của huyện quản trị như: Kênh youtube, trang facebook, fanpage Hội LHPN Gia Lâm. 

Không riêng trang facebook Hội LPHN huyện Ba Vì, Gia Lâm mà hiện nay, cùng với trang facebook của Hội LHPN Hà Nội, hiện nay 100% Hội LHPN các quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đông Anh, Phú Xuyên, Mê Linh… đều đã xây dựng được các tài khoản, fanpage trên mạng facebook; các nhóm zalo… để thông tin, chia sẻ hoạt động Hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cấp Hội Phụ nữ đã “nhanh chóng” bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin biết khai thác và tận dụng hiệu quả nền tảng trực tuyến để tuyên truyền việc phòng, chống dịch bệnh và thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, như: Kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản; kết nối giải quyết việc làm cho lao động nữ bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Các công trình, phần việc được tuyên truyền rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Hội và mạng xã hội zalo, facebook, youtube… thu hút hàng nghìn lượt xem, hàng trăm bình luận và lượt chia sẻ, góp phần lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa các hoạt động Hội. 

Chất lượng sinh hoạt tại các Chi hội cơ sở nâng lên nhờ ứng dụng công nghệ 
Khi công tác tuyên truyền và kết nối chị em hội viên trong chi hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, bà Đỗ Mai Hương Chi hội Phó chi hội Phụ nữ số 9, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đã có ý tưởng đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động Hội. Với phương châm “biết gì làm nấy”, bà Hương đã quyết tâm xây dựng Chi hội phụ nữ điện tử ở Khu dân cư số 9, nhằm mong muốn kết nối chị em được dễ dàng và thuận lợi. 

Chia sẻ tại hội nghị tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở” trong các cấp Hội do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 17/8, bà Hương cho biết: “Chi hội phụ nữ số 9 được sáp nhập từ Chi hội phụ nữ 13 và 14, là 1 trong những Chi hội có đông hội viên, đa số chị em phụ nữ là cán bộ giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, đều hiểu biết về ứng dụng công nghệ 4.0. Do đó, tôi đã phát huy thế mạnh của đội ngũ chị em trí thức, đặt mục đích sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Chi hội. Nhưng thực tế, khi đề xuất ý tưởng tại buổi họp Chi ủy đầu tiên ở Khu dân cư. Lúc đó, đa số các đồng chí phản đối ý kiến đưa ứng dụng công nghệ thông tin mở nhóm zalo của tôi (5/7 đồng chí không tán thành)”…”.

 Không nản chí với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, bà Hương đã kiên trì thuyết phục và chia sẻ trao đổi với các đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Chi hội trưởng Khuyến học và mở ứng dụng zalo trên điện thoại của các đồng chí đó, kèm thêm hướng dẫn cụ thể về ích lợi gọi điện qua mạng Internet không phải trả tiền, về chia sẻ hình ảnh cho nhau, về đưa thông tin cho nhiều người cùng một lúc. Khi được Ban Chi ủy đồng ý, Chi hội của bà Hương đã lập nhóm zalo: Tổ dân phố số 9, Chi bộ số 9, Chi hội Phụ nữ số 9 trong địa bàn dân cư. Với hơn 150 chị em hội viên, các nhóm zalo được đưa vào sử dụng rất hiệu quả, phù hợp với xu thế thời đại, đặc biệt rất kịp thời trong tình hình dịch bệnh Covid-19.  

Chi hội tiếp tục đã lập thêm các nhóm như: Đi chợ, ngoài lề tổ dân phố 9; Danes Club, Dân vũ sắc màu. Không những thế, Nhóm đi chợ, ngoài lề tổ dân phố 9 còn được mở rộng các thành viên của các Chi hội khác trong địa bàn phường Dịch Vọng Hậu hoặc còn được mở thêm Nhóm thực phẩm Bắc Giang số 9 với các thành viên của phường. Các trang nhóm này rất có ích và giúp đỡ chị em phụ nữ chúng tôi rất nhiều trong công việc nội trợ, nấu ăn, bếp núc giúp cho việc giảm thời gian đi chợ và nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ được ngọn lửa ấm và hạnh phúc gia đình.Không dừng lại ở đó, chi hội của bà Hương còn tiếp tục đưa ứng dụng zoom vào sử dụng, tuy không được thường xuyên như ứng dụng zalo, nhưng chị em trong Ban Chấp hành thường kết hợp với các tổ chức khác như Tổ dân phố hay Chi hội khuyến học để mở cuộc họp trên zoom.

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trong các cấp Hội, nên các thông tin, văn bản của cấp trên được phổ biến kịp thời và nhanh chóng tới hội viên. Đồng thời giúp các cấp Hội tiết kiệm được chi phí, đối tượng cần tuyên truyền được tiếp cận nhiều hơn. Không những làm tốt công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ các cơ sở còn hỗ trợ cho chị em khởi nghiệp, bán hàng trên các kênh công nghệ số, phối hợp với các đơn vị trang bị cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về một số kiến thức kinh doanh trên nền tảng số, như: Xây dựng website, quảng cáo trực tuyến, livestream, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội… Qua đó, chất lượng sinh hoạt tại các chi hội cơ sở nâng lên. Công tác công tác Hội và phong trào phụ nữ tại các chi, tổ phụ nữ ở địa bàn dân cư được cấp ủy, chính quyền, các ngành đánh giá hoạt động có nền nếp và hiệu quả, thực sự đem lại lợi ích cho hội viên phụ nữ. Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN Hà Nội đã chọn nội dung ứng dụng công nghệ thông tin là một trong hai khâu đột phá trong thực hiện phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. 
(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

(PNTĐ) - Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu, kết nối, hội nhập và phát triển giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ quốc tế, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 25-28/1/2024, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đã tới hai xã đồng hành thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên là Leng Su Sìn và Sín Thầu, thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, đồn biên phòng Leng Su Sìn, Sín Thầu, ĐBP A Pa Chải, và thăm Hội LHPN tỉnh Điện Biên, Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé và 2 xã đồng hành.