Ảo ảnh

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mong đợi tới khoảnh khắc được gặp lại anh, mối tình dang dở, khiến tôi hồi hộp cả ngày hôm đó.

Tôi vào Lâm Đồng công tác với thời gian biểu làm việc kín đặc. Nhưng tôi vẫn báo tin cho anh: “Mai em vào trong đó, sợ không kịp gặp anh được”. Chỉ 5 phút sau anh đã gọi lại cho tôi, thiết tha: “Vậy lịch trình của em thế nào? Em ở đâu, báo cho anh, nhất định anh sẽ đến”.

Chỉ vậy thôi mà khiến trái tim của tôi loạn nhịp. Vì đang ngồi với các đồng nghiệp nên tôi không tiện hẹn hò. Tôi tắt máy, nhắn tin lại: “Để em xem lịch nhé. Có thể ngày mai, trước khi ra sân bay mình gặp nhau chút”.

Mong đợi tới khoảnh khắc được gặp lại anh, mối tình dang dở, khiến tôi hồi hộp cả ngày hôm đó. Nhưng rồi những cuộc hẹn làm việc với đối tác được bố trí sít sao tới từng phút khiến tôi còn không kịp nhắn tin cho anh. Cho tới khi ngồi đợi máy bay cất cánh, tôi mới chào: “Em về rồi. Hẹn anh dịp khác nhé”.

Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, điện thoại của tôi báo dồn dập tin nhắn gửi tới. Là anh nhắn bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể gặp tôi. Câu cuối cùng anh viết cho tôi: “Cũng phải 2 năm rồi đó nhỉ. Không biết em giờ trông thế nào. Nhưng dù có thế nào thì với anh, em vẫn là em”.

Tin của anh đưa tôi thổn thức trở về quá khứ, khi tôi và anh còn là một cặp đôi yêu nhau. Chúng tôi kẻ Nam, người Bắc gặp nhau và nảy sinh tình cảm ở miền Trung. Nhưng anh thì vướng bố mẹ già không thể ra Bắc sinh sống. Còn tôi thì bố mẹ không muốn gả con gái lấy chồng xa. Bản thân tôi ngày đó cũng chưa sẵn sàng xa gia đình. Thế là chúng tôi chia tay.

Ảo ảnh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi một thời gian sau, anh lấy vợ. Chúng tôi không còn liên lạc trong gần 10 năm. Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, thi thoảng, tôi cũng có nhớ về anh như một kỷ niệm đẹp. Bước vào tuổi 30, bố mẹ giục tôi kết hôn. Tôi cũng cố gắng mở rộng lòng mình, ai có thiện ý giới thiệu cũng đồng ý đi coi mắt.

Vậy mà không hiểu sao, tôi vẫn không thể tìm được bến đỗ của cuộc đời. Giờ đây, khi bước vào tuổi 39, hy vọng về một mái ấm của tôi gần như đã vụt tắt. Tôi vùi đầu vào công việc và những chuyến đi phượt... 1 mình để giết thời gian. Các bạn bè của tôi đều đang làm mẹ của những đứa trẻ nên gần như không có thời gian để tụ tập với tôi như trước.

Rồi một ngày, bỗng tôi nhận được điện thoại gọi tới. Số điện thoại thì lạ nhưng giọng nói nhẹ nhàng của người miền Nam thì vô cùng thân thuộc. “Em. Anh đây”. Chưa cần nghe đến câu thứ hai, tôi đã thấy có luồng điện chạy dọc cơ thể. Tôi ấp úng: “Em chào anh, dạo này anh thế nào”. “À, anh ra Hà Nội, mình gặp nhau chút. Lâu quá rồi, không biết có phiền em không. Còn anh thì lúc nào cũng mong ngóng”.

Đó là 2 năm về trước. Tôi gặp lại anh, thấy anh có phần từng trải hơn, mái tóc đã điểm bạc nhưng gương mặt thì vẫn thân quen vậy. 1 tuần anh công tác ở Hà Nội, tôi đưa anh đi khắp nơi, bồi hồi như được trở về với kỷ niệm ngọt ngào ngày nào. Anh thấy hoàn cảnh của tôi vẫn còn độc thân thì tỏ ra áy náy như kiểu vì anh mà đời tôi mới như vậy. Và thế là anh tìm cách bù đắp cho tôi bằng những hành động ân cần, tinh tế. Buổi sáng Hà Nội chớm thu, anh tự tay quàng khăn cho tôi vì sợ tôi lạnh.

Anh vẫn nhớ từng sở thích, thói quen của tôi. Hai đứa đèo nhau trên chiếc xe máy đi dạo quanh Hà Nội, anh kéo tay tôi đặt vào trong túi áo khoác của mình để cho đôi tay tôi được ấm. Nhưng hành động đó còn mang ngụ ý nhiều hơn thế. Ngày còn yêu nhau, tôi vẫn thường thích đút hai tay vào túi áo anh để có thể ôm anh chặt hơn và tin rằng anh sẽ là chỗ dựa cho tôi trong quãng đường đời sau này.

- Anh phải làm gì để bù đắp cho em nhỉ. Giá ngày xưa mình đến được với nhau thì giờ em đã có một mái ấm và những đứa con - Lần đó, anh tự nhiên thì thầm với tôi.

Phút chốc, tôi quên mất là anh đã có gia đình. Tôi chỉ nhớ anh là của tôi, trước, đang và mãi mãi sẽ vậy. Rồi anh đã đề nghị là chúng tôi sẽ nối lại mối quan hệ gắn bó. Anh không muốn sẽ lại bặt tin tôi như trước nữa.

Ảo ảnh - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi đã sống trong suốt 2 năm với một mối tình trong mộng. Về lại thành phố phương Nam nhưng anh vẫn thường xuyên nhắn tin với tôi. Rồi anh gửi facebook cho tôi để kết bạn. Thi thoảng, tôi lại thấy anh đăng những câu nói vu vơ, tự tôi cho là anh đang hướng về mình. Nào thì “Nghe mưa phương Nam lại nhớ nắng Hà Nội”, “Giá được về lại ngày xưa”, “Anh mơ về nơi xa lắm...”, “Thấy nắng như thấy em...”.

Tôi say sưa tới mức ngày nào cũng ngóng để được đọc những bài viết mới của anh, cho dù chưa một lần được anh nhắc tới tên mình. Cũng phải thôi, anh dù sao cũng là người đã có gia đình. Còn tôi thì chấp nhận làm người đứng sau một cách đầy... cao thượng.

Sinh nhật tôi năm đó, vì chỉ có một mình nên tôi không định tổ chức gì. Nhưng từ sáng sớm, anh đã nhắn tin chúc mừng tôi: “Em phải hạnh phúc nhé. Tổ chức sinh nhật thì làm cho cả phần của anh với”. Tôi nhắn lại: “Liệu có thể nào bên nhau?”. Anh liền gọi lại, nói: “Em nói thêm câu nữa là anh sẽ bay ra ngoài đó liền.

Anh không thể để em phải buồn thêm lần nữa”. Tất nhiên là tôi không tới mức ích kỷ gọi anh ra với mình. Hôm đó, tôi đã tự tổ chức một buổi sinh nhật thật lãng mạn cho mình và tự nhủ là anh vẫn đang ở đây, bên tôi.

Từ lúc nào, mảnh đất phương Nam đã trở nên thân thuộc, thương nhớ với tôi. Đơn giản vì ở đó có một người mà tôi rất yêu mến. Sau lần gặp nhau “hụt” ở Lâm Đồng, tôi lại càng nghĩ nhiều về anh hơn. Tôi tự cho rằng mình là thiên thần, là ngôi sao may mắn mang tới niềm vui, hạnh phúc cho anh vì hôn nhân của anh đang không ổn.

Cuối tuần, qua facebook, tôi thấy anh đăng một tấm ảnh trong phòng cấp cứu. Là anh bị tai nạn giao thông trên đường đi làm việc. Anh không nói cụ thể nhưng qua lời thăm hỏi của bạn bè ở phần bình luận, tôi đoán là anh bị tương đối nặng. Chẳng hiểu sao, tôi không kìm được lòng mình. Tôi lập tức đặt vé máy bay và sáng sớm hôm sau, tôi đã có mặt ở trước cổng bệnh viện. Tôi muốn đến với anh, trong lúc anh đang gặp nạn. Tôi tin rằng có tôi ở bên thì anh sẽ thấy dịu lòng và có thêm động lực để vượt qua nỗi đau thể xác.

Tôi tìm đường tới phòng cấp cứu. Qua ô cửa kính, từ ngoài hành lang, tôi thấy anh đang nằm đó, băng trắng quấn kín một bên tay, vết máu trên đầu đã khô nhưng vẫn còn loang lổ. Tôi rưng rưng, định mở cửa bước vào bỗng nhiên từ phía cuối giường, một người phụ nữ mặc chiếc áo vàng của người nhà bệnh nhân bước lên phía anh.

Chị ấy nhẹ nhàng đỡ anh dậy, rồi xúc cho anh từng hụm nước nhỏ. Tôi bỗng trở về với thực tại. Anh đâu có thuộc về tôi. Hiện nay, anh đang là chồng của người phụ nữ khác, là cha của những đứa trẻ khác. Việc chăm sóc anh đã có gia đình của anh lo. Ai cần tôi chứ...

Tôi đứng trân trân nhìn cảnh đầm ấm đó rồi quyết định rút lui. Tôi lang thang ở TP Hồ Chí Minh suốt cả một ngày trong lúc đợi tới chuyến bay về. Đó là lúc tôi thật sự bình tĩnh nhìn nhận lại mối quan hệ suốt 2 năm qua của mình với anh. Là lỗi tại tôi. Tự tôi đã luôn nghĩ về anh. May mà tôi tỉnh ngộ kịp thời và chưa kịp làm gì sai trái.

Tôi về lại Hà Nội và không báo gì cho anh biết. Trên facebook của anh, tôi cũng không gửi lời bình luận gì. Giờ đây, tôi đã quyết định trả lại anh cho gia đình và tôi sẽ lại tiếp tục cuộc sống của riêng mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cùng nhau xây hạnh phúc

Cùng nhau xây hạnh phúc

(PNTĐ) - Mai à, em đừng cố lảng tránh anh nữa. Chúng mình hãy cùng vượt qua khó khăn để đến với nhau, được không? Em đã nói với anh, hạnh phúc phải do mình tạo ra và chủ động nắm giữ đó thôi.
Mẹ chồng gia trưởng

Mẹ chồng gia trưởng

(PNTĐ) - Từ ngày về làm dâu, Ngân chưa bao giờ cảm nhận được chút tình cảm và quan tâm từ mẹ chồng. Lúc nào, bà cũng trách móc, soi mói, áp đặt con dâu làm theo ý mình một cách hết sức vô lý.
Vì vợ là bạn đồng hành

Vì vợ là bạn đồng hành

(PNTĐ) - Yêu thương vợ, sẵn sàng xắn tay cùng làm việc nhà, chia sẻ trách nhiệm trông con với vợ, ủng hộ đam mê, giúp vợ mở mang thêm nhiều điều mới mẻ..., các ông chồng này cho rằng, lấy vợ về là tìm một người bạn đồng hành trên đường đời.
Làm bánh Trung thu từ ký ức quê nhà

Làm bánh Trung thu từ ký ức quê nhà

(PNTĐ) - Những chiếc bánh Trung thu của Nguyễn Thị Thùy Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giống như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Hơn thế, còn mang một phần ký ức tuổi thơ của Thùy Dương, với những ngôi nhà của làng quê Bắc Bộ, cái chạn bát, nồi nấu cơm, cái giếng...