Bí quyết dọn nhà đón Tết!
(PNTĐ) - Dọn nhà đón Tết quả là công việc khiến không ít người sợ hãi vì tốn công sức, mất nhiều thời gian và... chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng với tư vấn dưới đây, dọn dẹp nhà cửa sẽ trở nên nhàn tênh.
Mình đã từng rất sợ xen lẫn ngán ngẩm mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nhưng đó là trước khi biết đến phương pháp dọn dẹp Konmari của Marie Kondo và tiến hành lễ hội dọn dẹp trọn vẹn 5 danh mục của Konmari để chấm dứt việc bừa bộn đến tận gốc. Thứ tự dọn dẹp 5 danh mục này là:
Quần áo
Sách
Tài liệu
Đồ tạp loại bao gồm cả tạp loại bếp
Đồ kỉ niệm
Kể từ sau khi mình hoàn tất việc “dọn một lần mà gọn mãi đến tận bây giờ" này, Tết với mình là quãng thời gian được nghỉ ngơi, thong thả tận hưởng không khí mùa xuân, trang trí nhà cửa cùng cô bé con nhà mình, mua sắm vài loại bánh mứt ngon ngon để bạn lưu giữ những kỉ niệm đẹp của mùa đoàn viên và cũng là quãng thời gian quý giá mình dành tặng riêng cho bản thân để chiêm nghiệm lại những gì đã diễn ra trong năm vừa qua.
Thú thực thì mình mới chỉ làm được điều này trong 3 năm Tết gần đây thôi. Và tất cả nhờ vào một lần dọn dẹp khác biệt đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình, đúng nghĩa dọn nhà bên ngoài mà dọn mình bên trong. Căn nhà gọn gàng chỉ là kết quả tất nhiên của một tâm trí đã được dọn dẹp và tổ chức cho phù hợp với sự phát triển của bản thân.
Một trong những lý do khiến mọi người ngán ngẩm với việc dọn dẹp quanh năm chứ không chỉ mỗi Tết đó là: “Có dọn bao nhiêu cũng sẽ bừa y như cũ thôi”. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Tết trở nên áp lực vì một lúc vừa chạy KPI công việc, vừa chạy KPI dọn nhà để kịp chuẩn bị đón Tết.
Mình xin gửi đến độc giả của Báo Phụ nữ Thủ đô 3 khái niệm liên quan đến dọn dẹp. Đó là:
1. Tổ chức, sắp xếp
Khi nhắc đến dọn dẹp, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến làm sạch, tức là lau chùi, quét dọn, dẹp gọn để cuối cùng căn nhà sạch bóng, không còn đồ linh tinh rơi vãi trên mặt sàn. Tuy nhiên, mình tin cảm giác hài lòng này không kéo dài lâu cho đến khi các thành viên khác của gia đình về và bắt đầu sinh hoạt.
Vì vậy, việc cần phải làm trước tiên để có căn nhà gọn gàng lâu dài chính là “tổ chức, hoạch định, sắp xếp lại toàn bộ căn nhà”. Việc này hiểu một cách đơn giản là tìm cho mỗi nhóm đồ một “căn nhà” cố định. Nếu bạn mở một hộc kéo hay một ngăn tủ bất kỳ trong nhà và phát hiện mỗi món đồ trong đó đều thuộc một nhóm khác nhau thì việc bạn cần phải làm ngay là lôi hết tất cả đồ đạc trong mọi ngăn tủ ra và phân loại chúng theo nhóm.
Hãy duy trì việc sắp xếp theo nguyên tắc “đồ nào ở nhà nấy” như một tiêu chuẩn sống. Làm được việc này chắc chắn lợi ích đầu tiên mà bạn nhận được sẽ là mọi thành viên trong gia đình đều nắm được đồ ở đâu, căn nhà có quy định rõ ràng.
2. Làm sạch
Việc làm sạch nhà trở nên đơn giản và tốn ít thời gian nếu như bước tổ chức, sắp xếp lại đồ đạc đã làm tốt. Dọn dẹp lúc này sẽ không phải gom hết sách vở, dụng cụ học tập lại mới bắt đầu lau được cái bàn. Với khâu này, các gia đình nếu muốn hoàn toàn có thể thuê các dịch vụ vệ sinh nhà cửa định kỳ. Những công việc như: Vệ sinh máy giặt, máy lạnh, sofa, giặt rèm, quét mạng nhện… hãy sắp xếp thành 1 bảng nhiệm vụ và đặt lịch nhắc 3-6 tháng vệ sinh lại một lần. Việc có một căn nhà gọn gàng, sạch sẽ nên trở thành một tiêu chuẩn sống thay vì một deadline dồn lại đến cuối năm mới làm. Việc vệ sinh trong hối hả đó thực sự chỉ khiến Tết thêm áp lực và hoàn không có tác động tích cực lâu dài lên căn nhà lẫn chính sức khoẻ thể chất tinh thần của mỗi thành viên.
Sự thật từ chính căn nhà của mình là trước khi dọn dẹp theo Konmari, mình phải thuê chị giúp việc đến nhà 3-4 ngày/ tuần (3 giờ/ ngày) nhưng vẫn không có được căn nhà ưng ý. Sau Konmari, chị giúp việc chỉ đến nhà mình vỏn vẹn 1 ngày/ tuần để làm các nhiệm vụ làm sạch sâu và mình thì có thêm nhiều thời gian cho bản thân và cho những người thân yêu trong một căn nhà mà không chỉ là nhà (house) mà còn là tổ ấm (home).
3. Tối ưu
Nếu không nắm được bí kíp để đồ đạc trong nhà cùng chuyển động với sự phát triển của gia đình thì sẽ tồn tại nhiều rác tích trữ, đồ đạc cũng không ăn khớp với sự thay đổi của nhu cầu sử dụng. Vậy nên trước khi tiến hành tối ưu, hãy dừng lại để: Xem lại thói quen sinh hoạt của cả nhà đang ưu tiên cho điều gì/ Mình học được bài học gì trên những món đồ mua sắm sai lầm/ Mình thực sự mong muốn cuộc sống mỗi ngày diễn ra thế nào? Từ đó, mọi người đưa ra lựa chọn giữ lại chỉ những món đồ thực sự phục vụ cho cuộc sống và sắp xếp đồ đạc phù hợp với thói quen sinh hoạt của gia đình.
Để thay đổi thói quen, đặc biệt là thói quen tích trữ đồ đạc, chưa sẵn sàng với chuyện thanh lọc, trong gia đình phải có một người khởi xướng và thực sự nghiêm túc với việc dọn dẹp đồ đạc cá nhân của mình, sau đó là đồ đạc của gia đình. Lời khuyên của mình là người phụ nữ trong gia đình nên là người khởi xướng, truyền cảm hứng và tạo nên nếp nhà trước, khi các thành viên khác cảm nhận được lợi ích rõ rệt của việc ngăn nắp mới mẻ này sẽ tự giác chung tay duy trì sự gọn gàng.