Con trai có còn là "trụ cột"?

Chia sẻ

Rất nhiều người cho rằng con trai là "trụ cột" cho tuổi già của bố mẹ, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Vì thế, tâm lý chuộng con trai để an hưởng tuổi già và phải sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn phổ biến.

Con trai có còn là (Ảnh: minh họa)

Khi sinh được ba cậu con trai, vợ chồng chú tôi luôn tự hào với người thân và dòng họ rằng cuộc sống sau này của mình sẽ được đảm bảo hơn những gia đình chỉ có một con trai, hoặc không có con trai chỉ toàn con gái.

Chú tôi lý giải không gì bằng có nhiều con trai. Vì nếu đứa này hư thì đã có đứa khác nên, không lo mất chỗ dựa tuổi già, và người thờ cúng tổ tiên sau này. Cái lý của chú tôi bấy giờ rất được nhiều người đồng tình. Vì thế, trong họ nhà tôi không ít người cố gắng sinh bằng được con trai. Để có con trai, có gia đình chấp nhận nộp phạt cho chính quyền vì vi phạm vượt số lần sinh theo quy định.

Để nuôi ba "trụ cột" của tuổi già, vợ chồng chú tôi đã phải trải qua rất nhiều gian nan. Họ không chỉ nai lưng ra làm nhiều việc để có đủ kinh tế lo cho các con ăn học, mà còn phải giải quyết những hậu quả của chúng gây ra. Ai cũng bảo nhiều con trai sướng đâu chưa thấy, trước mắt chỉ thấy vợ chồng chú tôi vất vả hơn. Sau bao gian khổ, cuối cùng ba đứa con trai của chú tôi cũng đến tuổi trưởng thành.

Nhưng đến lúc này, chú tôi đối diện với một thực tế mà ông không bao giờ lường tới được. Đó là không một đứa con trai nào chịu sống với bố mẹ. Con trai đầu và con trai thứ hai ra nước ngoài làm ăn rồi định cư bên đó, vài ba năm mới về nước thăm bố mẹ một lần. Con trai út lấy vợ ở trong Nam, mỗi năm một lần đưa vợ con ra Bắc vào dịp Tết. Thậm chí năm nào con nhỏ, kinh tế eo hẹp, vợ chồng con cái lại thoái thác không có tiền bồng bế nhau ra. Chú thím tôi bỗng chốc sống cảnh cô đơn, trong khi có con cháu đề huề.

 Về già, chú thím tôi ốm đau triền miên nhưng chẳng có đứa con nào sống cùng để làm chỗ dựa. Mỗi lần ốm đau phải nằm viện, chú thím phải cậy nhờ họ hàng, hoặc hàng xóm láng giềng. Con trai ở nước ngoài gửi ít tiền về biếu bố mẹ xem như xong nhiệm vụ, còn con trai út cũng chẳng thể bỏ công việc để ra Bắc chăm sóc bố mẹ. Chú thím tôi mấy lần bảo vợ chồng con trai út chuyển ra Bắc sống để làm chỗ dựa tuổi già cho bố mẹ và thực hiện nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên khi hai anh trai sống ở nước ngoài. Nhưng hai vợ chồng nó đều viện lý do công việc không thể chuyển ra Bắc được. Ngược lại, ông bà cũng chẳng thể chuyển vào đó sống cùng các con vì nhà cửa chúng chật chội, nuôi hai cái "tàu há mồm" đã bươn bả. Vậy là chú thím tôi đành chấp nhận sống cảnh cô đơn hai thân già dựa vào nhau qua ngày đoạn tháng, không hệ có con cháu để nương tựa.

Nói về nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên của ba đứa con trai thì chú tôi càng thất vọng hơn. Mang tiếng là con trai có trọng trách chăm sóc phần hương khói tổ tiên, nhưng quanh năm suốt tháng chẳng có đứa nào ngó ngàng gì đến việc này, vì đều bận mưu sinh. Mỗi lần nhà có giỗ, họ hàng đến cúng bái, thắp hương, chú tôi lại thở dài thườn thượt khi các con trai mình vắng mặt. Có người bảo chú tôi nhiều con trai mà chẳng bằng nhà sinh con gái một bề. Vì chẳng đứa nào làm "trụ cột" tuổi già cho bố mẹ. Hàng ngày, chú tôi nhìn cảnh hàng xóm có con gái sống gần chăm sóc tuổi già chu đáo mà thầm ước ao.

Ngày thím tôi ốm nặng rồi mất. Giờ lâm chung chẳng có mặt đứa con trai nào bên cạnh. Con trai út về đến nhà, mẹ đã nhắm mắt xuôi tay, còn hai con trai ở nước ngoài về đến nơi, mẹ đã mồ yên mả đẹp. Nhìn cảnh ấy, chú tôi vừa buồn vừa giận. Từ ngày thím mất, chú tôi càng sống cô đơn hơn. Giải pháp ba đứa con trai đưa ra để chăm sóc tuổi già cho chú là thuê người giúp việc. Cuộc sống của chú tôi từ đó cậy nhờ vào người làm thay vì con cái. Có lẽ nhìn được từ thực tế của mình nên giờ có ai nói đến chuyện sinh con trai, chú tôi vội xua đi, bảo có con trai mà cũng như không, chẳng làm được "trụ cột" để tuổi già của bố mẹ bớt cô quạnh. Thậm chí, con gái thời nay còn làm việc đó tốt hơn con trai.

  Trần Thiên Kim (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.