Dễ hay khó ?

Chia sẻ

Cứ nghĩ đến vụ tai nạn thảm khốc tại đường khu công nghiệp vào mùa đông năm nào, chị lại rùng mình sợ hãi, bất giác ôm chặt đứa con gái bé bỏng của mình vào lòng. Con gái chị năm nay 6 tuổi, đang học lớp 1 ở trường tiểu học trong khu vực. Từ công ty chị đến trường của cháu không xa, nhưng phải đi qua đường khu công nghiệp rất nhiều xe máy, container và xe tải qua lại. Tối nào trước khi đi ngủ, con gái chị cũng thủ thỉ: “Mẹ, mai mẹ đón con sớm nha...”.

Vuốt nhẹ mái tóc tơ cho con nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, chị lại buồn cho thân phận mình. Gia cảnh nghèo khó, không có tiền để tiếp tục đi học, một mình chị lên thành phố, kiếm việc ở một công ty may trong khu công nghiệp. Một buổi tối đi làm về muộn trên quãng đường vắng, chị bị tay tổ trưởng chặn đường rồi cưỡng hiếp.

Khu công nghiệp lúc đó vẫn là một khu đất trống rộng hoang hoải, chỉ mới mọc lên vài công ty nhỏ lẻ, đường sá còn chưa có đèn điện. Chị chẳng biết kêu ai, cũng chẳng biết đường báo công an, cứ mang ấm ức, tủi hổ rồi khép lại tuổi thanh xuân bằng nỗi ê chề, nhục nhã.

Còn nhiều nguy cơ mất an toàn cho nữ công nhân tại các khu công nghiệpCòn nhiều nguy cơ mất an toàn cho nữ công nhân tại các khu công nghiệp (Ảnh: Int)

Một mình mang thai rồi sinh con, cuộc đời chị càng thêm khó khăn khi phải nuôi thêm một em bé. Chị phải nghỉ việc ở công ty, mở một quán bánh mì nhỏ xíu bán đồ ăn sáng để có tiền nuôi con và đóng phí nhà trọ. Trầy trật mãi mấy năm trời, cuối cùng con bé con cũng đến tuổi đi học. Những tưởng rằng con lớn lên rồi thì mẹ sẽ nhàn hơn một chút, nhưng đâu phải. Chị lại phải đối đầu với những con số biết nói: Tiền học của con, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền thuê nhà trọ, rồi lo lắng thường trực khi luôn phải sắp xếp thời gian và công việc một cách hợp lý nhất để có thể đưa đón con đi học hàng ngày.

Một buổi chiều chị đến đón con muộn, thấy con đang đứng gần một người đàn ông lạ. Gã đàn ông cười nham hiểm rồi đưa tay vuốt tóc con bé. Một nỗi sợ hãi mơ hồ dấy lên trong lòng chị. Sợ một điều chẳng lành sắp ập đến, chị gọi tên con rồi lao nhanh qua đường. Bất ngờ một chiếc xe máy lao đến…

Tỉnh lại, chị thấy mình đang trong bệnh viện, ngồi bên cạnh là con gái và cô giáo của cháu. Chị bật khóc như mưa vì bất lực khi thấy con gặp nạn mà không bảo vệ được. Trong đầu chị tưởng tượng viễn cảnh đau thương rằng con mình sẽ bị bắt cóc, khi mà tội phạm buôn bán trẻ em vẫn đang diễn ra, hay bọn biến thái xâm hại tình dục ngày càng khó lường... Nước mắt chị trào ra, phải làm gì để bảo vệ con? Nếu tai nạn đó xảy ra với em bé gái nào đó ngoài kia, hay nếu chẳng may đó là con chị, chị sẽ phải đón nhận sự thật nghiệt ngã đó thế nào? Rồi chị tự nhủ: “Bằng mọi giá, mình phải luôn bên con, đồng hành cùng con”.

Chị cùng một số phụ huynh khác cũng có con học cùng lớp đã gặp mặt cô giáo trình bày khó khăn, vướng mắc khi đều là người lao động ngoại tỉnh, khó có thể đưa đón con đúng giờ. Họ cùng đưa ra một giải pháp, đó là tan học, các bạn sẽ về nhà cô, chờ bố mẹ tan ca rồi đến đón. Tuy rằng giải pháp này tốt hơn so với việc để con vạ vật ở cổng trường chờ bố mẹ, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời và khó có thể duy trì lâu dài được.

Mất khá lâu thời gian suy nghĩ, chị làm đơn kiến nghị lên ban giám đốc công ty, làm thư góp ý gửi lên công đoàn cơ sở. Chị mong rằng xung quanh khu công nghiệp, hoặc gần trường học sẽ có thêm những dịch vụ trông trẻ muộn, hoặc những lớp học năng khiếu, một số thư viện mini, để sau giờ tan học, các cháu có thể vào đó chờ bố mẹ đến đón. Vì nhiều công nhân thường làm tăng ca để có thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Sự hỗ trợ về mặt dịch vụ trông muộn trẻ, hoặc những nơi an toàn như thư viện dành cho trẻ là vô cùng cần thiết đối với anh chị em người lao động bận rộn, hoặc những gia đình neo đơn.

Mặt khác, giao giữa những con đường trong khu công nghiệp hình bàn cờ thường không hề có đèn giao thông, mặc cho các loại phương tiện từ container, xe tải cho đến xe máy, xe đạp nườm nượp trên đường. Chính vì vậy mà ngày nào cũng có va chạm giao thông. Đây cũng là điều không chỉ có chị mà anh chị em công nhân cũng lo ngại và mong có giải pháp tháo gỡ.

Xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngoài thuận lợi trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động, thì vẫn còn nhiều mối lo ngại, hay đúng hơn là nguy hiểm cho cả phụ nữ và trẻ em gái. Ngày ngày chị đến nhà cô giáo đón con vào lúc trời đã nhá nhem tối, chị lại thầm nghĩ: Ở ngoài kia, ở khu công nghiệp này hay ở khu khác vẫn còn đó những gia đình phải mang theo con đến nơi đất khách quê người để làm việc, sinh sống. Vì vậy, chị mong các cơ quan chức năng, cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn trong việc tạo dựng môi trường sống an toàn về mọi mặt cho phụ nữ và trẻ em gái..., nhất là ở các khu công nghiệp.


Đỗ Hà My
Phường Phù Chẩn -
TP Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.