Điều ước
(PNTĐ) - Hôm đó, zalo của bà báo tin sinh nhật người đồng nghiệp cũ. Bà và ông ấy làm việc với nhau gần 30 năm, sau đó, về hưu cùng dịp. Lại có thêm cả chục năm sinh hoạt hưu trí với nhau. Rồi bà chuyển vào Nam giúp con gái trông cháu ngoại nên ít gặp ông hơn.
Bà và ông ở cùng làng nên bà thuộc cả gia cảnh của ông. Rằng khi con gái đầu lòng của ông lên 3 tuổi thì vợ ông mất. Ông ở vậy nuôi con, dù sau này, bạn bè, cơ quan cũng có ý tìm cho ông mấy mối nhưng ông đều từ chối khéo. Thương ông gà trống nuôi con, vợ chồng bà vẫn năng qua nhà thăm hỏi hai bố con. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, mỗi khi ông gặp khó khăn gì, giúp được đến đâu vợ chồng bà đều cố gắng hết sức.
Rồi bà cũng chứng kiến con bé Nga, con gái duy nhất của ông lớn lên, từng bước trưởng thành. Ngày nó lấy chồng trên thành phố, vợ chồng bà tới chia vui, rồi mừng cho ông từ nay đã bớt đi gánh lo, có thể an hưởng tuổi già. Ông chỉ cười, bảo đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Ông đã hoàn tất lời hứa với người vợ quá cố chứ cũng không trông mong gì con cháu báo đáp mình. Ông có lương hưu, có nhà cửa nên vẫn sẽ tự lập.
Nhưng, cũng từ ngày con bé Nga thoát ly, bà hay được nghe nó gọi điện phàn nàn về ông. Khi thì nó kể với bà là bố nó trái nết lắm, nó gửi tiền về cho bố mua quần áo mới, rồi sắm sanh đồ đạc nhưng ông không mua, cứ chung thủy với thứ đồ đã cũ rích. Con bé Nga vốn làm dâu nhà giàu, nhà chồng nó, bà nghe kể có hẳn biệt thự to ở phố lớn. Bố mẹ chồng nó sang chảnh, nay đi nước này, mai đi nước nọ. Vì thế, bà cảm thấy nó xấu hổ mỗi khi khi phải đón bố từ quê đến chơi nhà mình.
- Bà ơi, bà lúc nào khuyên bố cháu phải giữ thể diện cho cháu với. Ai đời trông ông lúc nào cũng nhếch nhác, nhìn như xe ôm bước vào nhà chồng cháu. Đến cháu nhìn bố mà còn ái ngại, nói gì đến thông gia.
- Bà ơi, bà bảo bố cháu đừng tằn tiện quá, tiền có thì cứ tiêu pha đi, có ai bắt bố cháu phải khổ đâu mà bố cứ sống như thế.
Nghe con bé Nga than phiền, thi thoảng gặp nhau, bà cũng gần xa nói ông quan tâm đến hình thức, chịu khó mua đồ bổ để dưỡng sức. Nhưng ông bảo: “Tôi chỉ là tôi thôi. Lâu nay, vẫn với mấy bộ quần áo đó mà tôi nuôi con trưởng thành. Rồi tôi cũng chỉ quen ăn đồ quê, bao năm nay có ốm đâu mà giờ nó bảo tôi cứ phải ăn sâm Hàn, thuốc Mỹ mới tốt. Ông bà thông gia nếu hiểu tôi, sẽ biết là tôi thương con thương cháu chứ đừng nhìn vào bề ngoài của tôi mà đánh giá”.
Sau đó, hình như nghe con gái nhắc nhiều, nên ông không còn năng đến nhà con chơi. Ít lâu sau, bà nghe ông khoe con bé Nga gửi về cho bố cái điện thoại thông minh, thay thế cho cái điện thoại bàn đang lắp ở nhà. Thế rồi, học mãi, cuối cùng ông cũng biết cách gọi điện lên cho con cháu. Ông cười bảo: Có điện thoại di động cũng tiện hơn. Tôi đi đâu thì con cháu cũng dễ tìm ra cái thân già này. Còn mình thì gọi cho chúng cũng nhanh, mà không chỉ nghe tiếng còn được nhìn cả hình con cháu, thích lắm bà ạ.
Nhưng rồi chả biết hai bố con trò chuyện thế nào mà một lần, vừa gặp con bé Nga về quê thăm bố, nó liền túm lấy bà, tố khổ:
- Từ ngày có điện thoại thông minh, bố cháu năng gọi cháu hẳn lên. Nhưng mà khổ lắm, ông tòan nói những chuyện của quá khứ, rồi kể mấy chuyện chả quan trọng gì ở quê. Nhiều hôm ở cơ quan, cháu đang bận họp thì ông gọi. Cháu đã tắt đi không nghe mà ông vẫn gọi liên tục, phiền toái vô cùng. Rồi khi thì tối mịt, lúc sáng sớm, ông cũng gọi ầm ĩ cả nhà. Cháu tưởng có chuyện gì gấp, hóa ra bố cháu chỉ hỏi: “Hôm qua con và các cháu thế nào, có ổn không. Bố thấy trong lòng cứ nao nao, sợ ở nhà có việc gì”. Cô xem, nếu có việc thì phải là bố cháu có việc chứ lo gì cho nhà cháu. Cháu ở với nhà chồng có gì mà bố phải nao nao. Bố gọi không nghe thì áy náy, mà nghe thì mất thời gian cô ạ.
Bà phân tích cho cô hiểu, người già sinh hoạt thất thường, đôi khi không ý thức được thời gian, nhớ con cháu lúc nào là gọi lúc ấy. Rồi bố cô dùng điện thoại cũng chưa thạo, có khi cô tắt máy không nghe lại tưởng là điện thoại trục trặc nên gọi đi gọi lại cho tới khi liên lạc với cô mới thôi. Nhưng cô con gái của ông vẫn cố bảo: “Chúng cháu bây giờ bận lắm cô ạ, làm gì có thời gian nghe điện linh tinh. Nếu không có gì quan trọng thì bố có thể gom góp lại, cuối tuần gọi điện thì nói một thể. Đằng này cứ nhát cái là gọi, hỏi dăm ba câu lại thôi. Có ngày ông gọi tới 3, 4 lần”.
Cứ như vậy, bà trở thành hòa giải viên của hai bố con. Cho đến một lần, ông tuyên bố không gọi điện cho con cháu nữa vì “nó không ưng nghe tiếng tôi, bà ạ”.
Độ nửa năm gần đây, ông bắt đầu hay uống rượu. Con bé Nga lại than là ông uống rượu làm mất hết hình ảnh, thể diện của người bố thương con, người ông mẫu mực của các cháu. Rồi ông còn đuổi hết con cháu đi nói không cần ai tới thăm. Con bé Nga vì thế càng xa cách bố hơn. Cô nhờ bà ở quê, thi thoảng tạt qua nhà “xem giúp bố cháu thế nào” có gì thì gọi cháu với nhé.
Bà nghĩ chắc là ông có uẩn khúc gì đó chứ thời trẻ, ông sống chuẩn mực, biết điều, chứ không phải kiểu say xỉn như thế. Rồi sau khi con gái bà ở trong Nam sinh con, bà vào trong đó giúp con ít bữa. Từ đó, bà ít liên lạc hơn với hai bố con ông.
Hôm nay, zalo báo tin sinh nhật ông, từ nơi xa, bà gửi mấy dòng chúc mừng về cho ông. Nhưng, tin gửi đi mà không thấy ông nhắn lại, tối đó, bà gọi lại cho ông để hỏi thăm tình hình. Người nghe máy không phải là ông mà là con bé Nga.
- Nga à, bố dạo này thế nào cháu. Lâu rồi cô chưa gặp lại hai bố con. Hết tháng này là cô lại ra Bắc rồi...
- Ôi cô. Bố cháu mất được 2 tháng nay rồi. Cháu biết cô ở xa, lại đang bận chăm cháu ngoại nên chủ động không báo tin cho cô - con bé Nga sụt sùi khóc qua điện thoại.
Nghe tin, bà bàng hoàng, muốn rụng rời chân tay. Bố mất nhưng con bé Nga vẫn giữ zalo của bố nên bà tưởng là ông còn sống, vẫn dùng zalo như trước đây.
Sau đó, con bé Nga kể thêm rằng hóa ra, trước lúc mất, ông đã thấy trong người không khỏe nhưng không muốn phiền con cháu nên dùng rượu để tự giảm đau cho mình. Con bé Nga lại chẳng muốn nghe điện của bố, lúc nào cũng cho rằng bố làm phiền mình, bố tuềnh toàng khiến mình xấu hổ nên ông càng khép lòng với con hơn. Cho tới khi ông suy sụp hẳn, hàng xóm gọi điện lên báo tin cho nó về đưa ông đi khám thì ông mới phát hiện đã bị K dạ dày giai đoạn cuối.
Có một tình tiết trong câu chuyện mà con bé Nga kể khiến bà nhớ mãi. Đó là khi ông mất đi, trong lúc dọn đồ đạc của bố, con bé Nga phát hiện một cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng do ông tằn tiện gom góp được. Đó là phần lớn số tiền lương hưu hàng tháng của ông, rồi có lẽ thêm tiền cả tiền con gái biếu, ông đều không tiêu mà dồn lại làm thành cuốn sổ để lại cho con. Dù con gái làm dâu nhà giàu, nhưng ông vẫn muốn gửi chút gì cho con phòng thân, cũng là để con được cảm thấy tự tin hơn với nhà chồng, rằng mình không phải chỉ có hai bàn tay trắng.
- Cả đời bố cháu hy sinh cho cháu mà cháu đã không hiểu bố. Lúc nào cháu cũng chỉ biết cáu gắt, dằn vặt bố thôi cô ạ. Cháu đáng tội to lắm.
- Đúng là nước mắt chảy xuôi, có đôi khi, các cháu hiểu được lòng bố mẹ thì đã muộn rồi.
Và vì ân hận nên con bé Nga đã giữ lại điện thoại của bố. Nó chỉ mong một lần nữa được nghe bố gọi tới, dù là nửa đêm, tờ mờ sáng, dù là bố nói mấy câu mà nó từng chê trách là “không đầu không cuối” nhưng điều ước đó không bao giờ trở thành hiện thực nữa rồi.