Gia đình đơn thân và cách thức sinh kế

Chia sẻ

Hiện nay, loại hình gia đình đơn thân đang tồn tại song song cùng với các loại hình gia đình khác trong xã hội. Tuy nhiên, khó khăn mà các gia đình đơn thân đang gặp phải là những thách thức về sinh kế, đòi hỏi cần có những chính sách từ nhà nước để đáp ứng nhu cầu, quyền lợi bình đẳng như các loại hình gia đình khác.

Gia tăng "tổ ấm" đơn thân

Những tác động của văn hóa trong thời hội nhập đã khiến quan niệm về tình dục trong xã hội Việt Nam trở nên cởi mở. Cùng với đó, quyền cá nhân của con người được đề cao, tự do cá nhân, đặc biệt là nữ quyền được tôn trọng. Do đó, những phụ nữ chủ động làm mẹ đơn thân dù với nguyên nhân nào cũng đã được xã hội chấp nhận ở một mức độ nhất định.

Trong thế giới phẳng, việc các nước chấp nhận mô hình gia đình đơn thân như một loại hình gia đình "bình đẳng" với các loại hình gia đình khác trong xã hội đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ Việt. Không ít người quyết định chủ động làm mẹ đơn thân để được sống theo quan điểm cá nhân của mình. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trào lưu chủ động làm mẹ đơn thân ở một bộ phận người trẻ hiện nay. Với khả năng độc lập về kinh tế, thu nhập ở mức cao, nhiều phụ nữ cảm thấy không cần dựa vào người đàn ông vẫn có thể nuôi con nên lựa chọn làm mẹ đơn thân và một mình xây "tổ ấm".

Một nguyên nhân khác để một bộ phận giới trẻ chủ động lựa chọn sống theo loại hình gia đình đơn thân, đó là đời sống tình cảm cá nhân không suôn sẻ. Có những người sinh trưởng trong gia đình có bố, anh trai là những người không tốt nên sợ gắn bó cuộc đời với những người đàn ông xấu. Có người bị lừa dối tình cảm, mất hết niềm tin vào đàn ông nên quyết định làm mẹ đơn thân. Hoặc có những phụ nữ không muốn kết hôn đã nhận con nuôi, sống đơn thân.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý - Đào tạo phát triển Cá nhân và cộng đồng) cho rằng đối với bộ phận gia đình đơn thân chủ động, họ sẽ có cơ hội về sinh kế hơn.

Bởi không phải phụ thuộc vào bạn đời, cha hay mẹ đơn thân có thể tận dụng hết các kỹ năng, kiến thức, khả năng vốn có của mình để phục vụ tốt cho công việc, mang lại nguồn thu nhập cao hơn. Chính yếu tố này khiến cha hay mẹ đơn thân trở nên mạnh mẽ và tự chủ hơn trong việc tạo lập sinh kế cho bản thân và gia đình. Trong các gia đình đơn thân chủ động, đa số người cha, người mẹ thường thành đạt trong sự nghiệp vì có nhiều thời gian để phấn đấu thăng tiến.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thực tế thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài cho thấy những gia đình đơn thân dù chủ động hay bị động phải đối diện với áp lực sinh kế không ít khi nguồn thu nhập của lao động chính duy nhất trong gia đình bị ảnh hưởng, và thiếu đi một nửa gánh vác.

Bởi cha, mẹ đơn thân phải chịu gánh nặng tài chính gấp hai lần so với gia đình truyền thống đầy đủ vợ chồng để đáp ứng sinh kế cho bản thân và con cái. Ngay cả khi đứa trẻ trong các gia đình nhận được sự hỗ trợ tài chính từ những người cha, người mẹ bên ngoài thì tình hình tài chính trong các gia đình đơn thân vẫn không thể so sánh được với nguồn lực kinh tế có sự đóng góp của cả hai người trong gia đình truyền thống.

Các gia đình đơn thân đang gặp nhiều thách thức về sinh kế khi một vai hai gánh 	Ảnh minh hoạCác gia đình đơn thân đang gặp nhiều thách thức về sinh kế khi một vai hai gánh. Ảnh minh hoạ

Thách thức lớn về sinh kế

Bên cạnh số gia đình đơn thân chủ động thì số gia đình đơn thân bị động cũng gia tăng trong khoảng mấy thập niên gần đây, khi mà tình trạng ly hôn không ngừng gia tăng mỗi năm. Điều đáng nói là nhóm gia đình đơn thân đang phải đối diện với những thách thức về sinh kế từ những bất cập trong chính sách xã hội hiện hành.

Trong nghiên cứu về "Gia đình đơn thân tại Việt Nam: Những cơ hội thách thức và sinh kế", nhóm tác giả Ths. Bùi Thị Hồng Ngọc, Ths Đoàn Thị Thu Hương (Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy bên cạnh một vài cơ hội ít ỏi, những gia đình đơn thân gặp phải rất nhiều thách thức, đặc biệt là ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Thách thức về tài chính là gánh nặng lớn cho cá nhân những gia đình đơn thân nói riêng và xã hội nói chung.

Nhu cầu và quyền được quan tâm, hỗ trợ của nhóm gia đình đơn thân ngày càng gia tăng. Và đã đến lúc chúng ta cần có những chính sách mới, hoặc điều chỉnh những chính sách hiện hành một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của nhóm gia đình đơn thân. Mục tiêu của nhóm chính sách này nhằm hỗ trợ những người cha, hoặc người mẹ đơn thân có thể tự chủ về kinh tế, có môi trường sống bình đẳng, không định kiến và đảm bảo được quyền nuôi con của mình.

Bởi thực tế, những gia đình đơn thân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ hiện hành. Đơn cử như bất cập từ chính sách hỗ trợ tài chính cho gia đình đơn thân khó khăn hiện nay. Theo quy định của pháp luật hiện hành, gia đình đơn thân sẽ chỉ nhận được hỗ trợ tài chính khi thỏa mãn 3 điều kiện theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Thứ nhất, gia đình phải thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Thứ hai, không có vợ, hoặc không có chồng. Thứ ba, đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc từ 16 đến 22 tuổi nhưng con đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất. Như vậy, để gia đình đơn thân gặp khó khăn về tài chính cần hỗ trợ đáp ứng được đủ các điều kiện trên là rất khó.

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những thách thức về sinh kế đối với bộ phận gia đình đơn thân như cần có những chính sách tạo sinh kế và đặc biệt chú ý đến vấn đề đối xử công bằng tại nơi làm việc đối với mẹ đơn thân.

Thông qua chính sách này, cha hoặc mẹ đơn thân có thể tự chủ được tài chính để lo cho cuộc sống đơn thân của mình và con cái. Đối với các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần hỗ trợ phụ nữ làm mẹ đơn thân vay vốn bằng hình thức tín chấp để phát triển kinh tế, hay xây dựng mạng lưới chính thức ở các địa phương để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho phụ nữ làm mẹ đơn thân. Việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho gia đình đơn thân là cần thiết như tư vấn việc làm, chăm sóc sức khỏe tinh thần, nuôi con, phổ biến quyền lợi và chính sách họ được hưởng…

Bên cạnh những hỗ trợ của cộng đồng thì gia đình đơn thân cũng cần phát huy tiềm năng và nội lực của mình để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các gia đình đơn thân nên tự tổ chức các hội, nhóm để chia sẻ, giúp đỡ nhau kiến thức và kinh nghiệm ứng phó với những khó khăn về tâm lý, tinh thần, thể chất, cũng như hỗ trợ nhau tạo sinh kế.

THU GIANG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.