Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Một số cô dâu/chú rể mới rời quê hương vài năm, cũng có người được sinh ra trên nước Úc, chưa từng về Việt Nam và cũng không thạo tiếng Việt. Nhưng, khi kết bạn trăm năm, họ vẫn chọn tổ chức đám cưới theo kiểu truyền thống Việt. Bằng cách đó, các thế hệ người Việt ở Úc đã giữ gìn nguồn cội ngay từ nền tảng gia đình.

Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 1
Đám cưới của cô dâu Phoenix Ngô và Kevin 

Sinh ra và lớn lên tại Úc, Phoenix Ngô là người gốc Việt - Hoa. Kevin, bạn trai cô là người gốc Hoa - Campuchia. Mặc dù chỉ mang trong mình ½ dòng máu Việt nhưng Phoenix chưa bao giờ quên mình cũng là người Việt Nam. Tháng 12/2022 vừa qua, Phoenix Ngô và Kevin đã quyết định làm đám cưới theo phong cách của người Việt. Bằng cách đó, họ đã thể hiện sự tôn trọng cũng như tình yêu đối với nguồn cội.

Nét Việt đã được thể hiện trong đám cưới của cặp đôi ngay từ phong cách trang trí tiệc cưới với cổng chào tết hoa hồng đỏ trắng và tấm biển đề chữ Đính hôn được viết bằng tiếng Việt. Trong không khí buổi tiệc trà ấm áp, cô dâu chú rể và 8 phụ dâu, phụ rể đều mặc áo dài Việt đón khách. Đám cưới đã khiến nhiều người ngỡ như mình đang ở tại một làng quê Việt Nam nào đó chứ không phải giữa Sydney sôi động và hiện đại.

Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 2
Cô dâu chú rể và các phù dâu, phù rể mặc áo dài truyền thống Việt

Điều đáng nói, thời gian qua, những đám cưới mang phong cách truyền thống Việt như vậy xuất hiện ngày càng nhiều tại Úc.

Đỗ Thanh Hà, sinh năm 1994, người Hải Phòng, sang Úc du học từ năm 2011. Hà chính là chủ của cửa hàng Elisa Wedding tại khu Cabramatta, Sydney chuyên tổ chức đám cưới kiểu Việt cho các cặp đôi như Phoenix Ngô và Kevin. Đồng thời đây cũng là cửa hàng quy mô đầu tiên chuyên bán áo dài truyền thống Việt tại Cabramatta.

Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 3
Đỗ Thanh Hà đang đo áo dài cho khách

Hà không học về nghệ thuật, thời trang mà được đào tạo về kinh tế, nhưng, chính tình yêu tha thiết với quê hương và trang phục áo dài đã giúp Hà chọn hướng khởi nghiệp riêng trên đất Úc.

Hà chia sẻ: Ngày mới sang Úc, mình thấy chưa có một cửa hàng nào lớn chuyên về áo dài Việt Nam mà đa phần chỉ là bán áo dài xách tay nhỏ lẻ, mẫu mã cũng không phong phú. Trong khi đó, nhiều người Việt tại Úc lại rất muốn có áo dài để mặc trong các dịp lễ, Tết và các ngày đặc biệt của gia đình, cộng đồng.

Thế là năm 2017, Hà đã dùng toàn bộ số vốn ít ỏi, nhưng tâm huyết thì tràn đầy để tiên phong mở cửa hàng bán áo dài Elisa. Rất nhanh sau đó, cửa hàng đã được ngày một nhiều người Việt biết đến, nên Thanh Hà còn có biệt danh là Hà “áo dài”. Mỗi khi Tết đến hay có dịp cần mặc áo dài, nhiều người Việt ở Sydney sẽ tìm đến Elisa Wedding để mua. Gần đây, mẫu áo dài cách tân với tay phồng, cổ nơ rất được các chị em phụ nữ ưa chuộng vì mang phong cách vừa hiện đại, vừa truyền thống. 

  Từ áo dài, dần dần, Hà mở rộng quy mô của Elisa sang tổ chức tiệc cưới theo phong cách Việt. Theo đó, Elisa Wedding cung cấp các dịch vụ cưới đa dạng cho các cặp đôi từ tổ chức lễ cưới truyền thống, làm tiệc cưới tại nhà hàng; chụp ảnh cưới; trang điểm cô dâu, chú rể; tết hoa cưới; cho thuê váy cưới, áo dài cho cô dâu, trang phục cho chú rể.
Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 4

Hiện Elisa có hơn 10 nhân viên, cộng tác viên đều là Việt kiều, du học sinh người Việt. Dù ở xa quê hương nhưng Hà và cộng sự đều nghiên cứu kỹ và đưa các bản sắc văn hóa Việt vào trong từng dịch vụ tổ chức đám cưới của mình. Chẳng hạn như trong lễ dạm hỏi của người Việt tại Úc vẫn có đầy đủ nghi lễ như lễ gia tiên, trên ban thờ bày mâm quả, có đủ 5 tráp như các đám cưới ở Việt Nam gồm trầu cau, hoa quả, xôi gấc đậu xanh, bánh phu thê, rượu trà…

Tuy nhiên, Thanh Hà cho biết, do ở Úc không có trầu cau nên Elisa Wedding đã biến tấu bằng việc làm trầu cau bằng rau câu với hình thức giống như trầu cau thật. Nhờ vậy mà đám cưới vẫn được đủ đầy và vẹn tròn. Bánh phu thê cũng được thợ làm bánh người Việt tại Úc làm chuẩn vị như bánh tại Việt Nam. Menu tiệc cưới cũng có nhiều món thuần Việt như canh chua cá lóc, nem rán, xôi, thịt gà… Trong đám cưới của cô dâu gốc Việt lấy chồng người Úc có thể kết hợp thêm với một số món ăn Âu nhưng không thể thiếu món thuần Việt.

Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 5
Đám cưới được bài trí không khác gì đám cưới tại Việt Nam

Với áo dài, các cô dâu Việt thường thích mặc áo có vẽ hình phong cảnh Việt Nam, chim hạc, hoa sen, hoa cúc… để thể hiện tình yêu với đất nước.

Nếu cô dâu chọn mặc váy cưới thì chiếc váy cũng được thiết kế phù hợp gu thẩm mĩ của người Việt với những nét đặc trưng khác với váy cưới của người phương Tây từ kiểu dáng, hoa văn, chất liệu…

Giữ đám cưới truyền thống Việt trên đất Úc - ảnh 6
Những nét đặc trưng nhất cho văn hóa người Việt trong đám cưới vẫn luôn được bảo tồn tại Úc

Thanh Hà cho biết: Trung bình mỗi tuần, Elisa Wedding có thể đón từ 2-3 cặp đôi, đặc biệt, vào mùa cưới từ tháng 9 đến tháng11 hàng năm là mùa Xuân ở Úc thì số lượng khách đến khá đông. Để có thể đáp ứng đủ mong muốn của các khách, Elisa Wedding đã đưa ra nhiều gói dịch vụ khác nhau với các giá tiền khác nhau, trung bình từ 20 triệu đồng trở lên, đảm bảo khách chưa có điều kiện kinh tế vẫn có thể có một đám cưới Việt theo mong muốn.

Nhờ vậy mà các bạn du học sinh Việt, người Úc gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3, nhiều cô dâu chưa từng về Việt Nam nhưng có ông bà, cha mẹ là người Việt, dù lấy chồng là người Úc đã tới đặt dịch vụ. Có những đám cưới, các chú rể Úc rất hãnh diện khi mặc áo dài nam thay cho comple, sơ mi cà vạt, sánh bước bên người vợ Việt mặc áo dài truyền thống… tạo ra bầu không khí rất cảm động.

Phạm Thanh Phương, sinh năm 1986, theo chồng qua Úc định cư, hiện cũng đang làm việc tại Elisa Wedding cho biết: Đám cưới ở Úc có thể quy mô không lớn như ở Việt Nam do các gia đình không có nhiều người thân, bạn bè ở Úc. Một số cặp đôi không có bố mẹ hai bên tại Úc nên có thể không tổ chức lễ gia tiên. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất cho văn hóa người Việt trong đám cưới thì vẫn luôn được các bạn trẻ chủ động bảo tồn. Là người Việt Nam “100%”, Phương hy vọng với sự hiểu biết của mình có thể giúp tư vấn cho các cặp đôi về các nét văn hóa Việt.

“Tôi có thể nhìn thấy từ trong sâu thẳm, các khách hàng đến với chúng tôi niềm tự hào được là người Việt Nam. Là thế hệ trẻ sống ở đất nước hiện đại như Úc, các cặp đôi có thể chọn cưới theo cách họ muốn nhưng họ vẫn tự nguyện chọn cưới theo truyền thống Việt. Tôi tin rằng, sau này khi con của các cặp đôi ra đời cũng sẽ tiếp nối bố mẹ giữ gìn văn hóa Việt”- Phạm Thanh Phương tâm sự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.