“Kết nối yêu thương” từ vòng tay “mẹ đỡ đầu“

Hoàng Lan - Hồng Nhung.
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đúng như tên gọi,“Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 21 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 diễn ra tuần qua đã trở thành nơi kết nối yêu thương những vòng tay nhân ái của những người “mẹ đỡ đầu” và các con mồ côi. Tại ngày hội, những cặp mẹ - con tuy không cùng huyết thống, nhưng chung nhịp đập trái tim đã có phút giây hội ngộ đầy xúc động.

“Kết nối yêu thương” từ vòng tay “mẹ đỡ đầu“ - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại “Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương”

Cảnh đời bất hạnh của những đứa con mồ côi...
Mới ngày nào, gia đình bé Nguyễn Phạm Minh Thư, học sinh lớp 4 trường tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai vẫn còn đầm ấm với đủ bố mẹ và hai chị em Thư. Thế nhưng, tháng 9/2021, căn bệnh ung thư dạ dày quái ác đã cướp đi mẹ của em. 5 tháng sau, bố Thư lại rời xa các con vì bệnh ung thư gan. Phút chốc, hai chị em Thư còn đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã trở thành trẻ mồ côi. Sự hiện diện của bố, mẹ hai em chỉ còn qua tấm ảnh treo trên tường nhà. Ông nội già yếu, bà nội cũng bệnh tật chẳng đủ sức nuôi hai cháu nên đành gửi em trai Thư về quê ngoại nhờ cậy. Mỗi lần nhắc đến hai từ “tổ ấm”, Thư lại òa khóc. Những giọt nước mắt vừa thương mình, thương em, thương cả ông bà nội và bố mẹ đã khuất. “Con chỉ mong đón em về ở cùng. Con đã vĩnh viễn mất đi bố mẹ, giờ con lại phải xa em. Nhưng, con không biết phải làm sao?”- Thư nghẹn giọng.
Căn nhà nhỏ tại phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm chỉ rộng chưa đầy 40m2 nhưng từ khi bố mẹ em qua đời, càng trở nên rộng thênh thang, lạnh vắng. Mồng 2 Tết Nhâm Dần, bố em Phùng Minh Quân đã ra đi khiến các con trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Rồi, ông bà nội ngoại cũng đã qua đời, hai đứa trẻ côi cút chỉ còn biết dựa vào hơi ấm của nhau mà sống.
Chỉ mới 13 tuổi, nhưng Vũ Thu Phương, học sinh lớp 8 trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng đã sớm trở thành chỗ dựa của cả gia đình. Mẹ em mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm, vừa qua đời đầu năm 2021. Bố Phương là bộ đội xuất ngũ mang theo căn bệnh tâm thần. Em trai Phương cũng thiếu minh mẫn nên học chưa hết lớp 1. Ông bà nội, ngoại hai bên đã mất, họ hàng đều khó khăn không giúp được gì. Nhiều năm qua, Phương, bố và em trai nương nhờ trong không gian nhỏ hẹp chỉ rộng chừng 4-5m2, ngột ngạt và bí bách. Từ ngôi nhà với đồ đạc đều tối giản. Phương ước mơ sẽ có ai đó dắt tay em đi thật xa để có thể phụng dưỡng bố, lo lắng cho em trai bệnh tật… 
Hay như trường hợp của em Trần Mỹ Duyên, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, mồ côi bố sau khi bố em đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Bố mất, cả gia đình Duyên cũng chẳng còn chỗ dựa. Không biết bao lần, Duyên lén mẹ rưng rưng gọi: “Bố ơi, con nhớ bố thật nhiều”…

“Mẹ đỡ đầu” giang rộng vòng tay… 
Nhà đông người, 6 em chỉ học hết lớp 9, bố mẹ ly hôn, chị Vũ Thị Dung là người duy nhất trong nhà được đi học đại học. Vì vậy, chị rất thương và thấu hiểu khó khăn, bất hạnh mà những đứa trẻ mồ côi, thiếu nguồn nuôi dưỡng phải trải qua. Đã từng có một công việc đáng mơ ước với thu nhập tốt, tháng 9/2012, chị Dung đã bỏ tất cả mưu cầu cá nhân, lập ra Quỹ Khát vọng để đỡ đầu trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc chu cấp tiền hàng tháng, các em còn được nhận nhiều trợ giúp khác như: Trang bị kỹ năng sống, hỗ trợ tâm lý, hướng nghiệp, tham gia trại hè miễn phí hàng năm… 

“Kết nối yêu thương” từ vòng tay “mẹ đỡ đầu“ - ảnh 2
Các mẹ đỡ đầu và con mồ côi hội ngộ xúc động tại “Ngày hội gia đình - Kết nối yêu thương” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 21/6 Ảnh: Nguyễn Thực

Năm 2022, thông qua báo Phụ nữ Thủ đô, chị Vũ Thị Dung đã cam kết nhận đỡ đầu 100 con em mồ côi trên địa bàn toàn thành phố với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng/năm cho tới khi các em đủ 18 tuổi. Chị Dung cho biết, chị đã rất hạnh phúc khi nhận được những lá thư của các con mà mình nhận đỡ đầu. “Tôi chỉ muốn được ôm hết các con vào lòng, đem hết yêu thương bù đắp cho chúng sau những thiệt thòi mà các con đã phải gánh chịu. Những lời sâu kín của con đã giúp tôi hiểu rằng trên con đường mình đi luôn có những đứa trẻ bị bỏ quên ở đâu đó mà mình cần phải kiếm tìm”.
Còn với mẹ đỡ đầu Cao Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, việc được nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, không chỉ giúp xoa dịu nỗi đau của con, mà cũng khiến cho những người mẹ như các chị hạnh phúc vì đã làm điều tốt. “Là những nữ doanh nhân, chúng tôi hiểu rằng mình sẽ phải có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi tin rằng, những hành động nhân ái hôm nay sẽ giúp bồi đắp tâm hồn các con, giúp các con sau này trở thành công dân tốt cho xã hội”. Năm 2022, mẹ Hạnh và các mẹ ở Hiệp hội Nữ doanh nhân đã nhận nuôi 55 con mồ côi với mức đỡ đầu trung bình 500.000 đồng/tháng trong vòng từ 1-3 năm. “Chúng tôi cũng làm mẹ. Chúng tôi đã nói với các con của mình, từ nay, các con sẽ có thêm những đứa em mới. Các con hãy yêu thương, giúp đỡ các em vì chúng ta đã là một gia đình”- chị Hạnh nói. 
Và sự thấu hiểu, đồng cảm cũng đã giúp chị Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì đến với những đứa con cùng cảnh ngộ. Chị Nhung lớn lên trong hoàn cảnh không có bố, chị gái bị tàn tật nên chị rất thương những em bé mồ côi. Nhiều năm qua, chị đã chung tay, hỗ trợ, tặng tiền đỡ đầu nhiều em nhỏ, trong đó có em đến nay đã qua 18 tuổi. Chị nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi vẫn còn muốn được làm mẹ đỡ đầu của thật nhiều hơn nữa những đứa con”.  
Mẹ đỡ đầu Đào Lan Hương, Chủ tịch học viện Công nghệ sáng tạo Teky Hà Nội cũng tâm sự, khi nhận đỡ đầu bé Vũ Minh Vượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) đến năm 18 tuổi, chị tự hứa sẽ hỗ trợ cháu bé về tài chính học tập cũng như định hướng tương lai trong suốt quá trình nuôi dưỡng. Bé Vượng mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang sống cùng bà ngoại già yếu, hàng ngày bà đi buôn bán đồng nát, thu nhập bấp bênh. “Ban ngày, Vượng đi học, tối về phụ cơm nước và giúp bà nhặt, phân loại phế liệu. Câu nói của con khiến tôi nhớ mãi: “Con chỉ mong lớn thật nhanh và trở thành bác sĩ, kiếm thật nhiều tiền để chữa bệnh và phụ giúp cho bà”. Ánh mắt của con khiến tôi tin rằng chỉ cần có sự giúp đỡ, định hướng, chắc chắn tương lai của con sẽ tràn đầy hi vọng” - chị Hương xúc động nói. Tại buổi gặp mặt “mẹ đỡ đầu” và con được đỡ đầu, đại diện học viện Công nghệ sáng tạo Teky Hà Nội cũng dành sự quan tâm, động viên đến cháu bé, đồng thời mong muốn dự án sẽ mở rộng hơn nữa để nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ đỡ đầu.

Nối dài hành trình nhân ái
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các bậc cha mẹ luôn đồng hành cùng con trong học tập, giúp cho các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, từ tháng 9/2021, Hội LHPN Hà Nội đã phát động chương trình “Đồng hành cùng con”. Hội LHPN Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; phân công cán bộ, hội viên phụ nữ quan tâm, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thường xuyên và nhận đỡ đầu đến nay là 389 trẻ em mồ côi với mức kinh phí từ 300.000-1.000.000 đồng/tháng. Nhờ đó, trái tim bị tổn thương của những em bé như Minh Thư (quận Hoàng Mai), Minh Quân (quận Hoàn Kiếm), Thu Phương (quận Hai Bà Trưng), Mỹ Duyên (quận Long Biên)… đã được lấp đầy bởi tình yêu thương. Từ nay, trên bước đường của các con, đã có thêm những người mẹ đỡ đầu, giúp các con có thêm chỗ dựa để tiếp tục học tập, lao động, trở thành người có ích cho xã hội. 
Theo đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội LHPN Hà Nội càng thấy có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể… để tổ chức tốt hơn các hoạt động bảo vệ, chăm lo hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Vì thế, Hội LHPN Hà Nội đã phát động chương trình “Đồng hành cùng con” giai đoạn 2022-2026, trong đó tập trung vào các nội dung như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, cha mẹ trẻ về thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, tràn ngập tình yêu thương; tiếp tục khai thác nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ trang thiết bị, điều kiện học tập tốt hơn. Đẩy mạnh chương trình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương” vận động các tổ chức, cá nhân, hội viên phụ nữ trên địa bàn Thành phố nhận đỡ đầu các cháu mồ côi do Covid-19, trẻ mồ cô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để động viên, nâng đỡ trẻ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...