Khi con chửi bậy, nói tục với người khác

Chia sẻ

PNTĐ-Nếu bố mẹ xem đây là hành vi bình thường của trẻ nhỏ, chưa hiểu biết như người lớn nên bỏ qua việc dạy dỗ là sai lầm và nguy hiểm. Vì dần dần,trẻ sẽ hình thành thói quen xấu...

 
Khi con chửi bậy, nói tục với người khác - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân trẻ có hành vi dùng lời nói xấu
 
Vừa đi làm về, chị Ngân ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh cậu con trai 7 tuổi đang chửi bới với cậu bạn hàng xóm bằng những lời lẽ thô tục, bậy bạ. Không còn từ xấu xa, bẩn thỉu nào mà con trai chị không đưa ra để chửi. Càng nghe, chị Ngân càng thấy sốc vì trong gia đình chị từ trước đến nay chuyện chửi tục, nói bậy không bao giờ xảy ra.
 
Người lớn trong nhà, ai cũng ý thức được lời ăn tiếng nói chuẩn mực, xưng hô có vai vế, ngôi thứ đàng hoàng. Mỗi lần có xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi gì, mọi người đều cố gắng kìm chế không thốt ra những lời nói tục tĩu để làm gương cho con trẻ. Vậy mà giờ đây, con trai chị không biết học đâu ra cái thói hư tật xấu này, lại còn ngang nhiên đứng ngoài đường "văng" loạn xạ cả lên khiến ai cũng nghe thấy. Chị cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến việc người ta chê cười, nói chị không biết dạy con nên thằng bé mới ăn nói không có văn minh như thế. Cơn nóng giận bốc lên ngùn ngụt, chị lập tức quát to:
 
- Hải Nam, tại sao con lại chửi bạn bằng những lời như thế. Con hư hỏng quá rồi đấy!
 
Rồi không để cho con thanh minh câu nào, chị lôi tuột con vào nhà, vừa đánh vào mông con tới tấp, vừa hỏi lại:
- Đánh cho con chừa cái tội nói tục, chửi bậy, từ nay con có như thế nữa không?
 
Bị mẹ đánh, mắng, cậu bé nước mắt lã chã, hứa không bao giờ tái phạm hành vi sai trái ấy thêm lần nào nữa.
Không giống chị Ngân, anh Bình lại xem hành vi chửi tục, nói bậy của con gái là sự "láu lỉnh". Con gái anh năm nay 4 tuổi, rất hoạt ngôn. Mấy lần, chứng kiến cảnh con gái tức giận chửi bới đám bạn hay chơi cùng vì làm vỡ đồ chơi, dây bẩn lên quần áo của mình bằng những lời lẽ kiểu "chợ búa", rồi văng tục loạn xạ, anh chẳng những không giận mà còn cười ngặt nghẽo. Thấy vợ nghiêm khắc nhắc nhở con gái, anh còn bảo: "Em cứ quan trọng hóa vấn đề, con còn nhỏ biết gì. Với lại, nó "ghê gớm" thế mai này ra đời không sợ ai bắt nạt...".
 
Vậy nên, việc con gái anh mắng chửi người khác bằng lời nói bậy bạ đôi khi lại trở thành chuyện cười mua vui cho người lớn trong gia đình. Chẳng ai nỡ giận con bé khi nó cong cớn môi lên bắt chước những câu nói tục của bà bán hàng đầu ngõ chợ để mắng em, quát chị khi không hài lòng về chuyện gì đó. Họ xem đó là chuyện con nít, không hiểu chuyện, bao giờ lớn có nhận thức dạy cũng chưa... muộn.
 
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, hai cách xử lý trước việc trẻ có hành vi chửi tục, nói bậy trên đều không đúng. Việc bố mẹ nghiêm khắc quá cũng không nên còn buông thả để trẻ tự do với hành vi đó là đáng chê trách. Trước tiên, bố mẹ cần phải hiểu rõ nguyên nhân trẻ có hành vi đó rồi đưa ra cách giáo dục cho phù hợp. Theo các chuyên gia giáo dục thì có mấy nguyên nhân sau:
 
Thứ nhất, do trẻ không có khái niệm sai, đúng trước hành vi nói bậy, chửi tục. Trong cuộc sống hành ngày, trẻ hay bắt chước, thấy người ta nói được thì cho rằng mình cũng có thể nói như thế. Ví dụ, trẻ chứng kiến cảnh người lớn mỗi lần mắng chửi nhau là dùng những lời nói ấy nên cứ mặc định quát mắng ai là cứ phải dùng những lời nói đó.
 Thứ hai, trẻ sống trong môi trường có bố mẹ, người thân thường xuyên có hành vi nói bậy, chửi tục. Dù ở trường, lớp, trẻ được khuyến cáo, nhắc nhở hành vi đó là sai trái. Nhưng về nhà thấy người thân vẫn có hành vi ấy và không ai cho đó là sai nên trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
 
Thứ ba, trẻ buộc phải miễn cưỡng chửi người khác. Đó là khi trẻ bị đối phương chửi bới bằng những lời nói ấy nên cũng quyết "ăn miếng trả miếng" trở lại để trút giận. Hoặc trẻ chửi bậy để giải tỏa khi mình bị ai đó làm tổn thương.
Bố mẹ, người lớn khi chứng kiến trẻ có hành vi sai trái này cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để rồi có cách xử lý mới hiệu quả.
 
Giáo dục con cư xử đúng mức khi va chạm với người khác
 
Hành vi chửi tục, nói bậy là một hành vi sai trái, không văn minh, ảnh hưởng trực tiếp đến giao tiếp. Nhẹ thì tổn thương đến hòa khí giữa mọi người, nặng thì gây ra sự oán hận. Do vậy, bố mẹ cần xác định đây là hành vi cần xóa bỏ. Nếu bố mẹ xem đây là hành vi bình thường của trẻ nhỏ, chưa có hiểu biết như người lớn nên bỏ qua việc dạy dỗ là sai lầm và nguy hiểm. Vì dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu chửi bậy, bất chấp mọi hoàn cảnh.
 
Muốn con không có hành vi chửi bậy, nói tục, trước tiên bố mẹ phải làm tấm gương sáng trong vấn đề này. Tiếp đến, bố mẹ cần bồi dưỡng cho con phẩm chất cẩn thận, không kiêu ngạo, không đem điểm mạnh của mình ra so sánh với điểm yếu của người khác. Trẻ cũng cần được dạy về việc tôn trọng người đó, cư xử đúng mực, chỉ nói lời lễ phép.
 
Trong trường hợp va chạm với người khác, bố mẹ cần dạy con phải bình tĩnh, khoan dung với những sai lầm của người đó, không nên tức giận vì một chuyện nhỏ mà lớn tiếng mắng chửi lại bằng những lời nói, từ ngữ xấu xa. Khi con muốn giải tỏa sự tức giận, cần dạy con cách thổ lộ tình cảm bằng phương thức thỏa đáng nhất. Ví dụ khuyến khích con nói ra suy nghĩ,  phản ánh với người lớn và xin sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề. Khi con có hành vi xấu đó, bố mẹ cần phê bình nghiêm khắc nhưng không có nghĩa là phải dùng hình phạt nặng nề sẽ khiến trẻ bị tổn thương trở lại.
 
Vì môi trường sống có sự ảnh hưởng và tác động lớn đối với trẻ, nên bố mẹ không chỉ tạo cho con môi trường sống gia đình lành mạnh, vui vẻ hòa nhã, đúng lễ nghi phép tắc mà còn tạo cho con môi trường bạn bè tốt, luôn nói lời hay ý đẹp thay vì chởi bới, tục tĩu. Có như vậy, trẻ mới hình thành lối sống văn minh, lễ phép...
 
    Nguyễn Thoan

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.