Không nên lấy kinh tế làm thước đo vai trò trụ cột
(PNTĐ) -Người làm trụ cột là người có tiếng nói, đủ uy tín để "điều hành" gia đình, tạo được sự đồng thuận thống nhất của các thành viên, chứ không hẳn là người làm ra kinh tế. Bởi thực tế, có nhiều người làm ra kinh tế nhưng lại không thể gánh nổi vai trò trụ cột. Ngược lại, có người làm trụ cột, chèo lái gia đình rất vững dù không trực tiếp kiếm nhiều tiền.

Đừng nhầm lẫn trụ cột kinh tế với trụ cột gia đình
Qua theo dõi các ý kiến thảo luận trên báo Phụ nữ Thủ đô, tôi thấy rằng mọi người đang đồng nhất người nào trụ cột kinh tế thì sẽ là trụ cột gia đình. Tuy nhiên, tôi thấy điều đó không hẳn đã đúng. Bởi có những gia đình, người gánh vác vai trò trụ cột nhưng không làm ra kinh tế nhiều hơn so với các thành viên khác, thậm chí, có người còn không trực tiếp làm ra tiền mà vẫn làm "nóc nhà" rất vững.
Nếp nhà của người Việt xưa nay cho rằng nhà phải có nóc, phải có trụ cột. Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, "nóc nhà" thường là đàn ông. Do đó, có không ít đàn ông lười biếng, bất tài nhưng vẫn nắm giữ vai trò trụ cột-chủ gia đình, bắt vợ con lao động kiếm tiền phục dịch, hầu hạ mình. Thế nhưng phụ nữ không được phản kháng, phải cam chịu. Điều đáng tiếc là trong thời hiện đại, quan niệm trọng nam khinh nữ đó vẫn còn tồn tại trong một bộ phận gia đình. Do đó, không ít người chồng tối ngày ăn nhậu, say xỉn, tiền không kiếm được một đồng nhưng vẫn "có quyền" đàn áp vợ con, tự quyết mọi vấn đề trong gia đình. Nếu vợ con không thuận theo thì dùng bạo lực trấn áp lại. Như vậy, nếu xét về vai trò trụ cột kinh tế, những người đàn ông đó không đảm đương, nhưng họ vẫn đường đường giữ vị trí "chủ nhà". Ngược lại, những người phụ nữ nặng gánh trụ cột kinh tế mà vẫn không có tiếng nói. Địa vị của họ luôn thấp kém hơn đàn ông trong gia đình.
Để có cái nhìn đa chiều, mời bạn đọc tham gia thảo luận về vấn đề này. Ý kiến thảo luận gửi về chuyên mục “Diễn đàn gia đình”, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc gửi về E-mail: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ nhận nhuận bút và báo biếu theo quy định của tòa soạn.
Do đó, theo tôi, chúng ta hãy hướng đến "quy chuẩn" trụ cột gia đình bằng những tiêu chí khác. Người làm trụ cột có thể là đàn ông, là phụ nữ trong gia đình, nhưng đó phải là người có uy tín được mọi người kính trọng, nể phục. Trụ cột gia đình phải là sống đạo đức, kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa đúng mực, ứng xử công minh, là tấm gương sáng để con cháu, anh em trong nhà noi theo. Vì vậy, người làm trụ cột không hẳn làm ra kinh tế, mà trên hết, họ trở thành trụ cột tinh thần, giữ vững sự đoàn kết trong gia đình. Đó mới là trụ cột gia đình đúng nghĩa.
Nguyễn Đình Nam
(Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội)
Ở nhà nội trợ nhưng vẫn là trụ cột gia đình
Trong thời hiện đại và hội nhập, cuộc sống gia đình đã có nhiều biến đổi khiến các chức năng gia đình cũng "linh hoạt" biến đổi theo. Cùng với đó, pháp luật cũng đã quy định gia đình bình đẳng trên mọi phương diện nên câu chuyện trụ cột không còn như trước đây. Với thế hệ gia đình trẻ như chúng tôi, vai trò trụ cột được "phân công" cho người nào có thời gian, năng lực quán xuyến mọi công việc trong nhà, chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại. Mục đích là để gia đình ổn định, hạnh phúc. Do đó, trụ cột gia đình có thể là chồng làm, hoặc có thể do vợ đảm nhận.
Kể từ ngày chúng tôi cưới nhau đến nay đã gần 6 năm, chồng tôi là lao động chính đi làm kiếm tiền, còn tôi ở nhà nội trợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và con nhỏ, quán xuyến công việc gia đình. Nhìn bề ngoài, ai cũng bảo chồng tôi làm kinh tế nên sẽ là trụ cột, nhưng thực chất gần 6 năm qua, tôi mới là người đảm đương vai trò đó. Vợ chồng tôi không quan niệm người nào làm ra kinh tế thì người đó làm trụ cột, mà sẽ là người có thời gian "điều hành" gia đình đi đúng quỹ đạo để các thành viên trong gia đình làm việc, học tập và sinh sống ổn định. Vì tôi ở nhà nội trợ nên quán xuyến mọi việc trong nhà sẽ tốt hơn anh. Do đó, chúng tôi phân công vợ làm trụ cột quản lý gia đình, còn chồng chuyên tâm làm kinh tế. Trong những năm qua, cả tôi và anh đều cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà mình đảm nhận trên tinh thần ủng hộ, chia sẻ lẫn nhau. Nhờ đó, cuộc sống hạnh phúc, ổn định.
Thực tế cho thấy, phụ nữ khi làm nội trợ cũng được xem là lao động tạo thu nhập. Vì nếu người vợ không làm công việc đó, mà thay thế bằng dịch vụ giúp việc thì cũng phải trả chi phí cho dịch vụ đó. Đồng thời, pháp luật cũng đã quy định vấn đề này vào luật. Do đó, vai trò làm kinh tế, tạo thu nhập trong gia đình cả vợ và chồng đều như nhau. Chúng tôi đã dựa vào điều này để không coi trọng và xem nhẹ "quyền" của người đi làm kiếm tiền và người ở nhà làm nội trợ. Vì thế, khi làm trụ cột quán xuyến gia đình, tôi được bố mẹ chồng và người thân trong gia đình chồng xem trọng, không bị coi thường "ở nhà ăn bám chồng" như một số phụ nữ nội trợ khác.
Tôi mong rằng, xã hội sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về vai trò trụ cột gia đình. Để nó không còn là gánh nặng đặt lên vai một mình đàn ông hay phụ nữ, cũng không là "biểu tượng" của sự chuyên quyền độc đoán khiến gia đình mất hạnh phúc. Giống như tôi, người phụ nữ nội trợ cũng có thể làm tốt vai trò trụ cột, thay vì chỉ là "nạn nhân" của những định kiến lạc hậu, hẹp hòi bất bình đẳng.
Lê Huyền Trang
(Chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội)