Làm gì để chấm dứt bạo lực gia đình?

Hoàng Lan - Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đạo đức, để lại những nỗi đau đớn cả về thể xác, tinh thần cho các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy cần có những chế tài, quy định pháp luật chặt chẽ để ngăn ngừa và xóa bỏ những hành vi bạo lực. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra dự kiến sẽ xem xét thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hướng tới hoàn thiện hơn nữa hệ thống luật pháp trong lĩnh vực này.

Làm gì để chấm dứt bạo lực gia đình?  - ảnh 1
Chị M.N khi còn khỏe mạnh bên chồng con 

Những nỗi đau không thể nói thành lời 
Chị là M.N, sinh năm 1971, quê ở một tỉnh miền Trung. Năm 27 tuổi, chị xây dựng gia đình trên cơ sở tình yêu đôi lứa. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khi công việc gặp khó khăn, chồng chị bắt đầu thường xuyên say xỉn. Mỗi lần say, anh ta lại đập phá đồ đạc rồi tiến tới bạo lực chị. Chị N làm nghề thiết kế, thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng nhưng chồng chị lại muốn độc chiếm vợ nên yêu cầu chị chỉ được ở nhà nuôi con, hạn chế tối đa tiếp xúc với xã hội. Nếu chị không nghe là… đánh, đấm, đạp… 

Cơn ác mộng xảy ra vào ngày 9/12/2014 khiến cuộc đời của chị N bước sang trang khác. “Hồi đó, tôi đang hỗ trợ cho người bạn thân của cả hai vợ chồng mở spa. Người bạn thấy tôi vất vả, giữ tôi ở lại spa để thư giãn, phục hồi sức khỏe. Sau khi nghỉ ngơi xong, gia đình người bạn còn đưa tôi về. Về tới nhà thì cửa đã khóa và khóa cửa đã bị thay mới nên tôi đành phải trèo cổng vào nhà. Tôi vừa nhảy xuống đất, chồng tôi từ đâu xồ ra, vằn mắt hét lên dọa giết tôi, rồi anh ta điên cuồng, châm lửa đốt cháy chiếc xe máy tôi vừa đi”- chị N kể. 

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, hiện dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới, bao gồm phương tiện tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực làm trung tâm để sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực, bổ sung các quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, tăng cường biện pháp truyền thông, giáo dục; hoà giải, xử lý tin báo, tố giác tội phạm…; sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khuyến khích xã hội hoá trong công tác PCBLGĐ, trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan tổ chức liên quan…

Để trốn cơn cuồng ghen của chồng, chị N chạy lên phòng ở tầng 2 ẩn nấp. Gã chồng mất hết lý chí chạy theo, phá cửa, lao vào phòng đập phá đồ đạc. Trong tích tắc, chị N nhảy qua cửa sổ tầng 2 để thoát thân. Sau cú nhảy đó, chị được đưa vào bệnh viện trong tình trạng già nửa người từ ngực trở xuống không còn cảm giác do bị vỡ đốt sống, tràn tủy.

Những ngày sau đó, chị N rơi vào nỗi khủng hoảng khi phải đối mặt với sự thật mình sẽ bị liệt vĩnh viễn. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, chị N chỉ còn lại 7% sức khỏe, nặng 35kg. Nhà chồng chị không những không xin lỗi, ngược lại còn xót thương con trai mình đang khỏe mạnh, nay phải nuôi vợ bại liệt. Rồi một ngày, người chồng còn đưa người phụ nữ khác đến nhà sống chung, trong sự uất hận của chị N. 

Còn với chị M.L, sinh năm 1980, quê Hà Nam thì hôn nhân lại là những tháng ngày cơ cực khi cả tinh thần và thể xác đều bị chồng tra tấn khủng khiếp. Bi kịch của chị L xảy đến chỉ hai ngày sau đám cưới (năm 2003) khi chị phát hiện chồng mình đang dính vào ma túy, cờ bạc. Nuốt nước mắt uất nghẹn, chị L gắng tin nếu chồng chị cai nghiện thành công thì hạnh phúc sẽ trở lại với chị. Suốt 2 năm chồng đi cai nghiện, chị ở nhà vò võ nuôi con. Song, lần nào lên thăm chồng, chị cũng bị anh ta dằn vặt, chửi bới, nghi ngờ vợ ngoại tình. Lại nghĩ đến đứa con hãy còn quá nhỏ, chị L cắn răng chịu đựng.

Chị L chia sẻ, đó là quyết định sai lầm lớn nhất của chị. “Hết thời gian cai nghiện trở về, anh ta vẫn thường xuyên bạo hành tôi. Rồi anh ta còn quản thúc tôi bằng việc bắt phải cùng đi làm với anh ta. Tôi làm được bao nhiêu tiền, anh ta đều biết và tịch thu hết”. Cuộc sống không có yêu thương, không niềm vui, không quan hệ xã hội, không kinh tế… đã khiến chị N rơi vào trạng thái trầm cảm. Đến một ngày chỉ sau một xung đột nhỏ, chị bị chồng túm tóc quấn quanh cột tre, điện thoại cũng bị chặt đôi giữa đêm. Sáng hôm sau, lợi dụng lúc chồng không để ý, chị lén mượn điện thoại của người đi đường, gọi cho em gái cầu cứu. Nhờ đó mà chị được giải thoát kịp thời. Tính cho tới ngày dứt khoát ly hôn, chị đã trải qua 18 năm ròng rã chịu đựng bị bạo hành…

Làm gì để chấm dứt bạo lực gia đình?  - ảnh 2
Và nay đã bị liệt vĩnh viễn do BLGĐ Ảnh: NVCC

Với gần 13 năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam đã tiếp nhận và hỗ trợ cho rất nhiều trường hợp bị bạo lực. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, nguy cơ phụ nữ, trẻ em bạo lực có phần gia tăng hơn. Cho đến hiện tại, số lượng các trường hợp bạo lực Hagar tiếp nhận hàng năm chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, đường dây nóng của Hagar đã tiếp nhận 276 cuộc gọi để được trợ giúp.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, cứ 3 phụ nữ thì gần 2 người (63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế trong cuộc đời; trong đó hầu hết là do chính chồng mình gây ra. 

Song, điều đáng nói, cũng theo nghiên cứu trên, có đến 90,4% phụ nữ bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất cứ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Khắc phục những điểm yếu của luật hiện hành
Theo bà Hoàng Tú Anh, Trưởng Mạng lưới ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam, định kiến giới là một trong những nguyên nhân gây ra BLGĐ. Khi bị bạo lực, nhiều phụ nữ muốn tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng quan niệm “dĩ hòa vi quý” hay “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” khiến nạn nhân trở nên cô đơn. Thêm nữa, việc tố cáo hành vi bạo lực của người bị bạo lực cũng gặp nhiều khó khăn, bởi ở nhiều vụ việc, nạn nhân không thể tự đưa ra quyết định bởi các lý do như sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng danh dự của cha mẹ, thương con...

Bà Giang Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cũng đánh giá: “Rào cản lớn khiến đa phần phụ nữ khó rời bỏ môi trường bạo lực là bởi họ không dễ dàng để thiết lập và xây dựng cuộc sống mới ở một môi trường khác. Đặc biệt, khi người phụ nữ rời đi cùng con, những nỗi lo về kinh tế, chỗ ở hay cộng đồng xung quanh bủa vây tinh thần họ khi trong tay họ chỉ là con số 0. Bên cạnh đó, là lo lắng về khả năng tự lập và chu cấp cho con, cùng với một số định kiến xã hội về hôn nhân, vai trò giới và gia đình”… “Việc thu thập các bằng chứng liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình cũng gây ra khó khăn đối với nạn nhân bị bạo lực tinh thần hay bạo lực tình dục. Tất cả những điều trên khiến việc thi hành pháp luật khó thực thi, hoặc thực hiện thiếu tính răn đe và khiến người gây bạo lực chưa nhận thức đúng đắn mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực. Rất hiếm các vụ việc bạo lực gia đình được đưa ra xử lý hình sự” - bà Giang nói.

Theo các chuyên gia, Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành với các chế tài xử lý vẫn còn rất nhẹ, tập trung vào xử phạt hành chính thay vì cải tạo hành vi của người gây bạo lực. Luật quy định phạt tiền trong khi tài sản trong thời gian hôn nhân vẫn là của chung hai vợ chồng, khiến nhiều khi chính nạn nhân đi trình báo lại phải gánh trả khoản phạt này cho chồng. 

“Một số hình thức xử phạt trong Luật cũng nên được cân nhắc liệu còn phù hợp không như: Cấm tiếp xúc hay hòa giải mang tính hình thức và thiếu hiệu quả. Luật cũng cần xem xét và nghiên cứu lại những hình thức bằng chứng hay khái niệm trong quy định để tạo điều kiện hỗ trợ nạn nhân trình báo các vụ việc bạo lực, đặc biệt đối với nạn nhân bị bạo lực tinh thần” - bà Giang nói.

Các chuyên gia đều hy vọng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 10 này sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Trong thời công nghệ, internet đã trở thành “kẻ thứ 3” đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình. Lời cảnh báo này không mới, nhưng dường như lại chưa được chú ý nhiều. Có thể do việc “cai internet” quá khó, cũng có thể tác động của mạng ảo diễn ra từ từ nên nhiều người chưa cảm thấy sợ, cho tới khi hậu quả thật xảy ra...
Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

(PNTĐ) - Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường là chính những người quen biết, thậm chí là người thân trong gia đình nạn nhân. Vì thế, hành trình bảo vệ trẻ em trước tội phạm xâm hại càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết...
Con chỉ cần có mẹ!

Con chỉ cần có mẹ!

(PNTĐ) - Tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa con có muôn vàn cách thể hiện. Nhưng tựu trung lại, nó đều tràn đầy, chẳng hề vụ lợi, chẳng gì sánh bằng. Ngày của mẹ hàng năm là dịp để mỗi người con bày tỏ tri ân đấng sinh thành.
Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.