Nâng cao nhận thức để nạn nhân không che giấu bạo lực gia đình

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Có những vụ bạo lực gia đình, chỉ khi các chị sưng mặt, cộng đồng mới biết!”- đó là trăn trở của chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) khi nói về thực trạng tham gia giải quyết vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em hiện nay. Và chính từ trăn trở đó, các cán bộ hội viên phụ nữ đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để tăng cường bảo vệ, giảm số vụ việc bạo lực gia đình (nếu có) chậm bị phát hiện và giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn.

Nâng cao nhận thức để nạn nhân không che giấu bạo lực gia đình - ảnh 1
Lễ ra mắt CLB Phụ nữ tuyên truyền pháp luật, làm điểm tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm)

Vẫn tồn tại Bạo lực ngầm 
Vừa qua, Hội LHPN quận Nam Từ Liêm tổ chức tọa đàm về nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tuyên truyền pháp luật và tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Tại đây, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn chưa làm được trong tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn cho biết, phường Cầu Diễn có 4 địa chỉ tin cậy được Hội LHPN phường giới thiệu để UBND phường quyết định công nhận. Tuy nhiên, chị Hồng thừa nhận, qua nhiều năm hoạt động, các địa chỉ tin cậy trên thực tế chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, phần lớn bởi tâm lý muốn giấu kín chuyện trong nhà của chị em, càng là các chị có trình độ học vấn cao, gia đình tri thức thì càng để đến khi sự việc quá nghiêm trọng mới trình báo.

“Có nhiều cái khó khiến chúng tôi muốn giúp mà không được. Địa bàn phường Trung Văn có đến 2/3 hộ dân sống tại các chung cư cao tầng, tương đối khép kín, nên khi xảy ra các vụ việc trong gia đình, kể cả bạo lực thì gia đình cũng thường giữ kín, dẫn đến mọi người xung quanh không nắm được để tư vấn kịp thời. Chỉ khi sự việc đến đỉnh điểm thì bản thân nạn nhân lúc đó mới tìm đến cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, và thường họ không chọn địa chỉ tin cậy nữa mà tìm đến các địa chỉ như Ngôi nhà Bình Yên của Hội LHPN Việt Nam. Chị em ngại chọn địa chỉ tin cậy ở phường vì không muốn hàng xóm xung quanh biết chuyện nhà mình, ảnh hưởng đến thể diện”.

Thực tế, chị Hồng cho biết, các địa chỉ tin cậy rất tích cực tư vấn về trình tự pháp lý và cách giải quyết vấn đề và sẵn lòng là địa chỉ tạm lánh cho các chị em khi cần thiết. Thế nhưng, “từng có nhiều trường hợp, chị em lo sợ chồng/chồng cũ sẽ gây gổ, ảnh hưởng đến gia đình đặt địa chỉ tin cậy nên họ chọn đến ở tạm nhà người thân, bạn bè để tránh chạm mặt với tất cả”. 

Đồng tình với chị Hồng, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN phường Trung Văn cũng bày tỏ, “có những vụ bạo lực gia đình, chỉ khi các chị sưng mặt hay nhờ lực lượng hòa giải giúp đỡ, chúng tôi mới biết!”. Chị em Hội Phụ nữ cũng rất đau đáu, nhưng đôi lúc chỉ biết giúp ở mức độ quan tâm, chia sẻ, tư vấn, chứ để vào cuộc đến cùng thì cần những người, những cơ quan chuyên môn về pháp luật. 

Không ai đáng phải trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình 
Trong những năm gần đây, vấn đề xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn quận Nam Từ Liêm diễn biến phức tạp, gia tăng cả về mức độ và số lượng vụ việc. Để phối hợp thực hiện các biện pháp, tiến hành nhiều hoạt động nhằm can thiệp, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quận đã đưa ra 3 mức độ can thiệp: Mức độ 1: Phòng ngừa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phối hợp các ban, ngành dạy kỹ năng sống cho học sinh, tố chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt CLB...; Mức độ 2: Phòng ngừa và can thiệp sớm: Truyền thông trực tiếp vào các gia đình và trẻ em có nguy cơ cao để chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ; Mức độ 3: Bảo vệ: Phối hợp giải quyết các vụ việc. 

Với tổ chức Hội LHPN quận, bà Lê Thị Bích Hà - Chủ tịch Hội cho hay: “Hội đã chỉ đạo Hội LHPN các phường có sự phối hợp với các bộ phận phụ trách xây dựng mô hình phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em từ cấp quận đến cơ sở. Đến nay, nhiều mô hình, CLB đã phát huy hiệu quả, như CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Không sinh con thứ ba, Tổ nòng cốt tuyên truyền pháp luật… Bước vào giai đoạn 2 của Đề án 938 và chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch 228 của UBND quận Nam Từ Liêm về Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn quận giai đoạn 2018 - 2027, Hội LHPN quận đã và đang tích cực nắm bắt, phát hiện và lên tiếng kịp thời các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn”.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cộng đồng, thì chính các chị em phụ nữ cũng cần nâng cao hiểu biết, trang bị kỹ năng để tự bảo vệ bản thân và người thân của mình. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hơn ai hết, chính chị em phụ nữ là người cần phải nâng cao tính tự chủ, quyết đoán, cần trau dồi thêm các kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, cũng như các kiến thức về pháp luật, để tự bảo vệ mình và con cái trong xu hướng xuất hiện nhiều các loại tội phạm liên quan đến các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em như: Các vụ bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán phụ nữ và trẻ em… 
“Không ai đáng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Muốn giảm bạo lực, người phụ nữ phải hiểu biết vấn đề, nhất là pháp luật. Các chị em nên tham gia những cuộc tuyên truyền để hiểu hơn về vấn đề bạo lực, xâm hại và các quyền của phụ nữ. Bạo lực gia đình thường có xu hướng tiếp diễn, nên chị em cần tìm cho mình điểm tựa từ chi hội phụ nữ, chính quyền địa phương thì mới giảm được vấn nạn này” - ông Hà nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.