Người cao tuổi luôn cần sự sẻ chia
(PNTĐ) - Có một nghịch lý đang diễn ra trong cuộc sống ngày nay, đó là công nghệ phát triển đã giúp con người có thể dễ dàng kết nối với nhau bất kể khoảng cách địa lý xa xôi. Tuy nhiên, tại chính nơi gần gũi nhất với mỗi người là gia đình, dường như đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa các thế hệ, đặc biệt với người cao tuổi. Khoảng cách này càng được nới rộng trong thời đại @.
Ám ảnh những "cái chết cô độc"
Là quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới, người cao tuổi ở Nhật Bản đang phải đối diện với nỗi sợ hãi thường trực khi nghĩ đến việc họ chết đi mà không một ai hay biết. Thậm chí ở xứ sở mặt trời mọc còn xuất hiện thuật ngữ "kodokushi" dành riêng để chỉ những "cái chết cô độc" của người cao tuổi.
Dựa trên số liệu mới, cảnh sát Nhật Bản ước tính, nước này có thể ghi nhận tới 68 ngàn người cao tuổi qua đời một mình tại nhà mỗi năm mà không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần. Kể từ năm 2019, hiện tượng "kodokushi" mới được công nhận rộng rãi.
Toà nhà chung cư Tokiwadaira trong những năm qua trở nên nổi tiếng "bất đắc dĩ" do liên tiếp xảy ra các vụ "kodokushi". Nơi đây diễn ra "cái chết cô độc" đầu tiên ở xứ Phù Tang khi người đàn ông 69 tuổi nằm trên sàn nhà suốt ba năm mà không ai hay.
Thêm hai cái chết cô độc được phát hiện tại đây vào mùa hè năm 2017. Một trường hợp phát hiện ra mùi hôi khó chịu ở khu vực xung quanh một căn hộ thì người dân mới biết có người đàn ông đã qua đời, được biết không ai trong chung cư quen biết ông dù ông đã sống nhiều năm tại tòa nhà này. Chỉ hai ngày sau đó, một thi thể khác cũng được phát hiện với tình trạng tương tự.
Là một cư dân đã sống cô đơn hơn 3 thập kỷ ở chung cư Tokiwadaira, bà Chieko Ito cảm thấy lo lắng mình sẽ là "nạn nhân" tiếp theo. Để "chuẩn bị cho những gì sắp đến", bà phải nhờ người hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện nhìn mỗi ngày một lần sang cửa sổ căn hộ của mình. Theo đó, hàng ngày, bà sẽ mở rèm cửa sổ lúc 5h40 sáng khi thức dậy. "Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết", bà nói.
Bà thậm chí còn để lại một số tiền để dọn dẹp căn hộ sau khi bà ra đi. Bà Ito khẳng định bản thân luôn sợ hãi khi nghĩ về cái chết cô độc. Được biết, chồng và con gái bà đã qua đời vì căn bệnh ung thư chỉ cách nhau 3 tháng. Mặc dù còn một người con gái nữa nhưng cô ấy đã sống riêng với gia đình và chỉ gửi bưu thiếp cho bà trong những ngày lễ.
Theo các chuyên gia, "kodokushi, tuổi 50-60" chiếm một phần đáng kể các trường hợp chết một mình, đặc biệt là không được phát hiện trong thời gian dài. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu vắng trong giao tiếp với gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Những người cao tuổi thường im lặng, thậm chí không tiếp khi có khách đến gõ cửa. Do đó, hàng xóm ít để ý đến sự vắng mặt kéo dài của họ, khiến việc phát hiện trở nên chậm trễ. Trong một số trường hợp, thi thể chỉ được tìm thấy sau gần nửa năm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc và được miêu tả bằng thuật ngữ "godoksa". Theo Song In-joo, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm phúc lợi Seoul, việc bị loại khỏi thị trường lao động, áp lực về kinh tế và mất kết nối với gia đình là một trong các nguyên nhân gây ra "cái chết cô độc" hàng đầu tại nước này trong những năm qua. Nghiên cứu phân tích các trường hợp chết trong cô đơn chỉ ra: một người đàn ông 64 tuổi chết vì suy gan do rượu chè và người này không có gia đình, thậm chí không có điện thoại di động; một trường hợp khác là cụ bà 88 tuổi gặp khó khăn tài chính sau khi con trai qua đời. Bà chết sau khi trung tâm phúc lợi người cao tuổi, nơi thường xuyên cung cấp bữa ăn miễn phí cho bà phải đóng cửa vì Covid-19.
Ở Hồng Kông, những "người cao tuổi vô hình" - không có người thân, bạn bè hay mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng cũng đang là "nạn nhân" của cái chết cô độc. Bà Ho Yau-lin là một ví dụ. Bà đã sống một mình ở Hồng Kông kể từ khi ly hôn 20 năm trước. Bà có một người họ hàng trong thành phố nhưng hiếm khi liên lạc, ngoài ra bà cũng có 4 người con đang sống ở Trung Quốc đại lục nhưng dù bệnh tật bà cũng không liên lạc với họ vì không muốn ai lo lắng, các con cũng không mấy khi để ý đến bà. "Chết một mình thật thảm hại", bà Ho nói và bày tỏ sự lo lắng cho số phận của mình trong khi nhớ lại vài năm trước, hàng xóm nhận ra mùi từ căn hộ cùng tầng và gọi cảnh sát, cụ già sống trong đó đã chết từ nhiều ngày trước mà không ai biết.
Người cao tuổi cần được sẻ chia nhiều hơn
Sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng về tình trạng người cao tuổi chết trong cô độc đã thúc đẩy các sáng kiến cấp khu vực và quốc gia những năm qua.
Chính quyền Nhật Bản đã xây dựng các "khu phố bền vững" cho người cao tuổi. Những khu vực này được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp, chăm sóc sức khỏe và tạo môi trường sống an lành cho người cao tuổi, giúp họ cảm thấy bớt cô độc và được chia sẻ nhiều hơn.
Nhằm hạn chế "godoksa", chính quyền Seoul (Hàn Quốc) công bố chương trình "quan sát khu phố". Theo đó, nhóm các tình nguyện viên cộng đồng được thành lập sẽ thường xuyên tới thăm các hộ gia đình có người cao tuổi neo đơn ở những khu vực dễ bị tổn thương như nhà bán hầm và căn hộ chia nhỏ. Bên cạnh đó, bệnh viện, chủ nhà cho thuê và nhân viên cửa hàng tiện lợi cũng được giao trọng trách "giám sát" để thông báo cho các tình nguyện viên cộng đồng khi bệnh nhân hoặc khách quen, đặc biệt là người cao tuổi không tới trong thời gian dài, không thanh toán tiền nhà hoặc các chi phí khác.
Ngoài ra, nhà chức trách Hàn Quốc còn triển khai ứng dụng di động dành cho người cao tuổi sống một mình, ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn đến số liên lạc khẩn cấp nếu điện thoại của người sở hữu không hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định.
Ở một số quốc gia châu Âu, Thụy Điển đã thành công trong việc giảm cô đơn cho người cao tuổi bằng cách tạo ra các cộng đồng thân thiện và kết nối giữa thế hệ. Các chương trình tình nguyện và hỗ trợ tâm lý đóng vai trò quan trọng. Điều này vừa giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn khi có sự sẻ chia từ cộng đồng và những người cùng hoàn cảnh, từ đó cải thiện tinh thần của người cao tuổi và tránh những "cái chết cô độc". Phần Lan có chính sách tập trung vào việc kết nối giữa các thế hệ. Chính phủ khuyến khích việc gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm giữa người cao tuổi và thanh niên thông qua các hoạt động xã hội và tình nguyện.
Tại Hoa Kỳ, nhà chức trách và các tổ chức xã hội đã cùng chung tay cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí cho người cao tuổi trong gia đình nhằm hạn chế tình trạng người cao tuổi neo đơn, không có người chăm sóc. Các hoạt động hướng dẫn người cao tuổi sử dụng thiết bị công nghệ để kết nối với con cháu cũng được triển khai thường xuyên nhằm tận dụng những ưu thế của công nghệ để kéo giảm khoảng cách giữa các thế hệ.
Ngày nay, trong xã hội hội nhập sâu rộng, những áp lực cuộc sống khiến cho con cái không phải lúc nào cũng có điều kiện ở gần cha mẹ. Những khác biệt thế hệ về văn hoá, tư tưởng lối sống cũng là nguyên nhân khiến sự xa cách ngày càng tăng. Do đó, nhận thức về sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi là rất cần thiết, bên cạnh đó cần có cả sự thấu hiểu và sẻ chia để kéo gần lại khoảng cách thế hệ và có sự chung tay nghiêm túc từ cộng đồng để từ đó giúp đẩy lùi ám ảnh những "cái chết cô độc" cho người cao tuổi.