Những điều làm nên hạnh phúc sau ly hôn

Chia sẻ

Làm thế nào để tìm lại hạnh phúc sau ly hôn là điều mà những người từng thất bại trong hôn nhân luôn nghĩ đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó, nếu như không giải quyết rào cản từ chính bản thân mình.

Phụ nữ phải nhìn thấy giá trị của mình sau ly hôn

Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ sợ ly hôn và không dám ly hôn chính là cảm thấy mình không còn giá trị khi hôn nhân thất bại. Đa số do định kiến nên mang tâm lý mặc cảm, tự ti, tự thu hẹp phạm vi cuộc sống của bản thân khi ly hôn.

Sau 16 năm cam chịu cuộc sống bất hạnh bên người chồng không chung thủy, chị gái tôi chấp nhận rời bỏ cuộc hôn nhân trong tâm thế "cực chẳng đã". Ai cũng nghĩ chị sẽ suy sụp khi ly hôn, bởi để rời bỏ cuộc hôn nhân ấy, chị đã đau khổ, lưỡng lự trong một thời gian dài. Nhiều người cho rằng chị ly hôn thì "thất thế" nhiều lắm. Chị chẳng còn là "vợ sếp" đầy quyền lực, tiền tiêu rủng rỉnh, hết cảnh sống trong nhà biệt thự, dùng hàng hiệu. Bởi những thứ đó từ trước đến nay đều do chồng cho chị, nay không có anh, cuộc sống sung túc đó cũng không còn.

Nhưng, tôi không nhìn thấy ở chị hình bóng của một người phụ nữ thất bại sau ly hôn. Chị mất một tháng để thoát khỏi sự chông chênh khi hôn nhân đổ vỡ, sau đó đứng dậy rất nhanh. Chị bảo với tôi điều đầu tiên là phải đối diện với sự thật và chấp nhận sự thay đổi trong cuộc sống của bản thân. Hôn nhân đổ vỡ không có nghĩa là cuộc sống của chị dừng lại mà vẫn phải tiếp tục, hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Chị buông bỏ quá khứ đau khổ, học cách tha thứ những lỗi lầm của chồng cũ để họ có thể làm bạn bình thường, cùng nhau nuôi dạy con, tránh sự tổn thương cho chúng khi không còn sống trong gia đình đầy đủ bố mẹ. Sự hận thù với chồng cũ được buông bỏ, chị thấy tinh thần thoải mái, nhìn cuộc sống vui vẻ, lạc quan hơn.

Vấn đề tài chính là nỗi lo rất lớn đối với chị sau ly hôn. Bởi từ trước tới nay, chị sống trong sự bảo bọc, chu cấp đầy đủ của chồng. Vì thế khi ly hôn, chị yêu cầu anh phải đảm bảo quyền lợi tài sản mà mình được hưởng hợp pháp trong khối tài sản chung. Sau đó, chị nhanh chóng tìm việc làm. Cuộc sống vất vả nhưng niềm vui lao động, cầm những đồng tiền mình kiếm được khiến chị thấy giá trị của bản thân vẫn còn rất lớn. Người thân đều thừa nhận chị vững vàng, trưởng thành hơn sau ly hôn. Có lẽ vì thế mà chị tự tin tìm lại hạnh phúc cho mình.

Chị kể với tôi, trong vấn đề tái hôn, ai cũng nghĩ phụ nữ sau ly hôn không có quyền chọn lựa nhưng không phải thế. Chị chưa từng nghĩ sẽ chấp nhận một cuộc hôn nhân "chắp vá" được chăng hay chớ chỉ vì mình đã từng ly hôn. Người đàn ông đến với chị vẫn phải chọn lựa, tìm hiểu kỹ càng, bởi đó sẽ là người đàn ông "hoàn hảo" hơn chồng cũ, phải biết vị tha, đồng cảm, không để tỳ vết ly hôn của chị làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Và, chị đã tìm được người đàn ông như thế cùng với cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Từ câu chuyện của chị có thể thấy rằng, để mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn, phụ nữ phải nhận ra được giá trị của bản thân, có như vậy, họ mới tự tin tìm kiếm hạnh phúc mới. Còn nếu, họ tự nhận mình "mất giá", sống mặc cảm, tự ti thì sẽ đóng lại cánh cửa hạnh phúc khi hôn nhân đổ vỡ.

Lê Thị Bình (Tây Hồ, Hà Nội)

Những điều làm nên hạnh phúc sau ly hôn - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Hãy để con cái là động lực thúc đẩy hạnh phúc thay vì là rào cản

Có rất nhiều người khi ly hôn thừa nhận họ không tìm được hạnh phúc do rào cản từ con cái. Thế nhưng, cũng có nhiều người cho rằng nếu ly hôn văn minh, con cái sẽ là động lực thúc đẩy hạnh phúc thay vì là rào cản.

Chúng ta không thể phủ nhận những hệ lụy của ly hôn đối với con cái. Cũng bởi hệ lụy ấy mà những người cha, người mẹ thường lưỡng lự khi nghĩ đến ly hôn. Bởi việc chấm dứt cuộc sống hôn nhân của họ cũng đồng nghĩa với việc phá bỏ một tổ ấm gia đình của các con. Những đứa trẻ vô tội trong việc đổ vỡ tình cảm của bố mẹ. Hôn nhân chấm dứt, người trong cuộc rời đi trong tâm thế oán hận đối phương sẽ khiến những đứa con thiệt thòi, thiếu đi sự chăm sóc của cha/mẹ. Chúng sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực, phản ứng lại với việc cha/mẹ đến với người mới, khiến tổ ấm tái hôn khó hạnh phúc. Lại có những người cha, người mẹ vì không nỡ để con thiệt thòi khi mình bước tiếp nên chấp nhận cuộc sống đơn thân, đóng lại cánh cửa hạnh phúc hôn nhân mãi mãi.

Tuy nhiên, khi vợ chồng hết duyên, chia tay trong văn minh, con cái không bị tổn thương. Thực tế có những người tìm lại hạnh phúc sau ly hôn là nhờ từ chất xúc tác của con cái.

Khi chấm dứt hôn nhân, con gái tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ kết hôn, mà sẽ làm mẹ đơn thân đến hết đời. Một mặt, cháu sợ sẽ lặp lại cuộc sống hôn nhân bất hạnh thêm một lần nữa, mặt khác sợ con nhỏ thiệt thòi khi sống với cha dượng. Do đó, khi có người tìm hiểu, ngỏ lời kết hôn, cháu đều từ chối. Tâm lý làm cha mẹ, chúng tôi không nỡ để con sống cảnh đơn thân khi tuổi còn trẻ. Vợ tôi đã lấy đứa cháu ra để thúc đẩy con gái tôi tiếp tục mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn. Bà phân tích cho con gái hiểu rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có một gia đình đầy đủ, dù nhận được sự nuôi dưỡng tốt của người mẹ nhưng đứa bé vẫn rất cần tình yêu và vai trò của người cha. Nếu gặp được người đàn ông tốt, yêu mẹ, thương con thì hãy mở lòng đón nhận. Bấy giờ, không chỉ con gái tôi có hạnh phúc đôi lứa, mà cháu tôi cũng được sống trong gia đình yên ấm. Con gái tôi đã nghe theo lời mẹ và đón nhận hạnh phúc mới. Thật mừng, con đã tìm thấy bến đỗ hạnh phúc sau đổ vỡ, bên cạnh người chồng yêu thương con riêng của vợ như con con ruột của mình.

Vì vậy, tôi nghĩ muốn tìm lại hạnh phúc sau đổ vỡ, phụ nữ và đàn ông nên vượt qua rào cản con cái. Một tổ ấm tái hôn, có con chung, con riêng, cả hai phải cùng lấy lợi ích của con cái đặt lên hàng đầu để có những ứng xử đúng đắn, thì những đứa con sẽ giúp họ gắn kết hạnh phúc. Nếu họ để lợi ích những đứa trẻ ở phía sau, chúng sẽ là rào cản khiến hôn nhân bất hạnh thêm lần nữa.

TRẦN CÔNG SƠN
(Phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Kính mời bạn đọc viết bài tham gia thảo luận về vấn đề này. Những ý kiến thảo luận được đăng tải trên ấn phẩm báo Phụ nữ Thủ đô sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định hiện hành của tòa soạn. Bài thảo luận gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.