Nỗ lực vì cuộc sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực phối hợp các sở, ban, ngành, vận động nguồn lực; các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về bình đẳng giới, cải thiện môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Nỗ lực vì cuộc sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em - ảnh 1
Một buổi truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Hội LHPN Hà Nội tổ chức tại quận Đống Đa, tháng 12/2022 Ảnh: H.L

Phối hợp nhanh chóng, kịp thời để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
Vừa qua, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng, với sự tham gia của đại diện tổ chức Plan International Việt Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP, Tòa án nhân dân cấp cao TP, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố, cùng đại diện Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc, đại diện trường THCS... Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm; tham vấn ý kiến các chuyên gia, các ngành về giải pháp, trong tham gia giải quyết hiệu quả vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em. Các đại biểu cũng chia sẻ về hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng; công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh về phòng, chống bạo lực học đường và công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khi bị xâm hại; vai trò của các ngành trong tham gia giải quyết và tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm, khởi tố vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em…

Theo bà Đặng Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong thời gian qua, việc phối hợp thực hiện các chương trình phòng ngừa, trợ giúp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Đặc biệt, công tác phòng ngừa có hiệu quả ngay tại cộng đồng. Bà Hà dẫn chứng, tính từ đầu năm đến 30/11/2022, Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (2 cơ quan thuộc Sở LĐTBXH) đã tiếp nhận 117 vụ bạo lực giới, bạo lực gia đình, trong đó hầu hết là các vụ việc liên quan đến bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. 100% nạn nhân đều đã được tư vấn, can thiệp và trợ giúp bằng nhiều hình thức, giúp ổn định sức khỏe, tâm lý, cuộc sống, học tập và hòa nhập cộng đồng. 

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho biết, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, giữa điều tra viên và kiểm sát viên rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, lãnh đạo cơ quan điều tra và viện kiểm sát phải chỉ đạo có sự phối hợp ngay từ đầu, thống nhất các biện pháp điều tra, truy tìm dấu vết… nhằm đảm bảo hoạt động điều tra vừa đi đúng hướng, vừa trong thời gian nhanh nhất, giúp làm rõ được thủ phạm, hành vi đã thực hiện và các vấn đề liên quan.

Phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ
Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, những năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tham gia cùng với các ngành, các cấp bảo vệ trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Điển hình như tại Hội LHPN huyện Ứng Hòa. Trong năm qua, các cấp Hội LHPN huyện đã vận động nguồn lực, phối hợp lồng ghép tổ chức 87 cuộc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho hơn 9.000 lượt cán bộ, hội viên; phối hợp tổ chức 8 buổi tập huấn cho hơn 1.000 học sinh về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Luôn xem giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ là nội dung quan trọng, Hội LHPN huyện đã tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động 72 CLB gia đình văn minh hạnh phúc, 34 CLB Phụ nữ với pháp luật, phòng chống ma túy… 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, từ năm 2018 đến nay, thực hiện chương trình phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thực hiện dự án Thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái tại 5 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Ứng Hòa; tổ chức 32 lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ hội và ban, ngành liên quan kiến thức giới, phòng, chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; tổ chức 8 cuộc truyền thông; 9 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn; 6 cuộc thi trực tuyến nâng cao nhận thức phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; hoàn thiện lắp đặt và đưa vào sử dụng 10 sân chơi tại 4 quận, huyện; trao tặng 20 tủ sách cho các nhà văn hóa khu dân cư, thôn…

Đây là những tín hiệu tích cực để hy vọng năm 2023, sẽ có nhiều cải thiện hơn nữa trong xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.