Tổ ấm của "bàn tay vàng" ngành mổ tim Việt Nam

Chia sẻ

GS. BS Đặng Hanh Đệ là học trò được yêu quý nhất của cố GS Tôn Thất Tùng, là một bác sĩ mẫu mực, y đức vẹn toàn, được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong ngành phẫu thuật tim ở Việt Nam. Phía sau những thành công đó, GS Đặng Hanh Đệ còn có một tổ ấm hạnh phúc khiến nhiều người mơ ước.

Tâm huyết với nghề “Lương y như từ mẫu”

GS.BS Đặng Hanh Đệ, sinh năm 1936, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về nghề y. Cụ thân sinh là bác sĩ Đặng Hanh Kiên - một trong những bác sĩ giỏi trong khóa y sỹ Đông Dương ngày trước. Trong số 6 anh chị em, 4 người theo nghề y dược. Bác sĩ Đệ là con út, đóng góp nhiều thành tựu cho lĩnh vực phẫu thuật tim trong nước.

GS Đặng Hanh Đệ cho rằng, ông may mắn bởi ngay từ những năm đầu vừa ra trường đã được phụ mổ và được GS Tôn Thất Tùng - nhà phẫu thuật đại tài của Việt Nam và thế giới chỉ dạy. “Ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam do GS Tôn Thất Tùng thực hiện, dưới sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia Liên Xô do GS. Libov dẫn đầu (lúc đó sang Việt Nam giúp bác sĩ nước ta mổ tim). Bệnh nhân bị hẹp van tim 2 lá. Ca mổ đã thành công. Lần ấy, Bác Hồ đã đến bệnh viện Việt Đức thăm bệnh nhân và động viên, khen ngợi các thầy thuốc” - GS Đặng Hanh Đệ nhớ lại.

Năm 1963, GS. BS Đặng Hanh Đệ lần đầu tiên thực hiện ca mổ hẹp van hai lá. Thành công này đã khích lệ ông rất nhiều trên con đường “lương y như từ mẫu”. Năm 1965, BS Đệ cùng một số bác sĩ bệnh viện Việt Đức được cử sang bệnh viện Phúc Ngoại, Thượng Hải để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, sau đó về thực nghiệm mổ trong nước với máy tim phổi.

Dưới sự hướng dẫn của GS Tôn Thất Tùng, BS Đặng Hanh Đệ cùng các đồng nghiệp bắt tay vào cuộc mổ thực nghiệm với khát vọng sử dụng thành thạo máy tim phổi trong các cuộc phẫu thuật trên bệnh nhân. Sau nhiều cuộc mổ vừa nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng, ca mổ đầu tiên thực hiện trên người đã tiến hành thuận lợi, mở ra một chân trời mới cho ngành phẫu thuật tim mạch của Việt Nam.

Biết tin, Bác Hồ đích thân đến thăm bệnh nhân và chia vui với các thầy thuốc. Những năm leo thang bắn phá miền Bắc, cả Hà Nội phải đi sơ tán về các quận, huyện lân cận. BS Đặng Hanh Đệ cùng cố GS Tôn Thất Tùng và các đồng nghiệp đã cứu sống hàng trăm nghìn đồng bào bị thương do bom đạn của địch.

Đến tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Một lần nữa, BS Đặng Hanh Đệ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cứu chữa nạn nhân và thương binh. Ở nhà, bà Lê Lan Phương nghe tin xe chở đoàn bác sĩ bị lao xuống vực, tử vong hết, đã khóc cạn nước mắt. Một tuần sau, khi công việc ổn định, BS Đặng Hanh Đệ mới gọi điện về nhà.

Vợ chồng mừng mừng, tủi tủi. Suốt một tháng ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn của một phòng mổ dã chiến miền biên giới, nhóm bác sĩ do BS Đặng Hanh Đệ phụ trách chuyên môn, lấy bệnh xá huyện làm cơ sở điều trị, kết hợp với Tiểu đoàn Quân y để có nhân lực phục vụ; đã sơ cứu và mổ hàng trăm ca để cứu chữa nạn nhân và thương binh qua khỏi cơn hiểm nghèo.

Suốt những năm cống hiến, BS Đệ vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu mà Nhà nước đã trao tặng: Nhà giáo Nhân dân (năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vợ chồng GS.BS Đặng Hanh Đệ bên con cháu 	Ảnh: NVCCVợ chồng GS.BS Đặng Hanh Đệ bên con cháu  Ảnh: NVCC

Tình yêu đi cùng năm tháng

Vợ chồng GS.BS Đặng Hanh Đệ năm nay đều đã gần 90 tuổi. Hơn 60 năm “đầu gối, tay ấp”, vượt qua những khó khăn, thử thách nhưng tình nghĩa của ông bà vẫn vẹn nguyên, son sắt. Có lần, chia sẻ trên truyền hình, GS Đệ nói: “Vợ tôi tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân. Thế mà từ khi yêu nhau đến giờ, tôi chưa bị vợ tiêm mũi thuốc mê nào nhưng vẫn mê vợ cả đời”. Với bà Phương, đây không chỉ là một lời khen, mà còn là lời tỏ tình tuyệt vời nhất, vừa yêu thương, vừa trân trọng.

Với BS Đệ, bà Phương không chỉ là một người vợ, người mẹ luôn hy sinh vì chồng con mà còn là dâu thảo của bố mẹ chồng. Bà làm tròn trách nhiệm của dâu con chăm sóc cha mẹ già lúc ốm đau, giữ trọn đạo hiếu. Lần giở cuốn sổ ghi các bài thơ của gia đình, bà Phương từng viết cho các con: “Trong bữa cơm đầu tiên của đại gia đình khi mẹ về làm dâu, bà nội đã đọc ba bài thơ của ông nội, cụ nội và của bà.

Tối hôm sau, cũng trong bữa cơm, mẹ đọc lại bài họa của mình”. Bài họa của bà Phương nói về nền nếp gia phong và đạo lý dâu con trong gia đình, trong đó có câu: “Những lời mẹ dạy chẳng quên đâu/ Phụ mẫu gương xưa nắng đẹp màu/ Bên hiếu, bên tình không chênh lệch/ Sinh thành báo đáp vẫn ghi mau/ Ngày đông con cháu vui sum họp/ Sức trẻ tuổi già thọ vững lâu…”. Những lời thơ như nhắc nhở bản thân và lời răn dạy con cháu “vẹn chữ tình, tròn chữ hiếu” trong gia đình.

Đằng sau một người đàn ông thành đạt là bóng dáng của một người phụ nữ khéo léo. Bà Phương luôn là hậu phương vững chắc, chỗ dựa quan trọng của gia đình trong những năm tháng vô cùng vất vả để BS Đệ yên tâm đóng góp cho ngành y, cho xã hội. Hai vợ chồng BS Đệ có hai người con đã yên bề gia thất, con cháu đều thành đạt. Giờ đây, gần 90 tuổi, hai ông bà vẫn dành cho nhau những cử chỉ ngọt ngào, âu yếm. Đi đâu, làm gì dù là việc riêng hay việc chung, hai ông bà vẫn đưa nhau đi. Nói về tình yêu nồng nàn vượt thời gian đó, BS Đệ mỉm cười: “Cuối đời, chỉ còn một thứ ở lại: là tình yêu”.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.