Trách nghiệm với nhà nội, nhà ngoại: “Cân” sao cho bằng

Chia sẻ

Những món quà, món tiền biếu tặng bố mẹ hai bên vốn dĩ xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo của con cái, dâu, rể. Nhưng khi nó được đặt lên bàn cân, lại trở thành căn nguyên xô lệch tình cảm vợ chồng.

Báo hiếu, yêu thương, kính trọng tứ thân phụ mẫu là trách nhiệm của nam nữ khi kết hôn. (Ảnh :Int)Báo hiếu, yêu thương, kính trọng tứ thân phụ mẫu là trách nhiệm của nam nữ khi kết hôn. (Ảnh :Int)

1Tôi gặp vợ chồng chị Ánh, anh Tú (Thường Tín, Hà Nội) khi họ được Tòa mời lên làm công tác hòa giải trong vụ án ly hôn. Trong đơn ly hôn được cả hai đồng thuận ký gửi đến tòa ghi rõ nguyên nhân chính khiến hôn nhân đổ vỡ là mâu thuẫn vợ chồng trong chuyện ứng xử, "báo hiếu" giữa nhà nội và nhà ngoại. Họ đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này nên nảy sinh nhiều bất đồng, cãi vã khiến vợ chồng cạn tình, cạn nghĩa.

- Anh ấy là người rất ích kỷ, luôn coi trọng nhà nội hơn nhà ngoại. Việc bên nhà nội, anh luôn bắt tôi phải quan tâm từng tý một, trong khi việc nhà ngoại anh lại đứng ngoài cuộc trong tâm thế “rể là khách”. Những ngày giỗ Tết bên nhà chồng, anh đều "xung phong" gánh vác hết. Tôi đã lo chu toàn mọi việc theo ý chồng và nghĩ việc bên nhà ngoại, anh cũng ứng xử như vậy. Thế nhưng, khi tôi mang tiền về lo công chuyện bên nhà ngoại, anh không bằng lòng, bảo con gái xuất giá rồi thì chỉ lo việc nhà chồng, việc nhà ngoại không nên tham gia vào - chị Ánh bức xúc kể tại buổi hòa giải.

Theo chị Ánh, khi vợ thực hiện trách nhiệm làm con, báo hiếu bố mẹ thì anh Tú tỏ ra khó chịu. Nhiều lần, chị minh bạch chuyện hiếu thảo giữa bố mẹ hai bên, chị biếu nhà nội bao nhiêu thì cũng biếu nhà ngoại bấy nhiêu. Tuy nhiên, anh Tú chỉ vui vẻ khi đem tiền, quà về bên nhà nội, còn khi chị đem về bên nhà ngoại, anh lại móc mỉa đủ điều. Kết quả là lần nào hai vợ chồng cũng cãi nhau khiến cho những món quà chị mang biếu nhà ngoại luôn trong tình trạng mất lòng nhau.

Anh Tú cho rằng ứng xử với gia đình bên nội, bên ngoại theo phương châm "dâu con, rể khách" là đúng đắn. Mọi việc trở nên trầm trọng dẫn đến vợ chồng phải ly hôn là do chị Ánh không sống đúng như thế.

Vị hòa giải viên viện dẫn cho anh về trách nhiệm "trai lo nhà vợ, gái lo nhà chồng" trong gia đình. Khi chị Ánh làm tốt nhiệm vụ "gái lo nhà chồng", sao anh lại không làm tròn việc "trai lo nhà vợ". Cách ứng xử thiên vị, coi trọng bên nội, xem nhẹ bên ngoại của anh mới là nguyên nhân chính khiến cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ, chứ không xuất phát từ việc chị Ánh bao đồng việc nhà ngoại khi đã lấy chồng.

2Tròn 20 năm làm dâu, chị Nguyễn Thu Yến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói về việc cân bằng trách nhiệm giữa nhà nội với nhà ngoại để vợ chồng trong ấm ngoài êm, trong sự "biết ơn" đối với người chồng của mình.

- Nếu nhìn vào, ai cũng thấy sự đối xử "bất bình đẳng" giữa nhà nội và nhà ngoại của chồng tôi. Anh ấy đặc biệt quan tâm bố mẹ vợ rất chu đáo, trong khi có phần "lơ là" đối với bố mẹ đẻ. Mỗi dịp lễ Tết, anh ấy chủ động đi mua quà gửi về quê biếu bố mẹ vợ trước, sau đó mới làm điều đó với bố mẹ đẻ. Mỗi khi bố mẹ vợ khó khăn, cần con cái hỗ trợ về vật chất, anh "xung phong" gửi về đầu tiên. Ngược lại, trong gia đình bên nội, anh họp gia đình, phân chia trách nhiệm cho mỗi người, công khai đóng góp phần của mình rất minh bạch. Thế nhưng, gia đình bên chồng tôi chưa một lần có điều tiếng về chuyện anh "trọng" nhà ngoại hơn nhà nội ấy. Thậm chí bố mẹ chồng tôi còn rất ủng hộ con trai làm việc đó - chị Yến nói.

Bà Thanh, mẹ chồng chị Yến kể rằng hàng xóm cũng có lắm người bảo con trai bà "đội nhà vợ lên đầu". Thế nhưng, 20 năm qua, bà luôn ủng hộ cách ứng xử của con trai đối với nhà vợ. Bởi kể từ ngày chị Yến về làm dâu trong nhà bà, lúc nào cũng hiếu thảo với bố mẹ chồng. Nhìn bề ngoài, ông bà khỏe mạnh, hiếm khi ốm đau vào viện, con cái chẳng phải phục vụ nhiều. Nhưng để có được điều đó là nhờ vào sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày của con dâu. Con trai bà luôn bảo nếu bố mẹ vợ cũng được con gái chăm sóc như thế thì chẳng phải ốm đau nhiều. Đó là lý do ông bà ủng hộ việc con trai quan tâm, chăm sóc bố mẹ vợ chu đáo.

Chuyện con trai mang vật chất về xây dựng cho bên nhà vợ nhưng lại tính toán, phân chia tiền trách nhiệm chăm sóc bố mẹ đẻ với các anh chị em, theo bà Thanh, đó là cách ứng xử "có tình có lý". Nhà thông gia của bà kinh tế khó khăn, chị Yến là con gái cả, em trai chưa trưởng thành. Trong hoàn cảnh "bố mẹ già con cọc", họ rất cần sự hỗ trợ từ vợ chồng con gái. Vậy nên, con rể hiếu thảo quan tâm, hỗ trợ bố mẹ vợ là điều nên làm. Nhà bà có ba con trai, vợ chồng chị Yến sống cùng ông bà. Vợ chồng con trai thứ, út sống riêng bên ngoài. Ban đầu, cả hai cặp vợ chồng đều ỷ lại vợ chồng anh cả, sao nhãng trách nhiệm với bố mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần, tỵ nạnh, so bì nhau, khiến anh chị em mất đoàn kết. Vì thế, con trai cả đã dùng đến cách chia đều các khoản đóng góp để các em có ý thức về trách nhiệm của mình đối với bố mẹ. Bằng sự công bằng, bình đẳng đó, chữ hiếu của các con bà luôn được giữ gìn, anh em hòa thuận, yêu thương lẫn nhau.

Hóa ra, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhà nội, nhà nội không thể đặt lên bàn cân để xem bên nào nặng hơn, bên nào nhẹ hơn. Với mỗi bậc cha mẹ, con trai hay con gái đều bình đẳng, yêu thương như nhau. Vì thế, trách nhiệm của con cái, bất kể là trai hay gái, dâu hay rể đều phải yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi già yếu, ốm đau, quan tâm trong cuộc sống hàng ngày. Nếu mỗi thành viên đều nhìn nhận vấn đề ứng xử nhà nội, nhà ngoại theo góc độ yêu thương, tôn trọng thì sẽ không có chuyện nặng, nhẹ bên nào. Còn nếu vợ chồng, cha mẹ, anh em đã tính toán đặt lên bàn cân để phân bì thiệt hơn, kết quả sẽ là đạo hiếu xuống cấp, tình thân tương tàn.

HẠ THỊ

Tin cùng chuyên mục

Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.