Trút hận chồng cũ sang con

Giang Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ly hôn đã nhiều năm nay nhưng mỗi lần nghĩ đến chồng cũ chị lại bừng lên oán hận. Hàng ngày nhìn con trai càng lớn càng giống chồng cũ như đúc, nỗi đau trong chị âm ỉ theo, cứ thế chị trút nỗi oán hận người đàn ông bội bạc ấy sang đứa con vô tội.

Người chồng tệ bạc

Năm 23 tuổi, chị gặp anh trong buổi tiệc sinh nhật của cô bạn thân. Tình cảm của họ nảy sinh nhanh chóng bởi sự kết nối theo hướng “ông tơ bà nguyệt” se duyên của người bạn thân. Bấy giờ, anh là người đàn ông ga lăng, hào hoa nên đi đến đâu “được lòng” phụ nữ đến đấy. Chị xem ưu điểm đó của anh là niềm tự hào thay vì lo lắng, bởi ngoài kia dù có nhiều cô gái đẹp đi chăng nữa thì người mà anh chọn yêu vẫn là chị. Do đó, chị tự tin mình có mặt mạnh riêng hơn hẳn tất cả các cô gái khác để níu giữ trái tim anh.

Đám cưới của họ tổ chức khi tình yêu đã chín muồi. Cưới xong, gia đình chồng cho anh chị dọn ra ngoài sống riêng theo ý muốn. Bố mẹ chồng ngoài mặt bảo ủng hộ các con sống riêng cho thoải mái vì không muốn sự khác biệt của hai thế hệ gây mẫu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu; nhưng thực chất là ông bà muốn trút nỗi phiền muộn về đứa con trai lâu nay cho vợ của nó. Chị không hiểu được nội tình nên rất cảm kích việc bố mẹ chồng ủng hộ việc sống riêng của mình.

Căn hộ nhỏ được bố mẹ hai bên góp tiền mua cho trở thành tổ ấm lý tưởng của vợ chồng chị. Làm vợ, chị hết lòng vun vén gia đình khiến nhà chồng rất hài lòng về nàng dâu “đẹp người đẹp nết”. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân màu hồng chỉ được thời gian đầu, sau đó, chị mới phát hiện chồng mình chẳng phải là người đàn ông như lâu nay vẫn kỳ vọng, tin tưởng.

Trút hận chồng cũ sang con - ảnh 1
Ảnh minh họa

 Hóa ra, trước khi cưới chị, “ưu điểm” hào hoa ga lăng của anh để lại hậu quả không ít. Thỉnh thoảng lại có vài ba cô gái tìm đến nhà gặp bố mẹ anh để “ăn vạ” khiến ông bà vất vả giải quyết chuyện tình trường của con trai. Và một trong số các cô gái “dính bẫy hào hoa” của anh đã không kịp giải quyết hậu quả phải sinh con ngoài ý muốn, làm mẹ đơn thân nuôi con một mình bởi anh chẳng thừa nhận trách nhiệm.

Cô gái đó sau khi sinh con, cầm kết quả xét nghiệm AND đến gặp bố mẹ anh để con nhận ông bà tổ tiên. Cực chẳng đã, ông bà đành nhận cháu nhưng chẳng thể nhận dâu vì con trai nhất định không chấp nhận chuyện cưới hỏi. Thế là hàng năm, ông bà bí mật gửi một số tiền cấp dưỡng nuôi cháu, coi như bù đắp lại sự tồi tệ của con trai mình. Họ chẳng muốn công khai việc đó vì sợ ảnh hưởng đến việc lấy vợ của con sau này.

Thời điểm chị mang thai sinh con đầu lòng cũng là lúc độ ga lăng của anh lại “phát tác” dẫn tới một cuộc tình bí mật bên ngoài. Tuy nhiên, người phụ nữ mà anh cặp kè lần này không nhu nhược nhận phần thiệt thòi về mình như những cô gái trước đây. Chị ta tìm đến nhà đòi hỏi danh phận và kinh tế, lên tận cơ quan anh tố cáo chuyện mình bị lừa tình. Kết quả, danh dự, hạnh phúc gia đình của chị bị ảnh hưởng nặng nề. Nỗi đau bị chồng phản bội chưa kịp lắng xuống thì chị tiếp tục nhận tiếp cú sốc khi anh mang giấy tờ nhà đi cầm cắm để lấy tiền hùn vào mua nhà xây tổ ấm thứ hai với tình nhân bên ngoài.

- Những sự việc đó cứ dồn dập diễn ra khiến tôi không thể nào cam chịu được nữa. Thế nhưng, khi tôi bảo vệ đòi quyền lợi thì anh ta lại dùng bạo lực đàn áp lại. Tôi không chỉ bị chồng bạo lực thể xác, mà còn bị bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế. Điều đó khiến cuộc sống của tôi như chìm xuống địa ngục – chị kể.

Chẳng thể chịu đựng được người chồng tồi tệ ấy, chị làm đơn ly hôn, mang con bước ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Mấy năm làm vợ anh, chị nhận về nỗi tổn thương nặng nề, tài sản cũng chẳng có là bao. Cũng may, bố mẹ và anh chị em yêu thương nên gom góp mua cho mẹ con chị căn hộ trong khu tập thể cũ để mẹ con chị có chốn nương thân.

Bất mãn trút hận lên con

Dù đã thoát khỏi cuộc hôn nhân nhưng bao nhiêu năm nay lòng oán hận đối với chồng cũ vẫn chẳng nguôi ngoai trong lòng chị. Cứ mỗi lần ai đó nhắc đến chồng cũ là chị lại bừng lên nỗi oán hận và tìm cách trả đũa lại. Chồng cũ dù lăng nhăng có con riêng bên ngoài nhưng đều là con gái. Do đó, con trai chị vẫn là đứa cháu trai đích tôn, độc nhất của gia đình chồng cũ. Chị biết, anh ta vẫn rất nặng lòng với đứa con trai này nên vẫn tìm cách để nó luôn nhớ về “cội nguồn”.

Vì thế, chị tìm mọi cách không để anh ta tiếp xúc với con, đồ đạc, quà bánh anh ta gửi đến cho thằng bé, chị đều trả lại. Hàng ngày, chị cấm con nhắc đến bố, áp đặt nó phải xem như nó không có bố trên cuộc đời này nữa. Đồng thời, chị cũng gieo vào đầu nó những điều xấu xa về người bố tồi tệ, để thằng bé cũng căm ghét anh ta giống như chị.

Thế nhưng dù oán hận chồng cũ thế nào, chị cũng chẳng ngăn cản được tình cảm của bố mẹ chồng cũ đối với cháu nội. Bởi từ đầu đến cuối, họ vẫn đối xử với chị rất tốt, yêu thương cháu nội rất mực. Kể cả việc chị ly hôn, muốn toàn quyền nuôi con, họ cũng ủng hộ. Điều họ mong muốn nhất là chị sống tốt để nuôi dạy cháu nội của họ nên người. Vì vậy, chị vẫn tạo điều kiện để con gặp gỡ, nhận sự chăm sóc của ông bà nội.

Chị không biết chính điều này đã tạo cơ hội để ông bà nội thằng bé “nhắc nhở” cháu nhớ về bố của nó, luôn nhớ về cội nguồn của mình. Thế là, dù bị mẹ cấm đoán không được liên quan đến bố nhưng trong lòng thằng bé vẫn âm thầm nhớ về bố.

Trút hận chồng cũ sang con - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sau ly hôn, chị không nghĩ đến chuyện tái hôn bởi vết thương đổ vỡ của cuộc hôn nhân bất hạnh vẫn chưa thể lành được. Hai năm nay, chồng chị tái hôn, có cuộc sống hôn nhân mới. Nhìn bề ngoài, anh ta có gia đình êm ấm, đây là điều khiến chị càng thêm oán hận chồng cũ. Nỗi oán hận ấy cứ lớn dần lên khi đứa con trai mỗi ngày một lớn giống bố nó như đúc từ ngoại hình đến các sở thích ăn uống.

Mỗi ngày trở về nhà với bao nỗi mệt mỏi, chị nhìn con lại nhớ đến nỗi đau chồng cũ gây ra cho mình, và thế là bao nỗi bức xúc cứ thế bộc phát. Chị mắng con trai theo kiểu “giận cá chém thớt”. Trong mỗi lời đay nghiến con, chị đều đưa chồng cũ ra để trút hận. Thằng bé vô tội luôn phải hứng chịu những lời nói cay nghiệt từ mẹ kiểu như: “Mày không nghe mẹ rồi lại đổ đốn giống như người bố tồi tệ, vô lương tâm kia thôi con ạ”; “Bố mày đã chẳng ra gì rồi, mày lại còn thế này thì làm sao mẹ sống nổi”; “Con không nghe mẹ thì lớn lên lại giống như cái đồ đàn ông phản bội vợ con, tồi tệ chả ra gì như bố mày”; “Sao mày lại giống bố mày, tệ thế hả con?”…

Chiều hết giờ làm trở về, chị chờ mãi vẫn không thấy con trai tan học về nhà như thường lệ. Nhà gần trường học nên hàng ngày thằng bé vẫn tự đến trường một mình, thỉnh thoảng ông bà nội, ngoại nhớ cháu thì đến đón cháu về bên đó ăn cơm. Thế nhưng hôm nay chị gọi điện sang cho ông bà ngoại lẫn ông bà nội thằng bé xem có ai đón cháu về bên đó thì tất cả đều bảo không. Điều này khiến chị chột dạ chạy vội đến trường học hỏi lại bác bảo vệ thì được biết thằng bé đã rời trường từ chiều như thường lệ.

Bấy giờ chị hốt hoảng đi tìm con, đến tối mịt mới thấy con ngồi thu lu một mình ở ghế đá công viên gần nhà. Lý do thằng bé không dám về nhà là bởi hôm nay nó nhận được món quà sinh nhật của bố gửi đến trường cho mình. Đó là bộ đồ chơi điện tử rất đẹp, nó mang ra chơi trong giờ học bị cô giáo phát hiện ghi vào sổ kỷ luật của lớp. Do lo sợ cô giáo báo với mẹ, nhất là món đồ chơi lại liên quan đến bố, nó không dám về nhà.

Hôm đó, nhìn thấy con co quắp sợ hãi ở ghế đá công viên, lồng ngực chị muốn vỡ tung. Từ bao giờ chị lại thành hung thần đối với con thế này. Rồi chị nghĩ, nếu thằng bé được nhận món quà bố nó tặng công khai và được chơi món đồ đó tại nhà thì sẽ không có chuyện nó nhận ở trường và chơi trong lớp bị cô giáo phạt. Và, nó cũng không phải trải qua nỗi sợ bị mẹ mắng chửi đến nỗi không dám về nhà. Cũng may thằng bé chưa xảy ra chuyện gì, nếu không cả đời này chị không thể tha thứ cho bản thân.

Có lẽ đã đến lúc chị cần nhìn nhận lại mình để điều chỉnh cuộc sống của hai mẹ con. Ít nhất, từ hôm nay, thằng bé sẽ không bị mẹ mắng mỏ kiểu “giận cá chém thớt” và bị ngăn cấm trong việc gặp gỡ với bố. Và chị, cũng đến lúc buông bỏ nỗi hận chồng cũ để mở lòng với cuộc sống mới sau ly hôn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.
Ở cữ... cùng vợ!

Ở cữ... cùng vợ!

(PNTĐ) - Quỳnh Trang (26 tuổi, kinh doanh online tại Hà Nội) hào hứng cho biết: “Dân gian cứ bảo kiêng này kiêng kia nhưng với chồng mình, anh xin nghỉ làm hẳn 1 tháng để ở nhà chăm vợ đẻ. Sinh xong cuộc sống của mình trở nên stress, dễ cáu gắt, dễ nóng giận. Nhưng may mắn, mình luôn có anh bên cạnh động viên, an ủi”.
Gia đình nhiếp ảnh gia 4 đời lưu giữ ký ức Hà Nội

Gia đình nhiếp ảnh gia 4 đời lưu giữ ký ức Hà Nội

(PNTĐ) - Trong nhiều thập niên, phố Hàng Khay, đối diện hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một “phố nhiếp ảnh” của Hà Nội. Nằm trên con phố ấy có hiệu ảnh Phương Đông đã hoạt động được 70 năm, nối tiếp qua 4 thế hệ. Gia sản lớn nhất của họ là những âm bản hình ảnh Hà Nội từ những năm 1950 và vô vàn bức ảnh về vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm tuổi.