Vì không “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”
ĐSGĐ-Tôi biết thế nào các bạn cũng cho rằng tôi nói ngoa, nói điêu, nói gian, đổ tiếng xấu cho vợ, kể tội vợ để che lấp tội lỗi của mình khi nghe tâm sự của tôi...
Nhưng thôi, chẳng sao, các bạn nghĩ thế nào là quyền của các bạn. Tôi chỉ tâm sự cho vơi nỗi niềm của một anh chồng có người vợ chỉ “để đấy” mà đành cắn răng chịu đựng.
Tôi là giảng viên đại học, quê tỉnh lẻ, từ bé đã quen sống tự lập. Năm ba hai tuổi, tôi đã là giảng viên đại học, có một căn nhà chung cư không lớn nhưng gọn gàng, ấm áp. Tôi đang dự định làm luận văn tiến sĩ, nhưng đành lùi lại vài năm vì bố mẹ tôi thúc giục tôi lấy vợ, bởi bố tôi ốm yếu quanh năm, mẹ tôi cũng già, các cụ chỉ muốn tôi yên bề gia thất và sớm có cháu cho các cụ bế. Tôi nghĩ thế cũng phải…
Tôi cưới vợ là cô sinh viên của tôi, kém tôi 10 tuổi, là con gái thành phố. Thật ra lỗi cũng tại tôi. Lần tôi dẫn đoàn sinh viên đi thực tập ở một tỉnh xa, không hiểu thế nào mà thầy trò tôi đến với nhau quá dễ dàng, khác hẳn với sự cẩn thận, tính toán của tôi. Tôi cưới cô ấy là do “bác sĩ bảo cưới”, ngay sau khi vợ tôi tốt nghiệp đại học.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vợ tôi không biết nấu ăn, vì lúc còn nhỏ đi học, mẹ cô bảo không cần cô làm gì, cứ học cho giỏi. Đến khi lấy tôi, cô ấy biết nấu mấy món quen thuộc là mì tôm úp nước sôi, luộc trứng, canh cà chua đập trứng vào. Khi cô ấy sinh con và nuôi con nhỏ, tôi là người nội trợ, nghĩ rằng sau này cô ấy sẽ học dần. Nhưng rồi do lười, do được chiều, cô ấy không học hỏi gì cả, tất cả ỉ lại cho tôi. Hôm nào tôi không vào bếp thì sẽ được ăn các món mua sẵn ở chợ như thịt: quay, lòng lợn luộc sẵn, dưa muối mua sẵn và xúc xích nướng xiên que. Hơn chục năm rồi, cô ấy không tiến bộ chút nào, đến giờ cô ấy cũng chỉ biết làm thêm món gà luộc, ấy là khi đã mua gà ở chợ, nhờ người ta rửa sạch, đem về chỉ bỏ vào nồi đun thôi. Vậy mà cũng chẳng đâu vào đâu. Hôm thì con gà to quá, cô ấy không đảo cho gà chín đều, nên khi đem gà ra chặt, nửa chín, nửa sống. Hôm thì gà chín kỹ quá, do cô ấy mải lướt phây búc, khi đem gà ra, thịt đã rơi lả tả, phải dùng kéo cắt con gà thành từng mảnh to, chứ không chặt được vì thịt nát.
Thôi, nấu ăn vợ đoảng có chồng đỡ hoặc mua đồ ăn sẵn, chứ việc cô ấy vô tích sự trong chăm sóc con cái, thật khó đỡ. Thằng nhỏ nhà tôi đên giờ cũng chưa biết nhai, chỉ ăn được đồ nấu nát hoặc uống sữa, dù nó đã học lớp 5. Lần nào gặp giáo viên chủ nhiệm của con tôi cũng bị cô phàn nàn: “Thằng cu nhà anh sao thế, lớp năm rồi mà chỉ ngậm thức ăn, nếu có chan canh thì cháu cũng chỉ mút canh mãi mới nuốt được một miếng”. Nó được nuôi bằng sữa bú bình và tất cả bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Nó là sản phẩm của các loại thử nghiệm, hết nuôi con kiểu Nhật lại nuôi con kiểu Ý. Thức uống của nó là sữa tươi và coca. Hồi nhỏ tôi bận không để ý, khi con lớn một chút, thấy con ăn khổ sở, tôi đành tham gia lo bữa cho con, nhưng đã muộn. Thói quen chỉ bú, nuốt chửng chứ không biết nhai của con tôi đã quá nặng, mãi không sửa được. Chính vì thế, khi con cái nhà khác say mê các món gà rán KFC hay BBQ, con tôi vẫn chỉ biết ăn cháo sườn ninh nhừ. Mỗi khi cả nhà đi ăn nhà hàng, tôi rơi nước mắt thương con vì thấy thằng bé lúng búng ngậm, nhằn từng tí thức ăn như một ông già móm răng.
Lười học, lười làm, ỉ lại vào người khác, nên cho đến giờ cô ấy cũng chỉ làm những việc linh tinh, chứ chẳng làm được ở cơ quan nào cho ra hồn. Tôi có ít tiền tiết kiệm, định sửa nhà, cô ấy bí mật rút ra để nướng vào đa cấp. Khi “chết vì đa cấp”, cô ấy lại chung với một cô bạn mở quán “trà đạo”, hy vọng ít vốn mà lời nhiều. Khi thấy vợ và cô bạn bàn bạc chuyện mở quán, tôi đã góp ý rằng, xung quanh quán toàn là khu dân nghèo, sống bằng việc cho sinh viên thuê nhà trọ, nền tảng văn hóa cũng ở mức trung bình kém, cốt ăn nó, uống đủ, không ai mê mộ món “trà đạo” đâu, thì cô ấy bảo tôi: “không ủng hộ vợ làm ăn”. Mua sắm bàn ghế, đồ nghề, thuê nhà gần trăm triệu, được đúng một tháng thì sập tiệm. Tuần đầu có khách là do người quen, chủ yếu của tôi, ra uống ủng hộ. Sau hết khách…
Vụng làm, vụng nuôi con, vụng việc nhà, nhưng cô ấy cũng rất biết cách giữ dáng, làm đẹp. Tối tối cô ấy dành hai tiếng đi tập ở phòng gym, khuya về nhảy uỳnh uỵch trong phòng ngủ, tắm xong thì lôi mặt nạ ra đắp. Sợ béo, cô ấy bắt tôi ăn kiêng cùng. Sáng uống nước cà chua, cà rốt ép, trưa ăn nửa bát cơm, nửa bát rau, ăn muối vừng nhạt và tối thì có thể… nhịn. Đầu giường của hai vợ chồng đủ các loại chai lọ, nào là tảo xoắn, collagen, nào là thuốc “tạm biệt tàn nhang, xua tan vết nám”. Được ngày nghỉ, tôi muốn vợ chồng nấu ăn, mời bạn bè của tôi hay của cô ấy đến chung vui, thỉnh thoảng mời ông bà ngoại đến tụ tập, thì cô ấy bảo phải đi họp mặt bạn bè đi… “giải stress”. Tôi phì cười, hỏi cô ấy làm sao mà phải giải stress”. Việc này chỉ dành cho những người lao động trí óc, căng thẳng, mệt mỏi, nhiều sức ép, chứ không phải cứ tụ tập ăn uống, lang thang thì gọi là “giải xì trét” đâu. Vậy mà cô ấy vẫn… dứt áo ra đi. Cản không được, mắng không xong, đánh không nỡ, tôi đành đưa cậu con đi ăn ngoài.
Nói ra thì ngại, nhưng không nói thì ấm ức, đó là chuyện “thầm kín vợ chồng”. Chưa bao giờ cô ấy chủ động trong việc chăn gối (trừ lần còn là sinh viên, khi hai thầy trò đi thực tập cùng nhau). Cô ấy đáp ứng chồng một cách lạnh nhạt và có nhiều kiêng kỵ khắt khe. Không bao giờ vợ chồng được vui vẻ vào ngày rằm, mồng một, không làm việc đó vào ngày mưa to gió lớn, có sấm chớp hay lạnh quá, dưới 10 độ, không được yêu nhau khi để đèn, không yêu nhau ban ngày hay ở chỗ lạ như nhà nghỉ, khách sạn. Kiêng kỵ tới mức đi Nha Trang nghỉ mát 5 ngày, tôi phải “nhịn yêu” vì cô ấy bảo phòng lạ, giường lạ, cô ấy sợ và không có hứng thú. Đêm nằm trên giường rồi, mà cô ấy vẫn đắp mặt nạ, vẫn quấn đai nóng quanh bụng để tiêu mỡ, vẫn bôi kem trắng da, khắp người trơn nhầy nhẫy. Cô ấy tuyên bố “anh làm gì thì làm, đừng đụng đến mặt, bụng em…”. Nói thế bằng thách đố. Có hôm điên quá, tôi đã nặng lời với cô ấy: “Cô là loại vợ đoảng, vô tích sự, cô tưởng làm vợ chỉ cần biết nằm im thôi sao?”. Tưởng cô ấy giận, ai ngờ cô ấy bật lại: “ơ, sao thầy lại chửi em? Em là học trò của thầy, em sai, em dốt thì lỗi ở thầy chứ”. Hóa ra, cô ấy còn diễu cợt tôi, đụng đến nỗi đau “thầy lấy trò” của tôi.
Tôi sai lầm là chỉ vì một lần trót dại với cô học trò mà phải cưới hẳn một cô vợ về để gọi là có vợ. Tôi không dám chắc mình có thể làm điều gì đó ở bên ngoài để bù đắp những thiếu hụt ở người vợ như những người đàn ông khác vẫn làm, song tôi sợ sự chịu đựng của tôi có hạn, đến một ngày nào đó nó sẽ nổ tung, vỡ toang.
Nếu vợ tôi “lẳng lơ”, có khi tôi còn dễ chịu hơn là sự lạnh nhạt, ngu dốt. Giá cô ấy hư có khi còn dễ chữa hơn là sự nhạt nhẽo, vô tích sự, đoảng vị. Các cụ có câu: "Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về", tôi đã sai lầm khi không làm việc đó.
Vũ Kiên