Hạnh phúc của vợ chồng hiếm muộn:

Vượt qua định kiến để "tìm con"

HOÀNG NHẤT
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ít ai biết, trong hành trình tìm con của mình suốt 12 năm qua, vợ chồng anh Tuân, chị Hương đã phải đối mặt với vô vàn áp lực, gian nan. Từng mất hết hi vọng sau hai lần chuyển phôi không thành công, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn khiến anh chị không thể bước tiếp trên hành trình tìm con. May mắn thay, “phép màu” đã đến...

"Đã có lúc vợ chồng tưởng chừng như gục ngã, tuyệt vọng trước khó khăn"

Sau 12 năm mong chờ tiếng cười trẻ thơ, vợ chồng anh Đàm Văn Tuân (SN 1988) và chị TrầnThị Hương (1992) quê Tuyên Quang đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đón đứa con yêu chào đời sau chặng đường dài nỗ lực "tìm con".

Tết Quý Mão 2023 vừa qua là cái Tết đầu tiên vợ chồng anh Tuân chị Hương được bế con yêu đi chào hỏi người thân họ hàng. Bé Bo - cậu con trai kháu khỉnh giờ đây trở thành sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. "Phép màu" này đến với họ nhờ gói hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) miễn phí 100% từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Vượt qua định kiến để
Hạnh phúc của người mẹ bên con yêu sau 12 năm hiếm muộn

Khi vừa ở độ tuổi mười tám đôi mươi, năm 2009 anh Tuân và chị Hương quyết định về chung một nhà với mong muốn tình yêu “đơm hoa kết trái” đón nhận hạnh phúc được làm cha làm mẹ như bao người. Thế nhưng, năm tháng dần trôi qua mà niềm vui con trẻ vẫn chưa tới, một năm sau kết hôn đôi vợ chồng trẻ bắt đầu hành trình “tìm con” khắp mọi nơi, ai chỉ đâu có thuốc hay thầy giỏi anh Tuân chị Hương cũng tìm tới, nhưng kết quả “con yêu vẫn chưa về”.

“Ngày đó vợ chồng em đều đi làm xa nhà, em rất ngại khi về quê bởi mọi người chung quanh hay dị nghị, bàn tán… Vô vàn những áp lực em phải chịu đựng, em phải nuốt nước mắt vào trong”-chị Hương kể lại.

Một thời gian sau vợ chồng chị Hương xuống bệnh viện dưới Hà Nội khám, bác sĩ kết luận nguyên nhân hiếm muộn là do anh Tuân bị viêm tinh hoàn biến chứng quai bị ngày còn nhỏ, nên ảnh hưởng đến số lượng “con giống”, do không phát hiện sớm nên lâu dần gây vô sinh hiếm muộn.

Đã có lúc tưởng chừng như gục ngã, tuyệt vọng trước khó khăn, 5 năm chạy chữa mà không có kết quả, vợ chồng chị Hương không ít lần gặp phải sóng gió tưởng chừng sẽ buông tay nhau. Chị Hương nhớ lại: “Khoảng thời gian 5 năm chạy chữa hiếm muộn, chồng em có lúc muốn dừng lại để giải thoát cho em đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng em nghĩ vợ chồng đến được với nhau là cái duyên, chỉ cần yêu thương và luôn bên cạnh nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua…”. Với tình yêu thương, sự nỗ lực không từ bỏ, anh Tuân và chị Hương lại tiếp tục cùng nhau bước tiếp trên hành trình dài chữa hiếm muộn.

"Phép màu" đến sau những nỗ lực không mệt mỏi

 Nhớ lại những ngày tháng kinh tế khó khăn trên hành trình chữa bệnh, kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của anh Tuân và thu nhập từ những buổi chợ sớm của chị Hương, nhưng với khao khát cháy bỏng được làm cha, làm mẹ, tích góp được bao nhiêu, anh chị lại dành toàn bộ để tìm kiếm con. Sau thời gian dài chạy chữa bằng đủ các loại thuốc đông, tây y kết hợp nhưng mãi không có kết quả, cuối cùng anh chị tìm đến phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đúng lúc này, cơ duyên bất ngờ xuất hiện, vợ chồng anh Tuân chị Hương biết đến chương trình Tuần Lễ Vàng 2020 xét duyệt hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn tổ chức. Để rồi may mắn đã mỉm cười với vợ chồng, sau khi nộp hồ sơ, anh chị trở thành một trong 10 gia đình nhận hỗ trợ miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Chị Hương chia sẻ: “Hơn 10 năm chạy chữa, trải qua vô vàn khó khăn vất vả vợ chồng em vẫn chưa thành công, hai lần chuyển phôi thất bại làm kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ. Thật sự nếu không nhận được hỗ trợ miễn phí của Bệnh viện thì vợ chồng em không thể có cơ hội làm IVF thêm lần nữa”.

Vượt qua định kiến để
Gia đình chị Trần Thị Hương là một trong 10 cặp vợ chồng được nhận hỗ trợ IVF miễn phí năm 2020 từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Sự hỗ trợ kịp thời của Bệnh viện đã đem đến cho anh chị thêm hy vọng mới về tiếng cười trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ. Sau khi thăm khám và tư vấn, anh Tuân được các bác sĩ kê thuốc uống điều trị để nâng cao chất lượng “con giống”. Đến cuối năm 2020 chị Hương bắt đầu thực hiện chọc trứng và tạo được 12 phôi. Đến tháng 6 năm 2021 chị Hương được bác sĩ chuyển phôi thành công. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi đôi vợ chồng trẻ cầm trên tay thông báo tin vui từ bác sĩ.

“Cầm trên tay kết quả xét nghiệm Beta HCG thông báo có thai mà tay em run lên vì hạnh phúc, cảm giác hạnh phúc em tìm kiếm suốt 12 năm ròng rã mới có được”- chị Hương xúc động nhớ lại.

Vượt qua định kiến để
Bé Bo - Thiên thần nhỏ của gia đình chị Hương anh Tuân

Trong ngôi nhà nhỏ giờ đây ngập tràn tiếng cười nói của bé Bo, cậu con trai kháu khỉnh. “Không có gì hạnh phúc bằng khi Tết năm nay vợ chồng em được bế con đi chào nội ngoại và người thân. Hành trình tìm con của chúng em quá gian nan và nhiều khó khăn nhưng cuối cùng vợ chồng em đã làm được. Chính vì vậy, em muốn gửi lời động viên tới tất cả các cặp vợ chồng đang mong con, hãy luôn kiên trì và cố gắng, không từ bỏ rồi “phép màu” sẽ tới, con yêu nhất định sẽ về”- chị Hương chia sẻ.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bên nhau, mình là nhà

Bên nhau, mình là nhà

(PNTĐ) - Giữa cuộc sống hiện đại đầy khó khăn và thử thách, gia đình càng trở thành chỗ dựa vững chắc cho người trẻ, mang lại tình yêu thương và sẵn sàng dang rộng vòng tay bao dung, che chở.
Bởi tuổi thơ của con chỉ có một...

Bởi tuổi thơ của con chỉ có một...

(PNTĐ) - Trong một chương trình truyền hình thực tế gần đây, nữ sinh nọ đã rấm rứt khóc trước mặt thầy cô, bạn bè khi có người thắc mắc về sự quan tâm của gia đình đối với em. Khi được hỏi, em có điều gì tận đáy lòng muốn gửi nói với ba mẹ không?