Yêu thương, hiếu thuận giúp gia đình Việt Nam trường tồn

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là mục tiêu xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, trong thời đại mới, gia đình tiến bộ Việt Nam phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại.

Yêu thương, hiếu thuận giúp gia đình Việt Nam trường tồn - ảnh 1
Gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới hội tụ nét đẹp truyền thống và hiện đại 
Ảnh minh họa

Hội tụ nét đẹp truyền thống và thời đại
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, những nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt Nam truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em… chính là nền tảng làm nên sức sống mãnh liệt của gia đình và xã hội Việt Nam. Đồng thời, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước, những xu hướng tốt đẹp nhất của nhân loại cần được tiếp nhận và phát triển.

Từ cách tiếp cận đó, theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh, có nhiều tiêu chí khác nhau để đo lường về gia đình tiến bộ. Chẳng hạn, đó phải là gia đình biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào ѕản хuất, kinh doanh; các thành viên trong gia đình luôn tuân thủ pháp luật, quy ước của cộng đồng, đồng thời biết tôn trọng và giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam; mỗi thành viên đều có ý thức nâng cao ѕức khỏe và tích cực học tập…

PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, trong giai đoạn hiện nay, các giá trị cốt lõi của gia đình cần được chú trọng, gìn giữ và phát triển trong thời kỳ mới dựa trên các chức năng cơ bản của gia đình Việt Nam. Đó là các chức năng về kinh tế/ sản xuất với giá trị hướng tới là ấm no; chức năng tâm lý, tình cảm hướng tới giá trị hạnh phúc; chức năng sinh đẻ nuôi dưỡng và chăm sóc và chức năng xã hội hóa/ giáo dục của gia đình hướng tới giá trị tiến bộ và bình đẳng.

“Đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, tối tân, vượt bậc, nhưng những giá trị như: Giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được”- bà Hoa chia sẻ. 

Khẳng định vai trò quan trọng của gia đình, GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam chia sẻ: Gia đình không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân người vợ hay người chồng, mà còn mang cả một trọng trách lớn với xã hội. Việt Nam sẽ không có truyền thống dân tộc nếu không có truyền thống trong thiết chế gia đình. Thông qua các chức năng kinh tế, chính trị giáo dục, văn hóa, tình cảm, xã hội hóa con người..., gia đình không chỉ đóng góp tích cực vào việc sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần mà còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo toàn, phát triển và chuyển tiếp các giá trị của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Vì vậy, trong sự phát triển của xã hội ngày nay, chúng ta phải giải quyết được mối quan hệ giữa việc phát triển kinh tế thị trường với việc bảo lưu các giá trị tốt đẹp, trong đó có giá trị gia đình truyền thống. Theo GS.TS Lê Thị Quý, chúng ta phải có được những chính sách và cơ chế khiến cho việc phát triển những quy luật của cơ chế thị trường không làm biến dạng hoặc méo mó những giá trị văn hóa, trong đó có giá trị văn hóa gia đình. Ngược lại chúng ta cũng không thể cho phép việc núp dưới danh nghĩa bảo vệ các giá trị truyền thống để duy trì và bảo lưu những quan niệm và chuẩn mực cổ hủ, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của đất nước. 

Hội Phụ nữ tham gia gìn giữ gia đình
Đến từ tổ chức đại diện, chăm lo cho phụ nữ, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trong nhiều thập kỷ qua của Hội đều hướng tới vận động, hỗ trợ phụ nữ gìn giữ, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Có thể kể tới hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định và ngày càng hạnh phúc hơn. Hội cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, từ năm 2017 đến nay đã có hơn 8,2 triệu hội viên phụ nữ được truyền thông, hướng dẫn khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, hơn 38 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; thành lập mới 845 doanh nghiệp, hơn 13,000 phụ nữ có ý tưởng được vay vốn khởi nghiệp...

Trong công tác giáo dục, vun đắp giá trị gia đình, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội đã tập huấn cho hàng triệu ông bố, bà mẹ phương pháp nuôi, dạy con, trang bị cho hội viên phụ nữ kiến thức về sức khỏe, sinh sản và giáo dục kỹ năng sống; triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tích cực phối hợp, đầu tư nghiên cứu, xây dựng các Đề án, góp phần cải thiện các vấn đề liên quan tới phụ nữ hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đặc biệt, mô hình Ngôi nhà Bình yên của TƯ Hội đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em.

Để hoàn thiện hệ giá trị gia đình, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Cần đưa nội dung các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác gia đình vào chương trình kiểm tra giám sát hàng năm của các cấp ủy Đảng; Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm thỏa đáng tới công tác xây dựng gia đình bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là trước những thay đổi về giá trị gia đình hiện nay. 
“Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm thỏa đáng tới công tác xây dựng gia đình bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là trước những thay đổi về giá trị gia đình hiện nay. Ngoài ra cần tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình”-  bà Nguyễn Thị Minh Hương nêu ý kiến.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.