Nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, người con ưu tú của Thủ đô

Chia sẻ

Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức diễn ra vào sáng 23/2 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu.

Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước cách mạng. Cha của ông là cụ Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907, sau đó bị địch bắt và đày đi Côn Đảo 5 năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố xem cuốn sổ truyền thống của gia đình đồng chíNguyễn Phong Sắc	Ảnh: Viết ThànhBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố xem cuốn sổ truyền thống của gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc  Ảnh: Viết Thành

Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Bưởi, ông đã từ chối không nhận học bổng đi du học ở Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính. Ông vẫn giữ quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi là Trần Quang Huyến ở phố Công sứ Mi-ri-ben (nay là phố Trần Nhân Tông), Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích ở phố Bạch Mai. Chính từ nhóm bạn này, ông đã được ông Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Sắc gia nhập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và ông đã lấy tên mới - Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng giành độc lập, thoát khỏi ách nô lệ.

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện là một trí thức giàu nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc. Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh trung kiên, bất khuất, trở thành linh hồn của cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; đánh dấu một mốc son trong lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tại buổi tiếp đón con cháu liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6/5/1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”.

Tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc.

Dưới ánh sáng của bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trình Đại hội VI của Quốc tế cộng sản (năm 1928) và đường lối giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đến tháng 3/1929, những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) để thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ 5D Hàm Long.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là rất to lớn và vẻ vang, đặc biệt là những kinh nghiệm trong tư duy, trong hành động quyết liệt, khoa học với mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô noi theo.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".