Những lỗ hổng “chết người” từ nhận thức và quản lý vật liệu nổ

Chia sẻ

Vụ nổ đặc biệt nghiêm trọng tại KĐT Văn Phú (Hà Đông) khiến 4 người chết, 10 người bị thương, 36 căn nhà bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ bị vỡ kính, nứt tường, bung cửa…

Đây là những tổn thất quá nặng nề do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của một người thu gom phế liệu gây ra khi dám “đùa” với những vật liệu nổ gây sát thương cao.
 
Những lỗ hổng “chết người” từ nhận thức và quản lý vật liệu nổ - ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội (thứ hai từ trái qua)
chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại hiện trường
 
Bàng hoàng và tang thương
4 ngày sau khi vụ nổ lớn xảy ra, những người dân ở khu nhà thấp tầng TT9 đã bắt đầu trở về nhà, dọn dẹp, khắc phục dần những hậu quả nghiêm trọng do vụ nổ gây ra, nhưng trên gương mặt họ, nỗi ám ảnh và sự sợ hãi vẫn còn hiển hiện… Khu đô thị Văn Phú vẫn còn rất tan hoang với những dãy nhà san sát trong tình trạng hư hỏng, kính vỡ, tường nứt, cửa đổ...
 
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này, theo kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Công An và Công an Hà Nội là do một người dân làm nghề thu mua phế liệu ở đây đã sử dụng đèn khò để cắt một khối kim loại, nhiệt lượng nóng của chiếc đèn khò đã kích nổ khối kim loại đó. Tại hiện trường, loại thuốc nổ thu được trùng khớp với loại thường sử dụng chế tạo bom. Các mảnh vỡ bằng gang, kim loại bắn văng tại hiện trường cũng là vật liệu chế tạo bom.
 
Người gây ra vụ nổ này cũng là một trong 4 nạn nhân thiệt mạng – anh Phạm Văn Cường (42 tuổi, quê ở Nam Định). Cường đã thuê căn nhà số 15 - TT 19 từ năm 2013 để làm nơi sinh sống, thu mua và cất giữ phế liệu. Hàng ngày, anh này mang phế liệu ra vỉa hè phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.
 
Sức công phá lớn của khối kim loại này đã làm anh Cường và 3 người dân khác đang đi qua đoạn đường này. Trong đó, có hai mẹ con chị Đào Thị Soản, 31 tuổi và con gái Đào Thị Như Quỳnh, 7 tuổi (ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Chị Soản ra đi cùng con gái trong khi người chồng đang thụ án, để lại cậu con trai 10 tuổi bơ vơ.
 10 người dân khác gần vụ nổ cũng bị thương, trong đó có 2 nạn nhân là chị Nguyễn Thị Lệ (23 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội) và anh Đặng Cao Thủy (32 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương và hôn mê sâu, đang được cấp cứu tại bệnh viện Quân y 103.
 
Những lỗ hổng “chết người” từ nhận thức và quản lý vật liệu nổ - ảnh 2
 Đại diện Báo Phụ nữ Thủ đô thăm hỏi và hỗ trợ tiền
cho gia đình chị Nguyễn Thị Lệ  và anh Đặng Cao Thủy

Ngày 21/3, Báo Phụ nữ Thủ đô đã đến bệnh viện Quân y 103 để thăm hỏi, động viên gia đình 2 nạn nhân bị thương nặng trong vụ nổ là chị Nguyễn Thị Lệ; anh Đặng Cao Thủy. Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bùi Thanh Tiến cho biết, bệnh nhân Lệ đã được phẫu thuật sọ não, chống máu tụ, hiện tại vẫn hôn mê. Bệnh nhân Thủy đã được chụp cắt lớp, phát hiện nhiều ổ dập não xuất huyết cũng như dị vật kim khí. Hiện cả 2 bệnh nhân đang được hồi sức tích cực và theo dõi đặc biệt phòng chuyển biến xấu. Nhằm giúp 2 gia đình này giảm bớt khó khăn, Báo Phụ nữ Thủ đô đã hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình chị Đào Thị Soản và cháu Đào Thị Quỳnh là 2 nạn nhân bị tử vong.
Báo PNTĐ mong các tấm lòng nhân hậu hãy hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân khắc phục phần nào hậu quả. Mọi sự trợ giúp thông qua quỹ Vì phụ nữ, trẻ em hoạn nạn - Báo PNTĐ hoặc gửi trực tiếp cho gia đình các nạn nhân.
 
Thiếu trách nhiệm quản lý
Văn Phú là khu đô thị hiện đại, nằm ở trung tâm quận Hà Đông – khu vực phát triển mạnh mẽ của Hà Nội trong những năm gần đây. Những căn biệt thự, nhà liền kề ở đây có giá trị rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng và đã được bàn giao cho khách hàng từ năm 2011. Tuy nhiên, có mặt ở đây, gần như không ai nhận ra bóng dáng sầm uất của một khu đô thị lớn. Trái lại, sau nhiều năm bỏ hoang một cách lãng phí, những tòa nhà bạc tỷ này gần đây đã biến thành trụ sở của các xưởng sắt, cửa hàng thu gom phế liệu, các xưởng sơn, quán ăn bình dân, cửa hàng vật liệu xây dựng... với giá cho thuê rất dễ chịu: từ 5-7 triệu đồng/tháng. Anh Hồng - chủ một cửa hàng ăn cho biết: đây là mức giá chung với các biệt thự bỏ hoang tại Hà Đông và các khu vực lân cận. Mức giá này được người thuê đánh giá là rẻ và với chủ nhà, chủ yếu là có người để trông nom và nhà cửa không để hoang hóa, xuống cấp. Còn thuê để kinh doanh hay dùng vào mục đích gì, có bao nhiêu người ở thì thực sự chủ nhà không quán xuyến được hết bởi “họ thỉnh thoảng mới ghé qua để… thu tiền nhà”.
 
Vấn đề bất cập không chỉ nằm ở đó. Khi vụ nổ xảy ra, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hoa - Chánh văn phòng công CP đầu tư Văn Phú  Invest - chủ đầu tư của khu đô thị Văn Phú cho rằng, khu nhà này đã được bàn giao cho các chủ sở hữu và họ được thừa nhận bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở. Cho ai thuê để kinh doanh là trách nhiệm của chủ sở hữu trong khi trách nhiệm quản lý được chuyển cho các cơ quan chức năng. Như vậy, có thể hiểu, chủ đầu tư khu đô thị đến đây là hết trách nhiệm.
 
Song, khá bất ngờ khi đại diện UBND phường Phú La – địa bàn có khu đô thị Văn Phú lại khẳng định: chủ đầu tư chưa bàn giao cho chính quyền quản lý nên họ phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý khu đô thị này. Vì sự nhùng nhằng, chưa có sự phân định trách nhiệm rõ ràng như vậy dẫn đến buông lỏng quản lý. Nhà biệt thự hoang được cho thuê để kinh doanh vật liệu xây dựng, phế liệu và trong các phế liệu đó bao gồm những gì thì không ai quản lý.
 
Điều đáng nói, ở Hà Nội không chỉ có khu đô thị Văn Phú mà tình trạng này khá phổ biến tại Trung Văn, Mễ Trì, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm)…

Nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo kịp thời, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tới bệnh viện động viên thăm hỏi các nạn nhân. UBND TP đã chỉ đạo UBND quận Hà Đông phối hợp với bệnh viện, các cơ quan liên quan đưa thi thể các nạn nhân bị tử vong về quê nhà; động viên thăm hỏi, trợ giúp tối đa đối với các nạn nhân và gia đình chữa trị miễn phí cho các nạn nhân. Đối với  trường hợp cháu Đào Anh Tú (sinh năm 2006), là con trai lớn của chị Đào Thị Soản, UBND huyện Thanh Oai đang xem xét, có biện pháp hỗ trợ thường xuyên, lâu dài để đảm bảo việc ăn học cho cháu Tú, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mẹ, mất em.
 
Sở Xây dựng, UBND quận Hà Đông đã phối hợp tổ chức mời một đơn vị kiểm định chất lượng xây dựng kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại của những căn hộ bị ảnh hưởng để có định hướng khắc phục giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
 
 Tuy nhiên, với những nạn nhân bị chấn thương nặng, hậu quả để lại là rất nặng nề. Ngoài vết thương trên cơ thể, họ có thể phải đối mặt với những sang chấn tâm lý kéo dài, tác động lớn đến cuộc sống, nhất là với những người đang là trụ cột gia đình. Vì thế, vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm ở thời điểm này, liệu những nạn nhân này có nhận được bồi thường?
 
Theo luật gia Nguyễn Thị Thăng – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp lý (Hội Luật gia Hà Nội): vụ việc này không chỉ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà còn có dấu hiệu liên quan vi phạm pháp luật về hình sự bởi Bộ Luật hình sự có những quy định trách nhiệm hình sự với người mua bán trái phép vật liệu nổ; người liên đới có hành vi mua bán, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
 
Người nào gây ra thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Trong vụ việc này, người gây ra thiệt hại đã tử vong và theo quy định, pháp luật không khởi tố người đã chết. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường dân sự cho người bị hại vẫn được xem xét, giải quyết. Những người được hưởng thừa kế của người gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi giá trị tài sản của người đã chết để lại. Đáng chú ý là những đầu mối, những người thu gom phế liệu (trong đó có những vật liệu có tính sát thương như bom, mìn, đầu đạn…) rồi bán lại cho gia đình buôn phế liệu ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự cũng có thể phải liên đới trong việc bồi thường thiệt hại nếu họ được các cơ quan điều tra xác định là có lỗi đối với hậu quả đã xảy ra.
 
Theo luật gia Nguyễn Thị Thăng, sự việc đau lòng này là bài học đắt giá khi các cơ quan chức năng chủ quan bỏ qua việc quản lý, kiểm tra đối với các hộ kinh doanh phế liệu nằm trong khu dân cư đông đúc ngay tại Thủ đô; thiếu sự tuyên truyền mạnh và có hiệu quả bằng những pano, áp phích mang tính trực quan cao về mối nguy hiểm chết người của những vật liệu nổ, các quy định có liên quan để người dân hiểu, đề cao cảnh giác và tự giác báo chính quyền hoặc giao nộp cho cơ quan CA khi phát hiện vật khả nghi.
 
 “Cưa bom” lấy phế liệu chiếm 30% tai nạn do bom mìn
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, số vụ nổ do người dân đi thu nhặt phế liệu, phát hiện bom, đạn rồi đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ, gây ra nổ chiếm 30% số vụ tai nạn do bom mìn; trẻ em không hiểu biết nhặt được vật nổ (thường là bom bi, đạn M-79) đem đập, ném để chơi đã gây nổ chiếm 38%; do rủi ro cuốc, đập, giẫm... phải vật nổ gây ra nổ chiếm 18%. Mới đây nhất, trung tuần tháng 10/2015, hai người ở xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã tử vong, 1 người bị thương nặng khi cùng cưa bom để lấy thuốc nổ. Trước đó, hai nạn nhân khác làm nghề thu gom phế liệu, một ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và một ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cũng đã tử vong khi cưa bom lấy phế liệu
Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".