Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc” - ảnh 1

Sanh (17 tuổi) từng là một học sinh khá, luôn sôi nổi trong các hoạt động giao lưu văn nghệ của trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố (xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Cô gái người Mông ấy dù không ước mơ quá lớn lao rằng sẽ làm “chị này, anh kia”, nhưng cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ chỉ học hết cấp 2. Cho tới khi kết thúc học kỳ I của năm lớp 9, cũng là lúc Sanh… kết hôn, cuộc đời em chính thức rẽ sang một ngả mới. Mà theo chia sẻ của Sanh, nếu như thời gian quay ngược trở lại, chắc chắn em sẽ không lấy chồng sớm như vậy. Nhưng chính em cũng nói, thời gian không thể quay ngược lại nữa rồi…

Đến nay, con trai của Sanh đã gần tròn 2 tuổi. Học hết lớp 9, Sanh cũng nghỉ hẳn, chỉ ở nhà chăm con, phụ giúp gia đình chồng các công việc hàng ngày như: Cắt rau, chăm lợn, chăm bò, xuống nương làm rẫy… Hầu như đi đâu, làm gì Sanh đều địu theo con trai trên lưng.

Khi chúng tôi tới nhà Sanh cũng bắt gặp cảnh tượng ấy: Người mẹ trẻ đang lúi húi cắt rau ở phần đất thoải trước sân nhà, còn trên lưng là cậu con trai đang say sưa ngủ. Thấy có khách đến, Sanh hồ hởi chào hỏi, mời mọi người vào trong nhà nói chuyện. Nhà là nhà bố mẹ chồng Sanh, được xây theo kiểu trình tường, không quá rộng và ít ánh sáng. Vì thế, mọi người lựa chọn ngồi ngay gần cửa chính để cuộc trò chuyện được thuận tiện. Sanh cũng rất thoải mái khi kể về câu chuyện của bản thân mình - một người trong cuộc, nạn nhân của việc “tảo hôn”, dù đôi lúc cũng thấy em “nghẹn” lại.

Sanh bảo em cũng không biết lúc đó vì yêu hay nguyên nhân gì, lại khiến bản thân kiên quyết lựa chọn sẽ kết hôn như vậy.

“Ngày ấy bố mẹ đẻ em cũng ngăn cản lắm. Hôm em tâm sự với mẹ, mẹ còn hỏi việc em quyết định yêu và lấy chồng em bây giờ là tự nguyện hay do người ta lừa, bắt ép mình. Em nói do em tự nguyện, nên bố mẹ không nói được gì nữa, chỉ biết vừa thương vừa giận.

Sau này khi lấy chồng vất vả quá, em cũng tâm sự với mẹ. Ngoài động viên con gái chịu khó làm lụng để con cái có tương lai tốt đẹp hơn, rồi dặn em rằng cần gì có thể gọi bố mẹ…; mẹ em cũng vẫn nhắc lại rằng: “Hồi đó mẹ hỏi con có muốn lấy chồng không thì con có nói đâu, giờ hối hận chưa?”. Thật sự là em hối hận. Không phải mãi đến sau này mà ngay sau khi cưới vài ngày em đã hối hận” – Sanh kể.

Đến giờ Sanh vẫn còn nhớ cảm giác lạc lõng lúc trở lại trường, học tiếp kỳ II của năm lớp 9 – thời điểm sau khi em kết hôn. “Vì em lấy chồng rồi, không còn cùng chủ đề và câu chuyện với các bạn cùng lớp nên nhiều bạn không biết nói gì với em, nói chuyện cũng không thoải mái như trước. Dần dần mọi người ít đến gần em hơn. Học hết lớp 9, cô chủ nhiệm động viên nếu em vẫn muốn đi học, cô sẽ đăng ký cho em thi nội trú. Nhưng chồng em không đồng ý.

Bản thân em cũng sợ chẳng may mang thai khi đang đi học cấp 3 sẽ rất ảnh hưởng, lỡ dở học hành… nên em quyết định từ bỏ luôn. Bây giờ, nhìn thấy các bạn được đi học, em muốn lắm, cũng buồn nữa, nhưng là do mình đã lựa chọn sai con đường”.

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc” - ảnh 2

Trong cuộc nói chuyện, Sanh cũng chia sẻ thêm nhiều điều về những vất vả mà em từng trải qua do lấy chồng sớm. Thiệt thòi và khó khăn lớn nhất với em đó chính là việc chăm sóc cho con trai của mình. Vì “tảo hôn”, con của Sanh hiện chưa làm được giấy khai sinh do mẹ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo pháp luật quy định.

 Kết hôn xong, chồng Sanh cũng phải đi xa để làm ăn, khi thì phụ xây ở Hưng Yên, đợt này lại vào tận Tây Nguyên. Vì thế, việc chăm sóc con cái đều một tay Sanh lo liệu. “Lúc con ốm hay bị làm sao đó, em thấy rất có lỗi với con. Mình về nhà chồng tay trắng, giờ cũng không đi kiếm tiền được, hễ cần mua thuốc, thậm chí mua bỉm cho con trai đều phải xin tiền bố mẹ… khiến em cũng rất áy náy. Rồi kiến thức chăm con không có do bản thân chưa đến tuổi làm mẹ, nhưng em vẫn phải ép mình thành người lớn để nuôi con...” – Sanh kể.

Những điều này cũng từng được Sanh chia sẻ trong không ít buổi sinh hoạt dành cho các bạn học sinh, thành viên của CLB thủ lĩnh của sự thay đổi, CLB trẻ em trai, trẻ em gái, CLB cha mẹ tại cộng đồng… về chủ đề phòng chống nạn tảo hôn (chương trình do Plan International Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, trường học của xã Chiến Phố tổ chức).

Trong những buổi sinh hoạt ấy, Sanh nhận được sự quan tâm và khá nhiều câu hỏi gửi đến từ các bạn, chẳng hạn: Sau khi lấy chồng chị có gặp nhiều khó khăn không? Tại sao chị lại lấy chồng sớm?… Một số bạn khi nghe Sanh kể lại câu chuyện của bản thân còn thể hiện rõ sự suy tư, cảm xúc, thấy buồn, thương cho người mẹ trẻ…

Kể với mọi người về những điều này, trong đôi mắt Sanh dường như cũng thoáng ngấn một lớp lệ mỏng. Tuy nhiên, cảm xúc đó rất nhanh được áp chế, Sanh nhanh chóng xốc lại tinh thần và tìm về hy vọng, nghị lực cho bản thân.

Cô gái tuy nhỏ bé nhưng có lẽ khát khao vượt lên hoàn cảnh để thay đổi bản thân và cộng đồng thì không hề nhỏ. Sanh nói, bản thân em đã “lỡ lầm” rồi, em không muốn các bạn trẻ khác cũng đi vào “vết xe đổ” ấy. Bây giờ hoàn cảnh, xã hội đã khác. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, hoạt động tuyên truyền của nhiều tổ chức như Plan, ở nhiều địa phương gần như đã không còn tục kéo vợ.

Thay vì bị cha mẹ cưỡng ép, nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn hiện nay lại xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn của một số bạn trẻ; do các bạn tự đến với nhau, có tình cảm với nhau, quan hệ sớm… nên phải cưới khi chưa đủ tuổi theo quy định.

“Vì thế, em muốn kể lại câu chuyện của mình cho các bạn nghe, để các bạn học sinh nhỏ tuổi hơn cùng những người xung quanh không tảo hôn. Em biết, nếu không muốn có tảo hôn, không muốn thế hệ sau (trong đó có con của mình) trở thành “nạn nhân” thì tất cả phải cùng đồng lòng, kết hôn đúng theo quy định về độ tuổi của pháp luật. Các bạn được đi học, có thêm tri thức cũng là cách giúp tương lai của bản thân tốt đẹp hơn, có công việc ổn định để trang trải cuộc sống của bản thân, báo hiếu cha mẹ, chăm sóc con cái thật tốt” – Sanh bày tỏ.

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc” - ảnh 3

Có thể thấy, những khó khăn trong cuộc sống mà Sanh đã và đang trải qua chính là hồi chuông cảnh báo cho các bạn trẻ nơi em sinh sống nói riêng, trẻ em dân tộc miền núi nói chung. Nhưng nghị lực của Sanh cũng chính là câu chuyện “truyền cảm hứng” quý báu. Truyền thông từ câu chuyện của chính người trong cuộc cũng là một trong những cách thức phòng ngừa nạn tảo hôn được các cấp chính quyền, tổ chức khuyến nghị triển khai.

Như nhận định của ông Dương Văn Tuy – Giám đốc vùng Hà Giang, tổ chức Plan International tại Việt Nam: “Truyền thông hiệu quả nhất về nạn tảo hôn, không gì bằng để “nhân chứng sống”, người trong cuộc kể câu chuyện của mình với những trẻ em khác, từ đó tuyên truyền cho các bạn hiểu và tỉnh ngộ”.

Nói tới vai trò cần thiết trong tham gia của cộng đồng, chị Lù Thị Lâm – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì cho hay: Để xác định một cặp đôi có tảo hôn nay không, cần căn cứ vào 2 yếu tố, thứ nhất là có tổ chức đám cưới, thứ hai là có đăng ký pháp lý. Nhưng nhiều trường hợp các bạn trẻ ở vùng dân tộc miền núi tự về ở với nhau mà không tổ chức cưới hỏi cũng không đăng ký kết hôn, nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, rất cần chính người dân trong cộng đồng chung tay, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.

“Là một tổ chức có vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em, trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã tích cực đẩy mạnh truyền thông, thành lập điểm ở một số địa phương như xã Chiến Phố “CLB mẹ người Mông nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết”. Ngoài các cháu là chủ thể chính, người mẹ cũng là nhân tố tác động mạnh đến việc con mình có tảo hôn hay không; từ đó tăng cường vận động, theo dõi, giám sát vào dịp cưới.

Có thể nói, pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về độ tuổi kết hôn cũng như quy định xử lí tình trạng tảo hôn cả về hành chính lẫn hình sự. Một số trường hợp tảo hôn do nhận thức chưa đầy đủ, phớt lờ quy định, coi nhẹ mức xử phạt hành chính nên “nhắm mắt đưa chân”, nhưng cũng có không ít trường hợp, do thiếu hiểu biết về pháp luật mà “lỡ” sa chân vào vòng lao lý, nhân sự chủ chốt trong gia đình trẻ phải đi chấp hành án, không thể lao động làm ra kinh tế, để lại vợ dại, con thơ, khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, rất cần sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và xã hội giúp đỡ những trường hợp tảo hôn thực sự khó khăn, để các em không bị bỏ lại phía sau sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, Huyện Hội cũng tăng cường truyền thông, hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc trẻ em khoẻ mạnh trong 1.000 ngày đầu đời. Đặc biệt, thông tin cho các bạn tảo hôn thấy tảo hôn là vi phạm chính sách dân số, không phải là việc được xã hội ủng hộ, phụ nữ tảo hôn sẽ thiệt thòi về nhiều mặt, đơn cử như không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số…” – chị Lù Thị Lâm Nhấn mạnh.

Chia sẻ cách thức tăng cường vai trò của truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng, chị Nguyễn Thị Minh Mùi – Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì thông tin thêm: Nhằm chủ động phòng ngừa tảo hôn sớm, đoàn thanh niên huyện đã phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương, tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức các buổi tuyên truyền từ thực tế sự việc xảy ra, tiêu biểu qua hình thức “Phiên toà giả định”.

Thời gian tổ chức được lựa chọn vào buổi chợ phiên tại 6 xã trên địa bàn huyện, nơi tập trung đông người và có nhiều người xem. Đồng thời, huyện đoàn cũng cùng các đơn vị, tổ chức vận động người tảo hôn, có con nhỏ, chồng đi làm ăn xa… trở thành nhân vật truyền cảm hứng; để người trong cuộc nói về chính họ, chia sẻ được khó khăn, hệ luỵ của tảo hôn sớm; từ đó bạn trẻ nhìn vào đó và thay đổi nhận thức, hành vi. Nhiều bạn đã tảo hôn trở thành thành viên CLB thủ lĩnh của sự thay đổi, từ câu chuyện của các bạn để tác động tới người dân, người trẻ trong địa bàn.

Với đoàn viên, huyện đoàn cũng tổ chức cho thanh niên ký cam kết không tảo hôn để nâng cao ý thức về vấn đề này. Đặc biệt, các bạn trẻ khi “lỡ” tảo hôn, cũng được các nhóm tuyên truyền, vận động tham gia CLB cha mẹ để nắm được kiến thức nuôi con; tham gia CLB sinh kế để được hỗ trợ con giống, vật nuôi và kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế; từ đó đồng hành cùng thanh niên phát triển, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".