“Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi”. Chủ đề của ngày Dân số Thế giới được xác định trong bối cảnh thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số tăng nhanh, gây nguy cơ suy giảm và thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai.

Ngày Dân số Thế giới là sáng kiến của Liên Hợp quốc, được tổ chức hằng năm vào ngày 11/7, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề liên quan đến dân số như tăng trưởng dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

“Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm” - ảnh 1
Ngày Dân số Thế giới là sáng kiến của Liên Hợp quốc, được tổ chức hằng năm vào ngày 11/7

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, hiện nay có tới 2/3 số quốc gia trên thế giới đang có mức sinh giảm, kéo theo sự gia tăng số lượng người cao tuổi. Còn tại Việt Nam, quốc gia đang trên 100 triệu người, chiếm 1,24% dân số thế giới và đứng thứ 15 toàn cầu cũng đang chứng kiến tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022), 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) và 1,91 con/phụ nữ (năm 2024), thấp nhất trong lịch sử. Dự báo mức sinh sẽ còn tiếp tục giảm, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng; năm 2042, quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054, dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Lúc đó, Việt Nam sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, nền kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng của đất nước không tránh khỏi bị tác động tiêu cực.

Chất lượng dân số là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số. Để có thể khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh, tập trung mọi nguồn lực chuyển trong tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số như duy trì mức sinh thay thế, cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Ngày 3/6/2025, tại Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số (Pháp lệnh có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 3/6/2025). Theo Pháp lệnh mới được thông qua, các cá nhân, cặp vợ chồng được “Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe...”. 

“Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm” - ảnh 2
Chỉ khi được hưởng đầy đủ tình yêu thương, điều kiện chăm sóc tốt nhất từ cha mẹ, trẻ mới có nền tảng để phát triển toàn diện

Dự thảo Luật Dân số cũng đang được tích cực hoàn thiện để có thể trình Quốc hội sớm thông qua. Dự thảo Luật gồm ba chính sách chính: (1) duy trì mức sinh thay thế, (2) giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, và (3) nâng cao chất lượng dân số. Luật dự kiến quy định quyền bình đẳng, tự nguyện của các cặp vợ chồng trong quyết định sinh con, thời gian sinh, số con và khoảng cách giữa các lần sinh để phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và điều kiện học tập, kinh tế, nhằm nuôi dạy con tốt. Ngoài ra, đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng cho lao động nữ khi sinh con thứ hai, đồng thời hỗ trợ phụ nữ có hai con ở khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa phương có mức sinh thấp trong việc thuê, mua nhà ở xã hội.

Bộ Y tế cũng đang tích cực lấy ý kiến và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 10 năm (2026 – 2035). Trong đó một trong nhiều mục tiêu đặt ra là phấn đấu đạt mức sinh thay thế, tỉ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với già hóa dân số và dân số già, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Qua những chính sách này, Việt Nam đã chính thức bãi bỏ quy định giới hạn về số con của mỗi cặp vợ chồng, cho phép các cặp vợ chồng tự quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân/cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng. Chính sách này chuyển từ "quản lý sinh" sang "hỗ trợ sinh sản có trách nhiệm”.

Việc các cá nhân, cặp vợ chồng được tự quyết việc sinh con, số con, thời điểm sinh là quy định phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, quyền cần đi liền với “trách nhiệm”. Được quyền “tự quyết” thời gian sinh con và số con nhưng mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng cũng phải nâng cao trách nhiệm trong vấn đề sinh sản. Đó là chủ động, tự giác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân, khám sức khỏe tiền hôn nhân để kịp thời phát hiện gene bệnh trong người; khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh; trang bị đầy đủ kỹ năng làm cha mẹ. Trách nhiệm của các cá nhân, cặp vợ chồng còn thể hiện ở việc cân nhắc sinh số con phù hợp với khả năng nuôi dưỡng, lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, kinh tế, nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng. Tránh tư duy “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, tự quyết sinh thật nhiều con nhưng không đủ khả năng chăm sóc, nuôi dạy con tốt thì lại tạo gánh nặng cho xã hội.

Gia đình chính là môi trường sống đầu tiên của mỗi con người. Chỉ khi được hưởng đầy đủ tình yêu thương, điều kiện chăm sóc tốt nhất từ cha mẹ, trẻ mới có nền tảng để phát triển toàn diện, trở thành những chủ nhân tương lai khỏe mạnh của đất nước. Đây cũng là những yếu tố góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng dân số, xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Vì những lẽ đó, một trong những khẩu hiệu của Ngày Dân số thế giới 2025 được đưa tới cộng đồng chính là “Sinh con là quyền – Nuôi dạy con tốt là trách nhiệm”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

(PNTĐ) - Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề:“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.
Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số… là những mục tiêu mà Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.