Ba Vì: Làm tốt công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Huyện Ba Vì có địa bàn rộng, tỷ lệ nữ toàn huyện chiếm 50,1% dân số, có 72.400 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 8.906 phụ nữ dân tộc thiểu số. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phụ nữ trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rõ nét, khẳng định vị trí trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Huyện.

Thực hiện Kết luận số 55, Chỉ thị số 21 và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Thành Hội và của Huyện ủy về công tác phụ nữ; Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng, ban hành 315 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác phụ nữ trên địa bàn huyện.
Chủ động tham mưu cho Huyện ủy: đề xuất giới thiệu nguồn cán bộ nữ góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với chức danh được quy hoạch; đã có 1.300 lượt cán bộ nữ được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo theo hình thức tập trung, tại chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý từng bước được nâng lên: cán bộ nữ tham gia cấp ủy huyện đạt 14,6%, cấp xã đạt 24,7%; lãnh đạo chủ chốt cấp huyện là nữ có 02 đồng chí (chiếm 15,3%), cấp xã 29 đồng chí (chiếm 14,4%); các phòng, ban, ngành của huyện có 19/86 đồng chí (chiếm 22%); trong 10 năm đã kết nạp được 2.696 đảng viên nữ trên 4.768 đảng viên (chiếm 56,54%).
Hàng năm, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết đinh 218-QĐ/TW của Bộ chính trị trong các cấp Hội phụ nữ huyện Ba Vì; lựa chọn nội dung tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong các chương trình, Dự án, Đề án, Nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, vấn đề bình đẳng giới.... chú trọng xây dựng củng cố tổ chức Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị của huyện như phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh – hạnh phúc”, cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và nhiều mô hình thu hút được hàng nghìn hội viên tham gia đạt được những kết quả ấn tượng như: tiết kiệm 28.947.581.000 đồng, trích 4.659.474.000 đồng giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với hàng nghìn công trình, phần việc; trợ xây/sửa 41 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa, đảm nhận 413 đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp, trồng và chăm sóc 442 đoạn đường phụ nữ nở hoa, mỗi đoạn đường có chiều dài từ 100m trở lên.... Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hậu phương quân đội, ủng hộ các quỹ được các cấp Hội phụ nữ hưởng ứng. Để kịp thời nắm bắt tình hình, Thường trực Huyện ủy định kỳ các quý họp giao ban với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, trong đó có công tác phụ nữ trên địa bàn huyện.
Tham mưu cho UBND huyện: thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng và triển khai Quy chế phối hợp thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; Giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện Dự án 08 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, giai đoạn I: cuối năm 2022-2025 trên địa bàn huyện Ba Vì. Tham mưu, xây dựng mô hình điểm về giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, đến nay, các xã, thị trấn đã thành lập CLB “Không sinh con thứ 3”, phối hợp trong công tác giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 7.643 lao động, trong đó 4.180 lao động nữ; tổ chức 6 lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh”, “Kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và thương mại điện tử” cho 541 phụ nữ kinh doanh, nữ chủ cơ sở sản xuất; phối hợp với Phòng lao động thương binh và xã hội huyện, các Trung tâm dạy nghề, mở 512 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 14.669 hội viên, phụ nữ, hỗ trợ trang thiết bị, vốn, mặt bằng cho 244 phụ nữ khởi sự kinh doanh; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến 12.099m2 đất, tự tháo dỡ 2.629m tường bao và 35 công trình xây dựng trái phép, đóng góp 8.207 công, ủng hộ 5.145,3 triệu đồng; Duy trì và phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS của 10 Câu lạc bộ đồng cảm với 612 thành viên.
Tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; phối hợp Tổ chức hướng dẫn kỹ năng xây dựng, kỹ năng trình bày chương trình hành động nâng cao năng lực cho 418 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử HĐND các cấp; tổ chức 04 buổi tọa đàm về bình đẳng giới với 1.672 đại biểu tham dự. Tổ chức gặp mặt nữ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở nhân dịp 8/3 và 20/10; Triển khai hiệu quả Đề án 938“Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng kịp thời phát hiện và tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua gắn với thực hiện Chương trình 04-CTr/HU ngày 30/9/2020 của Huyện ủy Ba Vì về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 08/01/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” thật sự đi vào đời sống, các cấp Hội LHPN huyện Ba Vì tập trung tham mưu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống, xây dựng người phụ nữ Thủ đô hiện đại, có tri thức, có sức khỏe, có đạo đức, bản lĩnh và khát vọng vươn lên; chủ động phối hợp với các ngành hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình góp phần giải quyết tốt các vấn đề đang đặt ra đối với gia đình hiện nay.
2. Tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp thực hiện hiệu quả góp phần thu hẹp khoảng cách về giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Tham mưu, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em như phòng, chống mua bán người, bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình. Triển khai tốt dự án “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” cùng với các chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, nữ lao động nhập cư, phụ nữ khuyết tật ....
3. Tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở Hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Hội; đa dạng hóa các mô hình tập hợp hội viên, đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động của Hội theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”.
4. Phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhất là các nội dung liên quan đến tổ chức Hội, phụ nữ, trẻ em
5. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp Hội phát động; xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảng đang – Thanh lịch”.