Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội
(PNTĐ) - Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiểu Dự án 3 "Phát triển kinh tế xã hội-mô hình bộ đội gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặt ra mục tiêu xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược.

Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, Bộ Đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nâng bước các em tới trường.
Gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố/mẹ hoặc cả bố mẹ đều đã mất..., nhiều em nhỏ, trong đó có người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên của tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi tưởng chừng sẽ chông chênh trên chặng đường đời tiếp theo. Nhưng rồi, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ bộ đội biên phòng mà người dân trên địa bàn vẫn thường trìu mến gọi là “người cha thứ 2 trong màu xanh áo lính”, các em đã có thêm hơi ấm yêu thương.
Chúng tôi đến với xã Đăk Xú vào một buổi trưa tháng 11. Địa bàn này thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Các em nhỏ đa phần đều là người dân tộc thiểu số như Dẻ - Triêng, Brâu, Ba Na..., gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từng tốp học sinh trong giờ tan trường vừa đi bộ, vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Rồi một nhóm các em dừng lại, rẽ vào một nhà dân ven đường.
Thì ra, đó là nơi đang tổ chức bữa cơm trưa cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là sáng kiến của các chiến sĩ bộ đội biên phòng Đăk Xú. Trung tá Vũ Đức Phú, Chính trị viên, Đồn biên phòng Đăk Xú cho biết, các em nhỏ được "ăn cơm chiến sĩ" đều có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc. Để đến trường hàng ngày, các em phải đi bộ một quãng đường khá xa. Trong lúc đó, bố mẹ các em cũng mải lên nương rẫy, điều kiện kinh tế của gia đình cũng không có nên đa phần các em thường nhịn bữa trưa hoặc là về nhà, có gì thì ăn nấy. Thương và muốn các em có sức khỏe để học tập, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở Đồn biên phòng Đăk Xú đã tự nguyện trở thành người anh, người cha nhận nuôi và giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Nhiều chiến sĩ có cuộc sống riêng còn chưa dư dả nhưng vẫn đã trích một phần tiền lương để gây quỹ hỗ trợ trẻ và trợ giúp về tinh thần cho các em.
Tấm lòng của các anh cũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Một cô giáo đã đồng ý dùng nhà mình để làm nơi tổ chức nơi ăn, và tham gia nấu cơm cho các em. Đó là lý do suốt thời gian qua, cứ vào buổi trưa hàng ngày, các chiến sĩ Đồn biên phòng Đăk Xú lại bận rộn tới giúp đỡ việc chia cơm, tổ chức bữa trưa cho các con.
Bữa cơm hôm nay các em được ăn mà chúng tôi chứng kiến có món đậu phụ sốt cà chua, thịt bằm, xúc xích, canh rau cải nấu thịt... Đón nhận suất ăn nóng sốt, ngon lành đó, em nào cũng hào hứng và ăn hết suất. Một em nhỏ tâm sự: Đây là bữa cơm ngon nhất của con trong ngày. Bình thường ở nhà con chỉ ăn cơm với rau là chủ yếu, thi thoảng thì có thịt. Còn ở đây cơm lúc nào cũng ngon.
Nhìn nụ cười của các em mà chúng tôi cũng thấy ấm lòng.
Trung tá Vũ Đức Phú, Chính trị viên, Đồn biên phòng Đăk Xú cho biết: Vì nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ biên phòng cả năm chỉ về thăm gia đình 1 lần. Có chiến sĩ, vợ chồng mới cưới đã xa nhau. Cũng có chiến sĩ, nhà nội, nhà ngoại, vợ con và bản thân mỗi người ở một địa phương khác nhau. Cũng vì thế, các anh rất thấu hiểu giá trị của tình cảm gia đình, luôn nhớ về vợ, con. Tại địa bàn Đăk Xú, khi được giúp đỡ các em nhỏ, nhất là các em nhỏ mồ côi, các chiến sĩ Đồn biên phòng thấy như đang được ở cạnh con của mình. Chẳng ai tính toán thiệt hơn mà đều nỗ lực hết sức để có thể bù đắp thiệt thòi cho các con, giúp các con tiếp tục nuôi con chữ.
Phan Thị Thu Thảo, sinh năm 2008 hiện đang ở cùng bà ngoại ở thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình thuộc hộ nghèo, Thu Thảo còn có thêm thiệt thòi khi cha không may mất sớm. Không biết bao lần, Thảo từng ước giá như mình có cha, hàng ngày được cha đưa đi học thì thật hạnh phúc.
Và rồi một ngày, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lý Sơn đã giúp em thực hiện phần nào ước mơ ấy. Trở thành con nuôi của Đồn biên phòng, hàng ngày, Thảo được ăn cơm tại đơn vị. Các chiến sĩ còn chia nhau tới nhà thăm hỏi, động viên, kèm cặp Thảo học bài.
Nguyễn Thị Mỹ Tiên, học sinh lớp 9C trường THCS An Vĩnh hiện ở thôn Đông An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Tiên cũng là con mồ côi cha, mình mẹ Tiên phải mưu sinh nuôi 3 con nên cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Biết được hoàn cảnh của em, những người cha thứ 2 ở Đồn biên phòng Lý Sơn cũng đã nhận Tiên làm con nuôi, hàng ngày nấu cơm cho Tiên ăn ngay tại đơn vị rồi còn dạy Tiên nhiều kỹ năng mà những người cha vẫn thường dạy cho các con mình. Cũng nhờ vậy mà Tiên cảm thấy như thể cha ruột vẫn đang hiện diện bên em.
Đến nay, thông qua Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn biên phòng” mà Đồn biên phòng Lý Sơn triển khai từ năm 2016, rất nhiều em nhỏ người dân tộc thiểu số khó khăn dưới sự hỗ trợ của những người cha thứ 2 đã vươn lên trưởng thành. Như em Nguyễn Thị Kim Hiền, sinh năm 2005 ở thôn Tây An Vĩnh, Lý Sơn với kết quả học tập tốt năm 2020 đã nhận được học bổng toàn phần từ Quỹ Vừ A Dính. Năm 2023, Hiền đã đỗ vào Trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM. Còn em Hoàng Việt Hưng, sinh năm 2003 ở thôn Đông An Vĩnh, Lý Sơn đang học năm 3 Trường Cao đẳng FPT Đà Nẵng.
Thiếu tá Cao Tấn Vương, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi cùng các đồng đội suốt 8 năm qua đã rất quen thuộc với đàn con thơ là những cô bé, cậu bé có hoàn cảnh khó khăn mà Đồn nhận hỗ trợ. Các anh thuộc rõ về hoàn cảnh, rồi cả tính nết, sở thích của từng con.
Đó là cô con gái Nguyễn Quỳnh Như học sinh lớp 8B trường THCS Bình Thuận, thị trấn Bình Sơn, Quảng Ngãi không may mắc bệnh ung thư máu từ năm 7 tuổi. Khi nhận giúp đỡ và coi Như như con nuôi, những người cha thứ 2 đều cố gắng bù đắp thật nhiều cho con. Rất vui khi Quỳnh Như đã chứng tỏ mình là cô con gái nghị lực, không chỉ vượt qua bệnh tật mà còn trở thành một học sinh giỏi, có thể nói 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha nhờ tự học trên youtube.
Hay như con trai nuôi Nguyễn Phúc Lộc, học sinh trường THCS Trần Kỳ Phong, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn có cha bị bại liệt, mẹ bỏ đi biệt tích. Thiếu tá Vương nhớ lại hồi các anh mới gặp con, Lộc còn hơi nhút nhát nhưng sau đã hòa nhập, hòa đồng rất nhanh. Những người cha ở đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất còn kể nhiều về cô con gái Bùi Thị Thắm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Bà của Thắm là ngư dân, sức khỏe yếu, mẹ cũng bị bệnh nặng. Với sự giúp đỡ và tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng, Thắm giờ đã là sinh viên năm thứ hai khoa tiếng Trung, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Với Thắm, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã trở thành ngôi nhà thứ 2, nơi đem lại cho em rất nhiều yêu thương, che chở.
Thầy giáo Nguyễn Mai Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Các chiến sĩ bộ đội biên phòng giống như người cha thứ 2 thân thương của các em nhỏ thiệt thòi. Các anh không chỉ giúp nuôi ăn, trao học bổng, hỗ trợ kinh phí học tập mà còn đem tới cho các con tình thương thực sự của người cha, giúp các em không còn cô đơn và biết trân trọng hơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Thiếu tá Cao Tấn Vương cho biết, tính từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 5 năm 2021, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đã tự nguyện góp lương, ủng hộ giúp đỡ 2 em nhỏ với tổng số tiền 84 triệu đồng. Năm học 2022-2023 các anh còn giúp đỡ 3 em nhỏ với số tiền 500.000 đồng/tháng.
Theo Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum Phạm Khánh Toàn, hiện nay, lực lượng biên phòng tỉnh Kon Tum đã nhận giúp đỡ 343 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng, đảm bảo duy trì mỗi năm 1 em có học bổng hơn 7 triệu đồng để duy trì học tập.