Chi hội trưởng phụ nữ là thành viên “Tổ truyền thông cộng đồng”
(PNTĐ) - Ngày 14/4/2023, Hội LHPN Hà Nội đã ban hành hướng dẫn số 09/HD-BTV về việc thành lập, vận hành và duy trì mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” thuộc dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, hướng dẫn được căn cứ Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 03/10/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn I: cuối năm 2022-2025; Hướng dẫn số 15/HD-ĐCT ngày 14/11/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về thành lập, vận hành và duy trì mô hình Tổ truyền thông cộng đồng.
Mục đích của tổ tuyên truyền cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về cơ cấu tổ chức: Tổ truyền thông được thành lập ở thôn. Đối với những thôn đã có tổ/nhóm tương tự, có thể kiện toàn và vận hành đảm bảo theo yêu cầu của hướng dẫn. Tổ truyền thông do UBND xã ra quyết định thành lập trên cơ sở tham mưu của Hội LHPN xã.
Tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn thành lập số lượng các Tổ truyền thông cho phù hợp với nguồn lực và yêu cầu công tác tuyên truyền tại địa phương.
Mỗi tổ “Tổ truyền thông cộng đồng” có từ 07 - 10 thành viên gồm:
- Bí thư chi bộ thôn/trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương;
- Trưởng các tổ/nhóm/CLB hiện có trên địa bàn của thôn (như: Tổ Tiết kiệm và vay vốn, CLB gia đình hạnh phúc, Tổ công nghệ số cộng đồng...). Trường hợp các tổ/nhóm/CLB hoạt động ở phạm vi nhiều thôn thì ưu tiên mời trưởng các tổ/nhóm/CLB tham gia tổ truyền thông ở thôn nơi mình sinh sống.
- Người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tuyên truyền, vận động (giáo viên, cán bộ y tế,...), hội viên nòng cốt.
Thành viên tổ là người sinh sống tại thôn, tự nguyện tham gia Tổ. Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bản thân và gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Trách nhiệm, nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ người dân trong cộng đồng; Là người uy tín trong cộng đồng hay trong tổ chức/đơn vị/CLB/tổ/nhóm và có khả năng vận động quần chúng; Có tinh thần đổi mới, tiên phong, đi đầu trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…
Đối tượng truyền thông của Tổ là người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã khi có yêu cầu của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã hoặc của Hội LHPN xã.
Tổ truyền thông hoạt động trên nguyên tắc tự quản dựa vào cộng đồng, dân chủ, công khai, minh bạch và tình nguyện; Làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số đối với các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổ; Tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành; Hoạt động bám sát các hướng dẫn của Hội LHPN các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn; đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 01 (một) hoạt động truyền thông; Lồng ghép hoạt động truyền thông với các cuộc họp thôn, họp chi bộ, họp tổ/nhóm; Các hoạt động truyền thông tận dụng tối đa truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội (facebook, zalo…).
Ngoài ra, các hoạt động truyền thông sử dụng phương pháp cùng tham gia; khuyến khích người dân, cộng đồng tham gia xác định nội dung và trong quá trình truyền thông.