Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Dự án 8 góp phần thúc đẩy bình đẳng giới
(PNTĐ) - Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 được các cấp Hội Phụ nữ cả nước thực hiện trong thời gian qua đã và đang lan tỏa một cách thiết thực, hiệu quả. Dự án đã góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Đẩy mạnh truyền thông về dự án 8
Theo Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em được quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 34 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. Theo đó, nhiều chính sách đặc thù được ban hành và tổ chức thực hiện quan tâm phát huy vai trò, tiếng nói và sự tham gia của trẻ em, nhất là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện cho trẻ em được sống, học tập, vui chơi trong môi trường ngày càng an toàn, bình đẳng, phát triển hơn.
Tuy nhiên, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế điều kiện, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí… Tại một số địa phương vẫn tồn tại những rào cản liên quan đến phong tục tập quán, những định kiến giới, khuôn mẫu giới dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trẻ em khu vực đồng bằng, thành thị; thêm vào đó, vấn đề an toàn cho trẻ em trên không gian mạng cũng đang cần được quan tâm đúng mức trong thời đại 4.0.
Để góp phần thúc đẩy thực hiện tốt hơn nữa Quyền Trẻ em và bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án 8 năm 2023, Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng đội Trung ương và Bộ GD-ĐT triển khai Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng DTTS&MN năm 2023” với tên gọi “Lắng nghe con nói”, nhằm phát huy tiếng nói và sự tham gia của trẻ em trong tìm kiếm, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN; đồng thời, tạo điều kiện để mọi trẻ em được bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những mong muốn, ước mơ về một gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng. “Sau cuộc thi này, những sáng kiến, những sản phẩm truyền thông tiêu biểu sẽ được chia sẻ, nhân rộng phù hợp tại các địa phương, đặc biệt là thông qua hoạt động của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS &MN”, bà Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ.
Tác phẩm bức tranh “Giã gạo cùng bố mẹ” của em Vi Min Chơn, dân tộc Thái, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Châu Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An đã để lại nhiều ấn tượng và xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi. Em Vi Min Chơn chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại một xã đặc biệt khó khăn của huyện. Cuộc sống gia đình em cũng còn nhiều khó khăn, vất vả tuy nhiên gia đình em luôn yêu thương nhau, giúp đỡ nhau. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với tác phẩm “Điều con muốn nói” giành giải Đặc biệt ở thể loại về sáng tác video, clip của nhóm tác giả Già Thị Dia, Vừ Mí Sính, học sinh Trường THCS bán trú xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Già Thị Dia chia sẻ: "Hiện nay tình trạng các bạn gái ở thôn bản em thường nghỉ học sớm để đi lấy chồng. Chúng em mong muốn các bạn gái không bị bố mẹ bắt nghỉ học sớm để đi lao động, đi lấy chồng. Đặc biệt, các bạn ấy cần vượt qua định kiến của bản thân mình để có cuộc sống tốt đẹp. Hạnh phúc gia đình của chúng em đơn giản lắm. Đó là khi bố không uống rượu, không đánh mẹ và giúp đỡ việc nhà...”.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, Hội LHPN các tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Hòa Bình… đã tích cực sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, các trang fanpage của Hội để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin của các cấp Hội một cách nhanh chóng kịp thời. Các tài khoản mạng xã hội của Hội thường xuyên cập nhật những hình ảnh đẹp, cách làm hay, gương phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên chia sẻ những hoạt động bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc như nghề may, thêu; các làn điệu dân ca, điệu nhảy, điệu múa của người dân tộc tại các địa phương.
Để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, các cấp Hội Phụ nữ còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc. Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN 5 huyện có đông đồng bào DTTS tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế lồng ghép với thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của UBND Thành phố; các chương trình phối hợp hoạt động cùng các sở, ngành, đơn vị, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hỗ trợ nguồn lực cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Hội LHPN Hà Nội tổ chức 4 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức về nội dung nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ... giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong việc phát triển kinh tế. Dư nợ nguồn vốn ủy thác qua tổ chức Hội Phụ nữ tại địa bàn 14 xã DTTS thông qua 80 tổ tiết kiệm vay vốn là 63 tỷ 724 triệu, hỗ trợ 1.702 cán bộ, hội viên phát triển kinh tế.
Còn tại tỉnh Lào Cai, chị Bạch Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương cho biết: Thực hiện Dự án 8, chị em cán bộ Hội đã tích cực vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo. Tại các các Chi hội đã triển khai nhiều giải pháp, huy động xã hội hóa giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm cụ thể nguyên nhân nghèo để phân công, hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Cụ thể, Hội Phụ nữ đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền là 4,1 tỷ đồng cho 40 hộ trong năm 2023, nâng tổng dư nợ lên hơn 10 tỷ đồng cho 143 hộ vay. Trong năm 2023, tại xã Hành Tín Tây, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn “Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số”, giúp hội viên, phụ nữ hiểu biết hơn về việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm nông sản; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ/nhóm truyền thông, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình thực hiện Dự án 8.