Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên thực hiện bình đẳng giới
(PNTĐ) - Xã Na Loi là xã biên giới đặc biệt khó khăn nằm phía Tây Bắc của huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. Toàn xã có 5 bản: 3 bản Thái, 2 bản Khơ mú, trong đó có dân tộc Thái; Dân tộc Khơ Mú ngoài ra là dân tộc Kinh. Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Được sự quan tâm của các cấp về công tác đầu tư, chính sách hỗ trợ về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội như chương trình 135, chương trình 30a, chương trình nông thôn mới và chính sách hỗ trợ khác trên địa bàn xã… những năm qua, đời sống của nhân dân ở xã Na Loi đã được cải thiện nhiều. Song tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở xã tôi vẫn còn cao (chiếm 66,44%). Đặc biệt, ở nhiều xã vùng biên, tình trạng diễn ra phổ biến là nạn tảo hôn, tiếng nói của chị em phụ nữ trong gia đình còn khiêm tốn. Nhiều phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, lấy chồng sinh con, phụ thuộc vào chồng và gia đình nhà chồng. Trong các gia đình, vẫn còn đặt nặng tư tưởng phải sinh con trai nối dỗi, coi "con gái là con người ta", từ đó dẫn tới, việc đạt được bình đẳng giới trong các gia đình, cộng đồng giữa nam và nữ còn nhiều khó khăn.
Là tổ chức đại diện chăm lo cho hội viên phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN xã Na Loi, huyện Kỳ Anh chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao mức sống, được học tập nâng cao trình độ, từ đó dần tự chủ, tự tin, khẳng định vị thế của mình. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực.

Chúng tôi cũng xác định, việc nâng cao mức sống tinh thần cho chị em phụ nữ cũng rất quan trọng. Khi chỉ em được nghỉ ngơi, giải trí, được có cuộc sống tinh thần khỏe mạnh thì chị em sẽ nghĩ thông thoáng hơn, mở mang hiểu biết hơn. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở mỗi một chi hội. Chị em trong đội thể dục thể thao của xã Na Loi hiện nay có thể tự tin đi thi đấu với các xã khác trong huyện. Khi được đi giao lưu, chị em có điều kiện học hỏi lẫn nhau, và tự tin bước ra khỏi làng bản.
Đặc biệt, một trong những biện pháp thực hiện bình đẳng giới là Hội đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ đề như Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống mua bán người… Khi có kiến thức, chị em sẽ hiểu được quyền của mình và hiểu được vai trò, vị thế của mình ra sao.
Ngoài ra, để chị em khẳng định tiếng nói trong gia đình, thì việc độc lập kinh tế cũng rất quan trọng. Không chỉ cùng chồng lên nương làm rẫy, chúng tôi cũng giúp chị em có thêm cơ hội để phát triển các ngành, nghề khác, tự kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình chứ không chỉ lệ thuộc vào chồng. Chúng tôi đã tham mưu cho cấp trên hỗ trợ các nguồn vốn vay và kiểm tra, đối chiếu vốn vay 3 tổ vay vốn Ngân hàng CSXH do Hội LHPN xã quản lý với tổng số dư nợ (thời điểm 8/5/2022) là trên 5 tỷ đồng với 138 hộ thành viên với số tiền gửi tiết kiệm là trên 147 triệu đồng. Các thành viên vay đều thực hiện tốt việc thu - nộp lãi suất theo quy định. Đến nay Hội không có nợ tồn đọng và nợ quá hạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với chính quyền xã phát triển một làng nghề dệt thổ cẩm với 80 hội viên tại bản Na Loi…
Để giúp chị em có cuộc sống hạnh phúc, chúng tôi duy trì và sinh hoạt có hiệu quả các CLB “Không sinh con thứ 3”, tuyền truyền các ông chồng quan tâm tới vợ, hỗ trợ vợ chăm con, nuôi con. Nhờ đó, sự bình đẳng giữa chồng và vợ được từng bước khẳng định. Chúng tôi cũng trang bị kỹ năng sống cho chị em phụ nữ, vận động chị em nói không với lá ngón, giúp chị em hiểu dù gặp chuyện buồn thì cũng không nên lên rừng hái lá ngón để tự vẫn.
Mô hình “Phụ nữ tự quản bản vệ môi trường” tại bản Na Loi và các mô hình đã được thành lập lại khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong tham gia đóng góp cho cộng đồng. Chị em từ đó cũng thấy mình được làm điều có ích. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với bộ đội biên phỏng Na Loi, hàng tháng tổ chức sinh hoạt “CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường,… qua đó góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.
Hiện nay, tại Na Loi, chúng tôi rất vui mừng khi không có tình trạng tảo hôn, không có vượt biên, tảo hôn… Đến nay, Hội có 278 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Năm 2022, Hội đã phát triển thêm 6 hội viên so với năm trước đó.
Trong 2 năm 2021-2022, chúng tôi cũng rất vui khi được Hội LHPN Hà Nội triển khai chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương với phụ nữ xã Na Loi. Ngay trong tháng 5 vừa qua, chúng tôi cũng đã được nhận sự hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội với 50 triệu đồng xây mái ấm cho một hội viên phụ nữ khó khăn; 50 triệu vốn sinh kế cho 5 phụ nữ nghèo. Năm 2021, gia đình chị Lương Thị Nọi ở bản Piêng Lau có hoàn cảnh khó khăn nhất ở bản cũng đã được Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ dựng mái ấm tình thương nên không còn phải sống trong cảnh nhà tranh tre nứa lá nữa.
Tôi tin rằng, khi người phụ nữ dân tộc ở biên cương được hỗ trợ, nhận được sự đồng hành, được mở mang nhận thức thì các chị sẽ tự tin vươn lên. Và đó cũng chính là khởi nguồn của sự bình đẳng cho phụ nữ.