Hội LHPN tỉnh Phú Thọ: Hiệu quả công tác truyền thông trong triển khai thực hiện dự án 8
(PNTĐ) - Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi và hướng tới xóa bỏ định kiến giới, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại 05 huyện, 47 xã, 222 thôn; chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đảng giới, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện dự án 8 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban điều hành Dự án 8 tỉnh Phú Thọ cho biết: Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 được Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban điều hành Dự án 8 tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan triển khai Kế hoạch Dự án 8
Tại tỉnh Phú Thọ, trong thời gian qua, xác định công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là một nội dung quan trọng hàng đầu, cốt lõi trong thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã chú trọng chỉ đạo các biện pháp, giải pháp ưu tiên hoạt động truyền thông, song song với đó là tập trung phần lớn các nguồn lực cho hoạt động truyền thông. Hội Phụ nữ đã tiến hành khảo sát, tổng hợp, phân loại: những vấn đề nào là cấp bách đối với hầu hết phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN, những vấn đề nào là vấn đề cấp bách của phụ nữ trẻ em từng địa phương, từ đó xây dựng nội dung truyền thông phù hợp và hiệu quả.
Trong từng hoạt động truyền thông, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn đặt ra yêu cầu lựa chọn phương pháp, cách làm khoa học, nội dung đổi mới, sáng tạo, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với địa bàn và đối tượng phụ nữ trẻ em từng địa phương; khuyến khích những mô hình phù hợp có thể nhân rộng cho nhiều địa phương.
Cụ thể như, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm thành lập 01 Tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ) mẫu và hướng dẫn phương pháp vận hành TTTCĐ tại cơ sở. Trong 2 năm, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức ra mắt 152 TTTCĐ tại 05 huyện thực hiện Dự án. Các TTTCĐ đều được cấp phát tài liệu, loa di động từ nguồn ngân sách cấp cho Dự án 8... để thực hiện công tác truyền thông trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên nhiều nền tảng như truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền cổ động trực quan… tổ chức 56 buổi tập huấn, hướng dẫn về nội dung: kỹ năng tuyên truyền; kỹ năng xây dựng và phương pháp truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, truyền thông trực tiếp, gián tiếp; hướng dẫn vận hành và quản lý TTTCĐ... Phương pháp, cách thức lan tỏa các kiến thức, kinh nghiệm thực hiện bình đẳng giới, thực trạng và giải pháp thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn, hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số; biên tập các tin, bài tuyên truyền bằng song ngữ Việt - Mường, Việt - Dao phù hợp với địa bàn, đặc thù từng vùng miền. Hội đã tổ chức trên 300 hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho trên 28.000 hội viên phụ nữ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào các nội dung như: thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà; chăm sóc Sức khỏe sinh sản, tìm hiểu Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em, Luật Bình đẳng giới, chính sách dân số; Phòng chống bạo lực gia đình, Phòng chống ma tuý...
Điều đáng mừng đó là hoạt động truyền thông hấp dẫn và phù hợp đã thu hút sự vào cuộc tích cực của nam giới là hội viên danh dự, cán bộ thôn, bản; người có uy tín trong thôn/xóm, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo... Nội dung tuyên truyền được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; qua đó đã góp phần tích cực phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, hạn chế, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi các tập tục văn hóa lạc hậu, có hại với phụ nữ và trẻ em.
Nhằm giúp trẻ em nói lên tiếng nói của mình góp phần xóa bỏ những thói quen, tập tục lạc hậu, Hội Phụ nữ đã ra mắt 21 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại các trường THCS huyện miền núi. Các Câu lạc bộ đã thu hút đông đảo học sinh và các thầy cô giáo tham gia với nhiều hoạt động như: tổ chức các diễn đàn, hùng biện, trò chơi tìm hiểu kiến thức; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ...Thông qua hoạt động của các CLB đã trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích như: phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng phòng vệ, tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử, thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và “nói không” với các tai tệ nạn; mạnh dạn lên tiếng đấu tranh và lên án những hành vi xấu, từ đó hoàn thiện bản thân, giúp cho việc rèn luyện đạo đức và lối sống lành mạnh.
Với những cách làm hiệu quả trên, các hoạt động tuyên truyền sáng tạo, tích cực, bền bỉ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ, thu hút được sự vào cuộc của cộng đồng, đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề cấp thiết liên quan đến hủ tục lạc hậu thì hiện nay, phụ nữ - Trẻ em vùng ĐBDTTS&MN đang tiếp tục phát sinh những vấn đề cấp thiết mới không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn ở một số tỉnh miền núi khác, đó là: nhiều người mẹ trẻ (có khi là cả bố mẹ) để con nhỏ ở lại quê để đi làm ăn xa, khiến cho những đứa trẻ thiếu vắng sự quan tâm chăm lo hàng ngày của bố mẹ, dẫn đến bị xâm hại, bạo hành, nghỉ học sớm..., gia đình ly tán hoặc đổ vỡ hôn nhân... "Những vấn đề đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, trong đó Hội Phụ nữ có vai trò nòng cốt, mới có thể khắc phục và hạn chế trong thời gian tới", Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ Phạm Thị Kim Loan chia sẻ.