Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tăng cường bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số

Mùa Thị Mua, bản Nà Bủng 2, xã Nà Bủng, Nậm Pồ, Điện Biên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em là một trong những hoạt động của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Thực tế đã chứng minh rằng, khi được hỗ trợ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, những phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ có thể vươn lên, khẳng định vai trò, vị thế. trong gia đình và cộng đồng.

Vào những năm 2000 trên những vùng quê xa xôi, những vùng dân tộc thiểu số nói chung và ở quê hương mình - một xã biên giới Việt Lào thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (hiện nay) nói riêng, việc đến trường học chữ đối với những đứa trẻ còn là một điều cực kỳ xa lạ.

Chúng mình là những đứa trẻ người Mông, sinh ra trong một xã hội sử dụng ngôn ngữ và có văn hóa hoàn toàn khác biệt với người Kinh, không nói tiếng Kinh, không hiểu Tiếng Việt. Khi đó, đa phần các bạn nhỏ đến trường đầy sợ hãi và xa lạ. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần, một phần còn đến từ những rào cản văn hóa khác như tư tưởng của những người làm cha mẹ chẳng hạn. Chính những cản trở của bố mẹ, phụ huynh mới là rào cản lớn nhất cho những đứa trẻ đến trường, đặc biệt là các trẻ em gái.

Hồi đó, trong xã mình có một chị gái đi học, có thai ngoài ý muốn. Và, rất nhanh, chị trở thành đề tài để người lớn khuyên lũ trẻ con chúng mình đừng đến trường. Đến mức, một học sinh tiểu học như mình còn nhớ như in câu chuyện, như thể nó diễn ra ngay trước mắt mình vậy. Với người Mông việc con gái có chửa không chồng là làm mất thanh danh của gia đình, vì thế mà sai lầm của một bạn nữ được đem ra để ngăn cản con đường đến trường của bao bé gái khác.

Tăng cường bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số  - ảnh 1
Tác giả (người đeo gùi)

Hồi đó, đã không ít lần mình trở thành người dẫn đường cho cô chủ nhiệm vào tận nhà các bạn nữ để vận động các bạn đến lớp. Trên con đường đầy bùn đất, trơn trượt vì trời mưa trên nền đất dốc, có những đoạn không đi được, mấy cô trò phải cởi dép ra để đi chân đất cho khỏi ngã. Những tưởng con đường lầy lội, tối tăm này là hiện thân của những rào cản vô hình mà không dễ để nhận ra, khiến các bạn nhỏ không thể đến trường. Những tưởng con đường mưa lầy lội này là khó đi nhất rồi.

Nhưng hóa ra, con đường thuyết phục bố mẹ các bạn cho con em đến trường còn khó hơn. Nhiều bố mẹ kiên quyết không cho các bạn đến lớp, vì là con gái nên ở nhà phụ mẹ hái rau lợn, làm việc nhà. Mọi người cũng hay nói “cho con gái đi học làm gì, sau này đi lấy chồng nuôi nhà chồng chứ có nuôi bố mẹ đẻ đâu”. Chẳng thà để con gái ở nhà tranh thủ có sức người phụ việc còn bõ công sinh và nuôi.

Đa phần các bố mẹ cho rằng con gái chỉ cần học hết lớp 5, biết đọc và viết tên mình là được rồi. Sau đó, ở nhà giúp bố mẹ, học làm nông, học thêu thùa may vá, học làm dâu nhà người, như thế tương lai mới được nhà chồng coi trọng, chứ học biết chữ cho lắm mà cái gì cũng không biết, về nhà chồng vừa khổ mình, vừa bị khinh. Còn con trai thì cao siêu hơn nên được học hết lớp 9. Vì phụ nữ là phải ở nhà chăm nom gia đình, đàn ông là người bôn ba kiếm sống mới cần đi học. Cũng phải nói rằng, quá ít người đi học về có công ăn việc làm ổn định, có đóng góp thật sự hay có một cuộc sống ổn định để làm gương cho những bạn nhỏ khác tiếp bước.

Thật may mắn là bố mẹ mình không phải người quá trọng nam khinh nữ, dù nhiều lúc trong công việc bố mẹ cũng hay nói việc này là của con gái, việc kia là của con trai. Nhưng bố mẹ chưa bao giờ nói con gái không nên đi học, chỉ con trai đi học mới có đóng góp cho tương lai của mình. Điều này có thể là rất bình thường với mọi người, nhưng trên mảnh đất quê hương của mình thì có thể khẳng định bố mình có tư tưởng khác nhiều so với mọi người ở đây.

Là con gái đầu của bố mẹ, mình luôn được khuyến khích đi học. Những ngày cuối cấp hai, mình nói học xong cấp 2 muốn đi học tiếp. Muốn nói rõ với bố mẹ trước để được đi học cấp ba, điều mà gần như chẳng có bạn nữ nào ở bản làm cả. Bố mẹ mình chỉ nói “con cảm thấy tự tin đi học sẽ tốt hơn ở nhà thì con cứ đi thôi”.

Trong gia đình bố cũng hay nói “dù là con gái hay con trai ai học tốt thì học ai không thích học thì ở nhà đi làm nương, không nhất thiết đứa nào cũng đi học, đứa nào cũng ở nhà”. Thỉnh thoảng bố hay động viên mình “con trai thì bố đã chuẩn bị được đủ đất làm ăn, có của để dành rồi, còn con là con gái nhân lúc đang ở với bố mẹ thì cố gắng đi học, mai này về nhà chồng không biết ra sao nên đi học để có công việc, kỹ năng tốt hơn thì đời mới đỡ khổ”. 

Cần phải nói thêm rằng, chính tư tưởng “lấy chồng rồi chỉ lo cho nhà chồng” cũng dẫn đến việc con gái và cả xã hội đều mong con gái dựa vào nhà chồng và chồng để sống. Mà bản thân phụ nữ thì không thật sự tự ý thức độc lập và rèn luyện tư tưởng độc lập. Mọi người cho rằng con đường dẫn đến cuộc sống tốt hơn của một người con gái là lấy được chồng giàu, chọn được người chồng tốt. Còn nếu không chọn được người chồng tốt, đó là số nó khổ.

Sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, mình mong sẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi để chứng minh rằng dù là con gái nhưng vẫn có thể học cao, bôn ba, kiếm sống, có đóng góp tích cực cho xã hội. Khi nghe người ta nói đi nói lại chuyện con gái không cần và không nên đi học, con gái đi học rồi lại chửa hoang, mình đã thật sự mong muốn tạo ra một câu chuyện con gái thành công với con đường đi học khác.

Mình đã xách đồ xuống thị trấn, cách nhà tròn một ngày đường để thi vào trường nội trú cấp huyện học tiếp cấp 3. Lúc đó, mình có quyết tâm mãnh liệt sẽ thi đỗ, phải thi đỗ vào trường nội trú. Bởi đó là lựa chọn duy nhất cho con đường đi học của mình. Bởi nếu không đỗ thì gia đình không đủ kinh tế để chu cấp cho mình học tiếp cấp 3. Gia đình mình không dư giả gì, dù cũng không đến mức thiếu ăn, nhưng cũng không phải gia đình khá giả.

Lúc đó, các chú các bác hàng xóm cũng khuyên ngăn rằng học xong cũng không chắc xin được việc, gia đình cũng khó khăn thì nên nghỉ học sớm, lập gia đình để ổn định cuộc sống. Nhưng bằng sự nỗ lực cùng chút may mắn, cuối cùng mình đã đỗ vào trường nội trú huyện ở tận Mường Nhé và đã vượt qua khoảng cách từ vùng quê đến thành phố để học, khám phá những thứ mà trên quê không có.

Trong thời gian đi học, đã có đến bốn người đến nhà hoặc viết thư hỏi cưới mình. Nhưng mình luôn nói rõ ràng, không phải mình khinh thường và không muốn lấy những người đã đến hỏi cưới mình, mà đơn giản, thời điểm này mình chỉ muốn đi học, và đi học..

Cuối cùng, mình cũng vượt qua được. Rồi trở thành nữ sinh của Học viện Phụ Nữ Việt Nam. Tốt nghiệp đại học, tuy là không có một vị trí cán bộ nào, nhưng mình tự tin rằng mình có học được chút kỹ năng, chút kiến thức để phục vụ cuộc sống của mình. Công việc hiện tại không chỉ giúp mình tạo ra công ăn việc làm ổn định cho chính mình, mà còn góp phần tạo ra công ăn việc làm cho những người phụ nữ người Mông ở quê, những người đã không có được cơ hội đi học để tăng vốn sống, kỹ năng và cơ hội phát triển bản thân. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Hội LHPN của nhiều địa phương đã có cách làm rất đa dạng, hiệu quả.