Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã tích cực triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025trên địa bàn người DTTS và miền núi của Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo Phụ nữ Thủ đô về quá trình triển khai Dự án 8.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về nhận thức bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội trước khi triển khai Dự án 8?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Theo thống kê của Ban Dân tộc TP Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng 108.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), thuộc 50 thành phần DTTS sinh sống ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, với trên 55.000 người.
Tổng số hội viên phụ nữ là người DTTS trên địa bàn thành phố là 13.345 người, chiếm 15% tổng số hội viên phụ nữ toàn thành phố, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Thái, Tày, Nùng, Sán Dìu, Khơ Me...
Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành Thành phố, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ DTTS; truyền thông phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... gắn với triển khai các Đề án, Dự án, các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội... góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cho phụ nữ DTTS.
Tuy nhiên nhận thức về bình đẳng giới ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn có những mặt hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý là người DTTS tại khu vực các xã miền núi còn thấp. Tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái có thời điểm diễn biến phức tạp. Phụ nữ và trẻ em gái DTTS có nơi còn bị hạn chế trong việc tiếp cận với các cơ hội, nguồn lực về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận các dịch vụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường... Điều này hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ DTTS, kéo theo sự chậm phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương…
Thưa bà, Hội LHPN Thành phố đã chủ trì tham mưu thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 như thế nào?
Bà Phạm Thị Thanh Hương: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 Dự án thành phần nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành: Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 03/10/2022 về triển khai thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 05/01/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội LHPN Hà Nội đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trong các cấp Hội, phân công trách nhiệm của các Ban chuyên môn, các cơ quan/đơn vị trong việc tham mưu tổ chức, thực hiện các hoạt động thuộc Dự án 8 và Đề án theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã đề ra.
Thành Hội tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với sự tham gia của 150 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của Thành phố, Thường trực Hội LHPN và cán bộ tham mưu thực hiện Dự án 8 của UBND 5 huyện và 14 xã DTTS và miền núi Hà Nội; đồng thời chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn Thành phố… Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thành lập và vận hành các mô hình điểm của dự án, hướng dẫn các hoạt động đối thoại chính sách, giám sát phản biện, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ thuộc đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức hoạt động truyền thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ DTTS; tuyên truyền vận động, xoá bỏ các tập tục có hại, hỗ trợ phụ nữ DTTS tham gia phát triển kinh tế xã hội tại địa phương...
Dự án 8 triển khai là điều kiện thuận lợi để Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Ban Dân tộc Thành phố, các sở, ban, ngành của Thành phố và UBND 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đến phụ nữ và trẻ em DTTS, những người còn chịu nhiều thiệt thòi bởi những rào cản và định kiến xã hội; thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn bà!