Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin để thay đổi

ĐÈO THỊ THỦY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dưới đây là câu chuyện của một phụ nữ dân tộc thiểu số ở Sơn La, chị Đèo Thị Thủy. Chị đã chứng minh rằng, việc hỗ trợ, trao quyền năng cho người phụ nữ là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn. 

Tôi là con gái thứ 4 trong gia đình dân tộc Thái Đen có 6 chị em (5 gái, một trai) tại một xã nghèo của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La-  nơi mà những trẻ gái sẽ luôn được dạy về sự “hy sinh” vô điều kiện cho chồng và  những đứa con của mình.

Khi một trẻ trai ra đời, gia đình sẽ mời những người có địa vị trong dòng họ đến chia vui, đặt tên và báo cáo với tổ tiên. Ngược lại, một bé gái Thái Đen ra đời lại bị coi là việc rất bình thường, việc đặt tên cũng không được coi trọng. Khi lớn dần, bé gái sẽ được dạy thêu thùa, làm bông, dệt vải… Không có nhiều trẻ gái Thái được đến trường, nếu phải lựa chọn việc ưu tiên đi học luôn dành cho bé trai. Bé gái được “dạy” học nhiều cũng không có ích gì. Sau này lớn lên, đi lấy chồng, bé gái đó sẽ phải mang theo nhiều đồ đạc, đổi theo họ nhà chồng…

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin để thay đổi - ảnh 1
Tác giải trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ

Tôi đã sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng như thế. Nhưng tôi may mắn hơn rất nhiều vì bố mẹ tôi có tư tưởng khác. Từ nhỏ bố đã dạy tôi cần phải sống. Tôi không thích hay giỏi mấy việc thêu thùa, may vá, tôi thích đi học hơn. Vì thế, bố đã động viên tôi đi học, lập nghiệp, khẳng định bản thân ngoài xã hội.

Dù vậy, trong quá trình đó, tôi vẫn gặp phải không ít khó khăn khi có nhiều ánh nhìn, lời nói kiểu như: “Con gái học lắm làm gì cho khổ?”, “Gái Thái mà không biết thêu thùa, may vá thì không có của hồi môn mang sang nhà chồng”. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học. Ngày tôi vào đại học Luật Hà Nội, tôi đeo ba lô trên vai, tay xách hòm inox đựng đầy sách với quyết tâm thay đổi cuộc đời.

Để đến được Hà Nội, tôi phải đi xe oto với quãng đường gần 500km - mất nguyên một ngày đường. Cùng với đó cũng là những lo lắng, bỡ ngỡ tại nơi đất khách quê người, nơi mà không ai quen biết bạn. Tôi đã khóc rất nhiều nhưng không dám nói ra, đặc biệt là với bố mẹ. Bố tôi luôn bắt đầu cuộc điện thoại bằng câu hỏi: “Con có ổn không?”. Tôi luôn trả lời: “Con ổn” nhưng trong thâm tâm thì lại vô cùng không ổn. Sau đó, tôi bắt đầu có những người bạn mới dễ mến và cũng vẫn có cả người hoài nghi về khả năng của cô gái người dân tộc Thái. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực và phấn đấu để chứng minh dù tôi có điểm xuất phát khó khăn hơn các bạn, tôi là người dân tộc thiểu số nhưng tôi không thua kém các bạn ở thành phố. Trong suốt 4 năm học theo học tại trường đại học Luật Hà Nội, tôi là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, kết quả học tập cũng khá tốt. Tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi là sinh viên năm 3 của Trường.

Sau khi tốt nghiệp, tôi nhận công tác tại trường đại học Tây Bắc, ngôi trường đại học duy nhất trên chính mảnh đất quê hương tôi, nơi có gần 90% sinh viên là người dân tộc thiểu số. Tôi phụ trách giảng dạy các học phần pháp luật. Năm 2013, tôi hoàn thành chương trình thạc sỹ chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự. Trong gần 10 năm công tác tại trường, mỗi lần lên lớp hay khi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội với các bạn sinh viên, tôi luôn thấy mình trong đó. Tôi vui vì hiện có nhiều bạn gái dân tộc thiểu số đã học đại học nhưng đôi khi cũng thấy buồn vì có bạn bỏ học vì sức ép của gia đình hay bị ép về nhà cưới chồng. Có nữ sinh viên may mắn hơn, về lập gia đình rồi được trở lại trường nhưng lại có thai nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập.

Năm 2017, tôi vinh dự được tham gia “Hành trình lãnh đạo nữ” do Chính phủ Australia tài trợ. Qua khóa học, tôi đã được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, những rào cản mà phụ nữ dân tộc thiểu số đang gặp phải. Cũng từ đây, tôi càng tự hào hơn khi mình là phụ nữ dân tộc Thái Đen với những nét bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Đồng thời, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số cũng được tiếp cận các thông tin, dịch vụ hỗ trợ như mình.

Chính những điều đó đã thôi thúc tôi từ năm 2018 chủ trì thực hiện chiến dịch truyền thông “Huýt sáo không phải trò đùa” để  chống lại các nguy cơ xâm hại đối với phụ nữ. Chiến dịch đã nhận được nhiều kết quả đáng mong đợi. Từ đó, tôi tham gia nhiều hơn vào các chương trình, dự án về bình bằng giới, LGBTIQ … với mong muốn các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ dân tộc thiếu số sẽ có đủ tự tin, hiểu biết để đấu tranh trước những hủ tục, tập quán lạc hậu, qua đó khẳng định bản thân, giành được vị trí xứng đáng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Đặc biệt nhận được sự ủng hộ, quan tâm của trường đại học Tây Bắc, tôi đã thực hiện rất nhiều dự án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hoạt động thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn cho sinh viên để các bạn tự tin khẳng định chính mình. Cũng từ những hoạt động đó trong năm 2020, tôi vinh dự được nhận giải Nhất, Giải thưởng “Thanh niên tiên phong vì bình đằng giới” do Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS)  bình chọn.

Hiện nay tôi đã và đang xây dựng phòng tham vấn học đường tại trường đại học Tây Bắc. Tôi hi vọng với mô hình này, tôi có thể cung cấp các kiến thức kỹ năng để các nữ sinh, đặc biệt nữ sinh dân tộc thiểu số có hành trang đầy đủ để tự tin bước ra và cống hiến cho xã hội.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng trẻ em vùng cao

Đồng hành cùng trẻ em vùng cao

(PNTĐ) - Với mong muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ các em nhỏ có bữa ăn đầy đủ và ấm áp hơn, một nhà ăn mới cùng các trang thiết bị cần thiết cho trường học đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao tặng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Sủng Máng, huyện Mèo Vạc.
Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

(PNTĐ) - Sáng ngày 3/12, hơn 150 thanh niên, học sinh đã cùng lắng nghe và thảo luận những câu chuyện thành công, chia sẻ các sáng kiến trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

(PNTĐ) - Sau 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội Phụ nữ tại 40 tỉnh trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

(PNTĐ) - Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của Dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tỉnh  Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

Tỉnh Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

(PNTĐ) - Sau 3 năm hoạt động mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.