Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Sa Pa: Phụ nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển kinh tế
(PNTĐ) - Thực hiện mục tiêu “Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020” và “Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, thời gian qua, Hội LHPN thị xã Sa Pa, Lào Cao đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. Những năm gần đây, nhiều mô hình thực hiện thành công đã góp phần giúp hội viên phụ nữ có thêm thu nhập, vươn lên làm giàu.
Đến xã Liên Minh, một trong những mô hình “đa ý nghĩa” được chị em phụ nữ quy trì thực hiện gần chục năm nay là Câu lạc bộ thêu thổ cẩm thôn Nậm Kéng. Xuất phát từ nhu cầu của bà con người Xá phó muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa đã khảo sát và xây dựng câu lạc bộ.
Cùng với đó, Câu lạc bộ thêu thổ cẩm thôn Nậm Kéng còn được kết nối với Trung tâm Craft Linh (Hà Nội), đơn vị chuyên tiêu thụ các sản phẩm thủ công của bà con ra thị trường nước ngoài, để lên các phương án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2016, câu lạc bộ còn được xây dựng Nhà trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ dân tộc theo Dự án “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế bền vững và giữ gìn truyền thống văn hóa cho cộng đồng nhóm Xa Phó thôn Nậm Kéng, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa” từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh hội phụ nữ, nguồn xã hội hóa đóng góp của Trung tâm Craft Linh. Nhà trưng bày là nơi các thành viên câu lạc bộ cùng nhau thêu thùa và cũng là nơi bày bán các sản phẩm do chính mình làm ra cho khách du lịch.
Chị Hù Mô Khá, thành viên câu lạc bộ chia sẻ: Từ khi thành lập câu lạc bộ, chị em Xá phó rất phấn khởi bởi không chỉ được thỏa niềm đam mê thêu thùa, khâu vá, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các chị em còn vô cùng hạnh phúc khi sản phẩm của mình làm ra được khách hàng yêu thích.
Không chỉ thêu mảnh đơn thuần, những tấm thổ cẩm còn được chị em khéo léo lên ý tưởng thành những món đồ nhỏ xinh, như khăn, gối, ví, túi đựng điện thoại… Các sản phẩm không chỉ bày bán ở địa phương, mà còn được “chắp cánh” ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu.Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, lượng khách du lịch đến với Sa Pa đông, nhu cầu xuất khẩu lớn, mỗi chị em câu lạc bộ làm tranh thủ lúc nông nhàn thu nhập bình quân cũng được từ 2 triệu đồng/tháng đến 3 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, mới đầu thành lập, câu lạc bộ chỉ có 30 thành viên, nhưng qua thời gian hoạt động, nhận rõ hiệu quả, nhiều chị em khác xin gia nhập, đến nay đã lên tới hơn 40 người.
Chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thêu thổ cẩm thôn Nậm Kéng cho biết: Mặc dù 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm khiến sản phẩm tiêu thụ chậm cùng với đó việc xuất khẩu sang nước ngoài ngưng trệ, nhưng các chị em trong câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động để phục vụ của gia đình và nhu cầu tại chỗ của bà con. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, chúng tôi đang tích cực hoạt động trở lại, tìm nhiều đầu ra mới cho sản phẩm, như bày bán sản phẩm ở khu sân ga của cáp treo Fansipan.
Cũng cùng mục tiêu hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, Hợp tác xã Rau, củ, quả sấy, cao atiso và các loại cao thiên nhiên tổ dân phố 1, phường Sa Pả trở thành mái nhà chung của 14 hội viên phụ nữ. Với lợi thế về kinh nghiệm trồng dược liệu cả chục năm nay, các chị em đã liên kết với nhau trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra.
Bao giờ cũng vậy, đầu mỗi mùa vụ, các thành viên trong nhóm lại họp bàn lên kế hoạch trồng các loại cây, chọn mua giống cây, phân bổ cho từng gia đình thành viên. Trong quá trình chăm sóc cây, nếu gia đình nào có biểu hiện cây bị sâu bệnh, còi cọc, chậm phát triển thì cả nhóm lại cùng nhau cứu chữa. Những kỹ thuật về sơ chế, chưng cất cao, sấy củ, quả cũng được các thành viên chia sẻ cùng nhau.
Là Chủ nhiệm Hợp tác xã, bà Lê Thị Hồi thường xuyên đến nhà các hội viên thăm nắm tình hình và kiểm tra “đột xuất” khâu chế biến của các gia đình xem có đảm bảo về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Bà Hồi bảo: Muốn làm ăn lâu dài, đạt hiệu quả cao thì phải cẩn trọng, do đó các chị em hợp tác xã luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Những sản phẩm đảm bảo yêu cầu chúng tôi mới cung cấp ra thị trường.
Với uy tín của thương hiệu với chất lượng tốt, nên sản phẩm của hợp tác xã làm đến đâu đều tiêu thụ được đến đó, đem lại thu nhập cao cho các thành viên. Bà Hồi nhẩm tính, lấy tháng nọ bù tháng kia, bình quân mỗi tháng 1 hội viên thu được trên chục triệu đồng từ việc tham gia mô hình.
Tích cực thực hiện các mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nên hằng năm có hàng chục hộ gia đình do chị, em phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Những năm qua, Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thị xã tổ chức đào tạo nghề cho 385 hội viên. Duy trì nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ của tỉnh cho 28 hộ vay với số vốn 280 triệu đồng…
Không chỉ tạo nguồn vốn, thông qua các hoạt động, Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa đã tạo cơ hội giao lưu, học hỏi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Qua những hiệu quả bước đầu, còn góp phần nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp và hoạt động phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.