Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả thực Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động sáng tạo, mô hình phát triển kinh tế giúp phụ nữ dân tộc thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc…

Tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ dân tộc

Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo QĐ 1719 ngày 14/10/2021, với 10 nội dung, dự án thành phần nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Hà Nội có 14 xã, trên địa bàn của 5 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, theo báo cáo tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 xã dân tộc thiểu số, miền núi cuối 2022 còn 0,72% (theo chuẩn nghèo của Thành phố), trong đó xã Phú Mãn - huyện Quốc Oai không còn hộ nghèo.

Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới. UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 257 ngày 03/10/2022 triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn Thành phố, tập trung các giải pháp nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng các đại biểu trao đổi với chị em hội viên phụ nữ về mô hình chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì.

UBND Thành phố giao Hội LHPN Thành phố chủ trì, phối hợp với cùng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, một số sở, ngành, UBND 5 huyện thực hiện Dự án 8. Thời gian qua, nhiều hoạt động thực hiện Dự án 8 đã được triển khai, trong đó có hoạt động tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm bằng việc thông qua các Tổ truyền thông cộng đồng. Hội Phụ nữ đã có nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em; hoạt động phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, cán bộ Hội, các ban ngành, già làng trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng…

Nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp phụ nữ dân tộc thiểu số

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, để tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp Hội Phụ nữ đã và đang thực hiện mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ”. Năm 2023, với mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ”, Hội Phụ nữ 14 xã đã giúp 13 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo nâng cao mức sống, bằng các biện pháp như tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí, trợ cấp, tín chấp cho vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, ngày công… Hiện nay tại 14 xã, Hội Phụ nữ đang tín chấp 180,608 tỷ vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cho 3.845 người vay, 74,9 tỷ từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNN cho 758 người vay

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể. Chủ động tư vấn, hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương theo hướng liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khôi phục phát huy nghề truyền thống và tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động nữ. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 14 xã đã hỗ trợ thành lập 1 HTX nông sản an toàn; 1 tổ hợp tác; 3 Tổ liên kết với hàng chục thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia…

Hội Phụ nữ còn triển khai một số dự án như: Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa (tại 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa - huyện Ba Vì từ tháng 7/2019 – 7/2022 với nguồn vốn gốc là 2 tỷ đồng). Trong chu kỳ thực hiện dự án đã tổ chức giải ngân 25 đợt cho 244 lượt hộ gia đình vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa, phát 112 con bò sữa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay, (trong đó 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn nâng cao mức sống). Dự án “Cộng đồng thực hành phương pháp nông nghiệp tương hợp năng lượng” hỗ trợ 3 xã Khánh Thượng, Minh Quang, Yên Bài - huyện Ba Vì phát triển rừng và tạo sinh kế dưới tán rừng cho gia đình hội viên phụ nữ…

Tại huyện Ba Vì, để hoạt động giúp phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững có hiệu quả, Hội Phụ nữ đã triển khai thực hiện sáng tạo nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa. Từ tháng 4/ 2014, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa được thành lập với tổng số 30 thành viên. Ban đầu, tổng số bò mới có 89 con.

Qua một thời gian hoạt động, nhờ sự quan tâm của Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ cho chị em về vốn để phát triển đàn bò, tổng số bò tăng lên. Hiện nay, tổng số bò của Tổ hợp tác là 258 con. Các thành viên trong tổ luôn đoàn kết thống nhất chấp hành hoạt động theo quy chế, hàng tháng sinh hoạt theo định kỳ nhằm đánh giá tình hình hoạt động của tổ, theo dõi việc phát triển của đàn bò, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm của nhau, giúp chị em phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả đồi cho biết: Tiến Xuân là xã vùng đồng bào dân tộc của huyện Thạch Thất. Nhân dân chủ yếu sinh sống theo các triền đồi. Hội Phụ nữ đã luôn đi đầu trong công tác vận động, hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, vốn vay qua các kênh của ngân hàng cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ đã được thành lập như: Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi gà thả đồi với 15 thành viên. Ngoài các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp và khởi sự kinh doanh.

Hội Phụ nữ còn là nòng cốt trong việc thành lập đội văn nghệ du lịch cộng đồng đến nay 5/7 chi hội thành lập đội văn nghệ văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ các chương trình giao lưu văn nghệ, các sự kiện, Homestay, Farmstay trong và ngoài địa bàn. Qua đây đã giới thiệu được những đặc trưng, nét đẹp của bản sắc truyền thống dân tộc, từ văn hóa đời sống, trang phục, ẩm thực, chiêng Mường, múa hát dân ca của dân tộc đến du khách. Đây là một mô hình phát triển kinh tế tiềm năng đem lại thu nhập cao cho hội viên phụ nữ.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, để thực hiện nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp đổi mới nội dung/hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi về vị trí, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội; chính sách về khởi nghiệp, phát triển kinh tế…

Phát huy nội lực, ý chí vươn lên của phụ nữ dân tộc thiểu số; tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiến tiến, các mô hình/cách làm hay trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là thu hút sự tham gia của nam giới trong tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội Phụ nữ tiếp tục giám sát, đề xuất cơ chế/chính sách hỗ trợ các hợp tác xã/tổ hợp tác, nhân rộng mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác, phát triển kinh tế do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ hoạt động có hiệu quả…

Tin cùng chuyên mục

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

(PNTĐ) - Vừa qua, tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ khánh thành và trao tặng nhà lớp học điểm Trường Mầm non Minh Thắng, xã Việt Vinh. Đây là công trình điểm trường vùng cao được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tài trợ 400 triệu đồng kinh phí để xây dựng.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".