Tăng tiếp cận cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Sau 4 năm triển khai, dự án “Tăng tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy sáng kiến phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp” do Tổ chức Aide et Action (sắp trở thành Action Education), và Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc đã đạt được những kết quả đáng kể nhờ sự đồng lòng, hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ chính quyền địa phương và người dân trong cộng đồng.
Dự án "Tăng tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy sáng kiến phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp" được triển khai bởi Tổ chức Aide et Action (sắp trở thành Action Education)- một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hoạt động tại 19 quốc gia trên thế giới hỗ trợ phát triển các dự án giáo dục bền vững, và Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc- một tổ chức phi chính phủ trong nước, được sáng lập bởi những thanh niên trẻ thế hệ 8x, có khát vọng dùng tri thức, khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực nông thôn, vùng núi gặp nhiều khó khăn của Việt Nam.
Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với tổng ngân sách EUR 711.224, được Tổ chức Aide et Action Việt Nam và Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc thực hiện từ năm 2020 – 2023 tại hai tỉnh Lào Cai và Hoà Bình. Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng của thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; Tăng khả năng tiếp cận cơ hội sinh kế cho thanh niên DTTS để họ trở thành tác nhân cho sự thay đổi; Chia sẻ và lan tỏa các thực hành tốt và mô hình thành công.
Với mục tiêu đó, dự án tập trung vào ba hợp phần chính là hướng nghiệp, đào tạo nghề, và khởi nghiệp. Dự án triển khai cách tiếp cận toàn diện để hỗ trợ cho thanh niên DTTS trong việc lựa chọn việc làm, nâng cao năng lực và kỹ năng cá nhân để xây dựng kinh tế, đồng thời tối đa hóa tiềm năng của địa phương và thế mạnh của thanh niên trong các lĩnh vực mà họ lựa chọn.
Dự án không chỉ giúp các bạn thành niên nâng cao kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn tăng cường tiếp cận với cơ hội sinh kế cho thanh niên DTTS. Ảnh: Aide et Action
Kết quả, từ năm 2020 đến 2023, đã có 10.087 học sinh THPT tham gia các hoạt động hướng nghiệp và tư vấn định hướng nghề nghiệp; 2.156 thanh niên DTTS được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thông qua các lớp dạy nghề và hoạt động kết nối doanh nghiệp; 4.000 thanh niên được tiếp cận với thông tin việc làm thông qua các hội chợ việc làm; 16.674 là tổng số người được hưởng lợi từ Dự án bao gồm học sinh trung học phổ thông THPT, giáo viên THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên về Hướng nghiệp và Dạy nghề, và các thanh niên trong và ngoài trường học.
Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhận xét: “Dự án có tính thực tiễn cao khi tập trung vào việc giảm khoảng cách giữa nhu cầu và năng lực của thanh niên DTTS so với nhu cầu của thị trường lao động ở địa phương. Chúng tôi đánh giá cao công cụ hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông, các chương trình đào tạo nghề phù hợp cho người dân DTTS, và mô hình Vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên dành riêng cho thanh niên DTTS. Đây là cách tiếp cận bền vững và mang lại hiệu quả thực tế cho thanh thiếu niên DTTS trên địa bàn dự án.”
Ngoài ra, dự án cũng đã thành công trong việc kết nối sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hỗ trợ về chuyên môn và tài chính cho thanh niên để họ thực hiện ước mơ của mình.
“Tôi rất vui mừng khi chứng kiến những thành quả của dự án trong việc nâng cao kỹ năng phù hợp cho thanh niên để phát triển nghề nghiệp hiện tại và tương lai, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Chúng tôi sẽ ghi nhận những bài học hay từ dự án để tích hợp vào các chương trình Hợp tác trong tương lai của Liên minh châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo nghề”, ông Jesús Laviña, Phó trưởng Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ.
Những kết quả đạt được của dự án là nền tảng quan trọng để địa phương nhân rộng và thực hiện kế hoạch chiến lược dài hạn, cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm về định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề với các tỉnh ngoài vùng dự án. Bà Nguyễn Thị Tú - Trưởng Đại diện Tổ chức AEA Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng những thành tựu của dự án sẽ có tác động lâu dài trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và mang đến một tương lai tươi sáng cho các bạn học sinh và thanh niên DTTS. Tổ chức AEA sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn thanh thiếu niên trên hành trình theo đuổi ước mơ của mình.”