Hội LHPN Hà Nội

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ ngày 18-21/5, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đã vượt hàng trăm cây số đến với hai xã vùng sâu, vùng xa là Nậm Cắn và Na Loi thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, mang theo tình cảm, sự sẻ chia của Phụ nữ Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”năm 2023.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 1
Đoàn công tác đến thăm, tặng quà gia đình chị Lò Thị Tuyết , bản Na Loi xã Na Loi huyện Kỳ Sơn được Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ sinh kế năm 2022. Ảnh chụp vào sáng ngày 19/5/2023 ( Thanh Thanh)

Hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ vùng biên thoát nghèo

Những ngày cuối tháng 5, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã vượt qua hàng trăm km di chuyển vào những cung đường “núi tiếp núi, rừng tiếp rừng”, những khúc cua tay áo hiểm trở, nhiều nơi đường giao thông nhỏ hẹp, đi lại khó khăn để đến với cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn 2 xã Nậm Cắn và Na Loi, huyện Kỳ Sơn.

Xúc động khi được đón đoàn công tác của Hội tới thăm bản, thăm gia đình, chị Lô Thị Tuyết, bản Na Loi, xã Na Loi phấn khởi: Năm 2022, gia đình tôi rất vui khi được tổ chức Hội hỗ trợ vốn sinh kế cho phụ nữ khó khăn là 10 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm của gia đình chúng tôi đã mua 1 con bò sinh sản. Từ đó, vợ chồng tôi đã thay nhau chăm sóc tốt, đến nay bò đã đẻ được 1 con bê con. Không chỉ có gia đình tôi mà các gia đình được nhận hỗ trợ sinh kế khác cũng đã chăn nuôi bò rất hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phát triển đàn bò để có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 2
Vợ chồng chị Lô Thị Tuyết, bản Na Loi, xã Na Loi phấn khởi khi được đón đoàn công tác về thăm gia đình ( Ảnh Thanh Thanh)
Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 3
Chị Lô Thị Tuyết, là một trong những hội viên phụ nữ khó khăn được Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ sinh kế 10 triệu đồng năm 2022 chị đã đầu tư mua bò sinh sản đến nay bò đã đẻ được 1 bê con ( Ảnh Thanh Thanh) .

Xúc động nhận nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng để xây “Mái ấm tình thương” từ đoàn công tác, chị Moong Mẹ Thanh, bản Huồi Xàn, xã Na Loi cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm, lụp xụm. Khi biết tin có đoàn công tác tới thăm tại UBND xã và được lên nhận kinh phí hỗ trợ, tôi vui lắm! Gia đình tôi chỉ mong sớm được sống trong nhà mới khang trang hơn. Cảm ơn các bà, các chị em phụ nữ Thủ đô đã quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ vùng biên cương như chúng tôi”.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 4
Chị Moong Mẹ Thanh, bản Huồi Xàn, xã Na Loi là hội viên phụ nữ được nhận hỗ trợ 50 triệu đồng từ đoàn công tác để xây mái ấm tình thương trong năm 2023. ( Ảnh Thanh Thanh)
Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 5
Đoàn công tác trao tặng 50 triệu đồng cho gia đình chị Moong Mẹ Thanh vào  sáng 19/5 (Ảnh Thanh Thanh)

Chị Lương Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Na Loi cho biết: Xã Na Loi là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, có địa hình phức tạp, giáp đường biên giới với nước Lào. Trong thời gian qua, xã được Hội LHPN Hà Nội trao tặng nguồn sinh kế cho 5 gia đình và nhận được hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà cho hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2023, chúng tôi tiếp tục nhận được nguồn hỗ trợ thêm 1 căn nhà đồng thời nhận thêm nhiều phần quà cho phụ nữ và trẻ em. Những món quà ý nghĩa này không những giúp chị em cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn giúp an cư lạc nghiệp. 

Còn tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, chị Kha Thị Phương, dân tộc Thái đã có mặt từ rất sớm tại UBND xã. Chị Phương là một trong những phụ nữ khó khăn được nhận quà của đoàn công tác đến trao trong dịp này. Chị Phương cho biết: Trận mưa lớn, lũ quét xảy ra vào tháng 10/2022 đã khiến cho nhiều gia đình trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề, có gia đình mất nhà, đàn lợn, bò… nhất là không có nguồn nước để sản xuất trồng lúa. Chị em chúng tôi vốn đã khó khăn nay càng khổ hơn nữa. Cảm ơn những món quà ý nghĩa mà tổ chức Hội đã không quản ngại đường xá xa xôi đến chia sẻ, giúp đỡ chị em vùng núi, biên cương.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 6
Chị chị Kha Thị Phương,( người mặc áo xanh hàng đầu) là người dân tộc Thái xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cùng nhiều chị em hội viên phụ nữ và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có mặt từ rất sớm tại UBND xã đón nhận tình cảm, món quà tặng từ đoàn công tác ( Ảnh: Thanh Thanh)

Chị Vừ Y Nải, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm 2023, với nguồn hỗ trợ 5 mô hình sinh kế “Nuôi bò sinh sản” cho 5 phụ nữ nghèo; mỗi mô hình 10 triệu đồng từ đoàn công tác, trong quá trình phát triển mô hình, cán bộ Hội Phụ nữ chúng tôi hứa sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo duy trì và tương hỗ nhân rộng mô hình, giúp các chị em phát triển kinh tế hiệu quả, hướng tới thoát nghèo. Dịp này, chúng tôi rất phấn khởi khi được nhận thêm kinh phí hỗ trợ Hội PN xã mua 2 loa di động phục vụ tuyên truyền tại các bản. Đồng thời, Hội LHPN Hà Nội cũng đã trao tặng 20 suất quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 10 suất quà, sách vở, đồ dùng học tập cho 10 học sinh vượt khó.

Thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với phụ nữ biên cương

Chia sẻ về những khó khăn tại địa bàn, bà Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết: Toàn xã có 5 bản, gồm 3 bản người Thái và 2 bản người Khơ Mú với tổng số 458 hộ. Trong đó, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 60,18%, hộ cận nghèo chiếm 20,18%. Kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn xã tuy đã được tăng cường, song vẫn chưa đảm bảo yêu cầu phát triển của địa phương. Những năm qua, xã luôn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức đặc biệt là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN tỉnh Nghệ An…

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 7
 Bà  Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn phát biểu tại chương trình sáng ngày 19/5 ( Ảnh Thanh Thanh)

“Năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng của đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội để xây dựng giếng khoan và hệ thống nước sinh hoạt cho trụ sở UBND xã Na Loi. Đây là nguồn hỗ trợ vô cùng quý báu để giúp địa phương hoàn thiện hạ tầng cơ sở xây dựng nông thôn mới”- bà Hà xúc động.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 8
Đoàn công tác trao hỗ trợ 100 triệu đồng cho UBND xã Na Loi ( Ảnh: Thanh Thanh)

Bà Hà cho biết thêm, tập tục canh tác của nhân dân còn lạc hậu, công tác nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế còn nhiều mặt hạn chế; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu trên thị trường. Nhân dịp này, bà Hà đề xuất kiến nghị và kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình phụ trợ cho trường THCS dân tộc bán trú Na Loi; đồng thời giúp xã kết nối các tổ chức, cá nhân, đơn vị thiện nguyện trong công tác an sinh xã hội giúp người dân trong xã có thêm điều kiện sống tốt hơn nhất là quan tâm kết nối tiêu thụ sản phẩm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 9
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chia sẻ với những khó khăn của chị em vùng biên cương huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An ( Ảnh Thanh Thanh) 

Đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn vất vả của các cán bộ, chị em hội viên phụ nữ vùng biên giới trên địa bàn 2 xã Na Loi và Nậm Cắn, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nôi cho biết: Với tình cảm, tấm lòng của những người chị, người em Phụ nữ Thủ đô hướng về vùng biên cương, qua những chuyến đồng hành về với các bản, xã của vùng núi, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô càng thêm hiểu hơn về những vất vả, khó khăn của đồng bào vùng biên giới, nể phục sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hội trong triển khai các phong trào thi đua của Hội, của địa phương, từ đó càng thêm trách nhiệm, nỗ lực huy động sự chung tay, góp sức của cán bộ, hội viên phụ nữ, các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp… để giúp chị em vùng biên vượt khó vươn lên.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 10
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng các cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An ân cần thăm hỏi chị em phụ nữ dân tộc trong chuyến hành trình tới xã Na Loi ( xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An nằm phía Tây Bắc của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm huyện 47 km và là xã đặc biệt khó khăn)

Thấu hiểu những khó khăn của phụ nữ vùng biên cương cùng với Hội LHPN Hà Nội, trong những ngày tháng 5 này, các cấp Hội LHPN trên địa bàn các phường quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm huy động nguồn lực xã hội hóa tặng hàng trăm áo dài, trao sinh kế cho phụ nữ khó khăn, tặng sách vở đồ dùng học tập cho trẻ em; đồng thời phối hợp với các bác sỹ tại các bệnh viện của Hà Nội để khám sức khỏe miễn phí cho phụ nữ vùng biên cương tại huyện Kỳ Sơn. 

Gửi lời cảm ơn tới các các cấp Hội LHPN Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo 2 đơn vị: Đại tá Hồ Hữu Thắng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh; Trung tá Trương Lâm Tới, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh; Thiếu tá Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh; bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An… bày tỏ niềm xúc động, sự kết nối đồng hành của Thủ đô thời gian qua, đồng thời khẳng định chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" là một chương trình nhân văn đã mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đời sống cho người dân miền núi; đồng thời gắn bó nghĩa tình quân dân.

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 11
Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Hội LHPN tỉnh Nghệ An  rất vui khi thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trong nhiều năm qua để giúp phụ nữ trẻ em dân tộc, vùng biên cương thoát nghèo, ổn định cuộc sống ( Ảnh Thanh Thanh) 

Hy vọng trong những năm tiếp theo, chương trình này ngày một được nâng tầm với nhiều hoạt động cụ thể hơn nữa, lan tỏa ý nghĩa nhân văn, huy động sự chung tay, góp sức của xã hội đồng hành với phụ nữ biên cương xây dựng địa bàn biên giới của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

Cũng trong chuyến hành trình này, Đoàn công tác đã tới thăm, giao lưu và tặng những món quà mang hương vị truyền thống của Thủ đô, trao tặng ti vi, máy lọc nước… đặc biệt là “món ăn tinh thần” với những ấn phẩm của Báo Phụ nữ Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội tới cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng trên địa bàn 2 xã Na Loi và Nậm Cắn. Dịp này đoàn công tác cũng đã có chuyến thăm quan giáo dục truyền thống tại quê Bác, Khu tưởng niệm Truông Bồn, Đền Chung Sơn.

Từ năm 2018, thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, Hội LHPN TP Hà Nội đã đăng ký giúp đỡ các xã trên địa bàn 3 tỉnh gồm: Điện Biên, Kom Tum và Nghệ An với mong muốn giúp cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ, trẻ em ở các xã biên giới khó khăn không những có nhà mới để ở, có nguồn sinh kế, có sức khỏe mà còn được nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vượt khó vươn lên, tham gia công tác Hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 12
Cuộc sống của người dân vùng biên cương tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn những bản làng chưa có điện thắp sáng, chưa có nguồn nước sinh hoạt ổn định và nhiều hộ gia đình không có nguồn thu nhập ổn định. ( Ảnh: Thanh Thanh )
Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 13
Nhiều em nhỏ đi bộ đi học với quãng đường rất xa từ nhà đến trường cũng mất cả giờ đồng hồ  nhưng các em vẫn cố gắng học tập dù điều kiện học tập vẫn còn thiếu thốn ( Ảnh: Thanh Thanh)
Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 14
Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô thành viên trong đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã  có buổi phỏng vấn chị em vùng dân tộc tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn được biết hiện nay chị em hội viên phụ nữ luôn mong có được một công việc ổn định, một nguồn nước sinh hoạt trong gia đình và trong sản xuất nông nghiệp để có điều kiện chăn nuôi, sản xuất tốt hơn trong thời gian tới  
Vượt hàng trăm cây số đến với phụ nữ biên cương tỉnh Nghệ An - ảnh 15
Khi đoàn công tác về thăm xã Na Loi, được biết xã được công nhận là làng nghề cấp tỉnh vào năm 2021. Xã Na Loi có 6 bản, dệt thổ cẩm chủ yếu ở bản Na Loi. Người dân Na Loi tự trồng dâu, nuôi tằm để lấy tơ dệt vải. Việc các sản phẩm thổ cẩm như váy, khăn... của người dân Na Loi được công nhận OCOP 3 sao, người dân nơi đây mong muồn được kết nối, tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao thu nhập cho bà con . ( Ảnh: Thanh Thanh)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Hội LHPN của nhiều địa phương đã có cách làm rất đa dạng, hiệu quả.