Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Xây dựng hạ tầng xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 50% thôn có đội văn hóa văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Thực hiện mục tiêu đó,thành phố Hà Nội đã chú trọng xây dựng những công trình công cộng để góp phần nâng cao đời sống, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc trên địa bàn.
Chị Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất chia sẻ: Huyện Thạch Thất có 3 xã là Tiến Xuân, Yên Bình và Trung Yên chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống. Nhằm nâng cao đời sống của bà con, thời gian qua huyện Thạch Thất đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, giai đoạn năm 2021 - 2025. Đặc biệt, việc tập trung thực hiện chính sách đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các xã vùng núi theo Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố. Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án mới, nhờ đó, nhiều công trình giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ lợi ích cộng đồng được xây dựng, hoàn thiện cùng với phong trào văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm đã giúp nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Tạ Thị Hội, Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Tiến Xuân (Thạch Thất) cho biết: Thôn hiện có hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 80% là người dân tộc Mường, Tày, Thái... Những năm trước, thôn có nhà văn hóa, nhưng diện tích nhỏ, rất bất tiện khi địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, họp triển khai công việc. Những ngày mưa, nắng bà con rất vất vả nếu có các hoạt động diễn ra tại đây. Từ năm 2021, thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa rộng 200m2, có sân chơi thể thao rộng rãi nên bà con thoải mái tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao tại đây vừa góp phần củng cố sức khỏe, vừa tăng thêm sự gắn kết cộng đồng.
Cũng như người dân xã Tiến Xuân, người dân thôn Luồng Lặt (xã Yên Trung) phấn khởi vì từ năm 2022 đến nay, nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn khang trang hơn, đẹp hơn. Bà Lê Thị Mùi, thôn Luồng Lặt cho hay, từ nhiều năm qua, người dân trong thôn luôn dành thời gian cho hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe với các môn như bóng chuyền, ném còn, kéo co, đẩy gậy... Giờ có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, chúng tôi có chỗ để luyện tập đông vui. Hàng tháng hoặc nhân dịp ngày lễ, kỷ niệm, các tổ chức, đoàn thể trong thôn lại tổ chức thi đấu giao lưu, vừa góp phần nâng cao sức khỏe, vừa chọn lựa ra những vận động viên tiêu biểu tham dự hội thi cấp xã.
Được biết, Hà Nội hiện có 13 xã dân tộc miền núi thuộc khu vực I của 4 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất với tổng số 118 thôn. Trong đó, 51% là dân tộc Mường và Dao. Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), Thành phố đã thực hiện 9 nội dung thành phần, với tổng ngân sách đầu tư hơn 2.144 tỷ đồng. Mục tiêu hướng tới của thành phố là đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó, ít nhất 50% là lao động nữ.